18/04/2024 lúc 14:26 (GMT+7)
Breaking News

Những Chiến binh áo trắng 115 Đà Nẵng

VNHN - Đêm tĩnh lặng! tiếng còi hú, họ lại vội vã, tiếp tục lên đường…Đó là hình ảnh của đội Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng trong những ngày chống dịch Covid - 19. Họ như những chiến binh ra trận chiến đấu giữa tâm dịch bùng phát lần thứ hai tại TP Đà Nẵng.

VNHN - Đêm tĩnh lặng! tiếng còi hú, họ lại vội vã, tiếp tục lên đường…Đó là hình ảnh của đội Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng trong những ngày chống dịch Covid - 19. Họ như những chiến binh ra trận chiến đấu giữa tâm dịch bùng phát lần thứ hai tại TP Đà Nẵng.

Những phút nghỉ ngơi chưa trọn vẹn, những bát cơm còn dang dở đôi khi phải thả xuống như một phản xạ có điều kiện sau khi nhận lệnh chuyển bệnh. Hình ảnh đó quá đối quen thuộc của cán bộ y bác sỹ Trung tâm Cấp cứu 115. Đối với họ, những phút giây gồng mình trong công việc không thể làm nao núng ý chí, sự hy sinh lớn lao nhất mà họ phải đối mặt với sức mạnh vô hình của đại dịch Covid-19. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rất rõ rằng chẳng ai khác làm nhiệm vụ vận chuyển điều trị bệnh nhân thay cho họ lúc này.

 

Ngay từ những ngày đầu tiên Việt Nam đối mặt với đại dịch Covid-19, sở y tế TP Đà Nẵng đã giao trọng trách cho Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng là đơn vị duy nhất được phép vận chuyển cấp cứu cho người bị nhiễm, nghi nhiễm và các nhiệm vụ khác liên quan đến Covid-19 nhằm giảm thiểu sự lây lan trong cộng đồng. Họ là những người tuyến đầu, đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, an toàn trong công tác vận chuyển phục vụ cho tuyến đầu chống dịch.

BS CKI. Trần Công Thông – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng cho biết: Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phat trở lại đợt 2, Trung tâm Cấp cứu 115 đã huy động toàn lực 95 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế và 13 xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân, vừa đảm bảo nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu tai nạn và các bệnh thông thường trên địa bàn thành phố, vừa vận chuyển, điều phối bệnh nhận, y bác sỹ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi ngày, Trung tâm Cấp cứu 115 đã phải điều động 60 đến 70 ca, cao điểm có ngày lên đến 148 ca cấp cứu liên quan đến Covid-19. Không chỉ vận chuyển các ca từ bệnh viện Đà Nẵng đến các bệnh viện Hòa Vang, bệnh viện Phổi mà còn vận chuyển các ca bệnh dương tính thở máy đi cơ sở 2 tại Phong Điền (Bệnh viện Trung ương Huế) hay bệnh viện Trung ương Quảng Nam, Bắc Quảng Nam. Bên cạnh đó vẫn phải duy trì hoạt động hàng ngày từ 20 đến 35 ca vận chuyển cấp cứu đối với tai nạn và các bệnh thông thường.

Bản thân không được phép phơi nhiễm.

Với nhiệm vụ tuyến đầu, đội ngũ y bác sỹ của Trung tâm Cấp cứu 115 là những người đầu tiên tiếp xúc với người bệnh, họ thường xuyên phải hỗ trợ bệnh nhân bằng cách ôm, bế người bệnh lên và xuống xe. Không gian của xe chật hẹp, giữa bác sỹ và bệnh nhân gần như không có khoảng cách, nhiều trường hợp phải sơ cứu trực tiếp trên xe trong quá trình chở đến bệnh viện, thường xuyên động viên, giao tiếp với người bệnh trong quá trình cấp cứu nên nguy cơ phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 rất cao. Chính vì môi trường làm việc đặc thù như vậy, nên đội ngũ y bác sỹ của Trung tâm luôn đề cao nguyên tắt đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội, trang bị kính chắn, khẩu trang chuyên dụng N95 và bộ áo quần bảo hộ đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Không những thế, đối với những ca được xác định đã dương tính với SARS-CoV-2, cán bộ y bác sỹ được trang bị bộ bảo hộ ở cấp độ bảo vệ cao nhất Dupont Tyvek 400, đảm bảo an toàn ở cấp độ tối đa giúp y bác sỹ an tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong những ngày qua cộng đồng mạng xã hội đã chia sẻ những hình ảnh xúc động về những y bác sĩ ngất xỉu được đồng nghiệp sơ cứu, cấp nước. Đó là hình ảnh của những y sĩ, điều dưỡng, lái xe của Trung tâm 115 TP Đà Nẵng. Họ ngất xỉu vì làm việc liên tục trong nhiều giờ vận chuyển các ca dương tính với SARS-CoV-2 nên họ phải mặt đồ bảo hộ Dupont Tyvek 400, là bộ đồ bảo hộ tĩnh điện chuyên dụng được sử dụng nhiều trong lĩnh vực y tế và công nghiệp hóa chất, có chức năng chống hóa chất độc hại và các loại vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập. Chính vì thế, cơ thể của chúng ta sẽ bị nóng lên rất nhanh dẫn đến đuối sức khi sử dụng đồ bảo hộ Dupont Tyvek 400. Sau những ca cấp cứu kéo dài vài tiếng đồng hồ, có nhiều người đã kiệt sức, thậm chí ngất xỉu vì sốc nhiệt phản vệ và mất nước nhiều trong cơ thể.

Đôi tay khi bị bị mất nước 

Một thành viên trong đội sau khi vận chuyển nhiều giờ liền bị mất nước

Có đến Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng chúng tôi mới thấy được sự hy sinh thầm lặng của những chiến binh áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch. Nhiều người có thể đã kiệt sức, ngất xỉu nhưng khi tỉnh lại họ vẫn quyết cùng đồng đội tiếp tục lên đường chống dịch. Như lời tự sự của một bác sĩ trên trang cá nhân “Có thời điểm mình quá mệt, mình chỉ muốn thẳng lưng, làm một giấc cho đã con mắt, không cần biết thời gian trôi đi như thế nào. Nhưng không, không được! Ôi thật sự, thật sự rã rời…” và lại tiếp “Bạn ở nhà vì gia đình bạn, để chúng tôi sớm được về với gia đình tôi”. Đó cũng là mong muốn của tất cả chúng ta hãy cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh để mọi nhà được yên vui, hạnh phúc./.