29/03/2024 lúc 06:16 (GMT+7)
Breaking News

Những bê bối giáo phái ám ảnh Hàn Quốc

VNHN - Covid-19 lây lan ở Hàn Quốc, vụ chìm phà Sewol và việc tổng thống Park Geun-hye bị phế truất có điểm chung là đều liên quan đến giáo phái.

VNHN - Covid-19 lây lan ở Hàn Quốc, vụ chìm phà Sewol và việc tổng thống Park Geun-hye bị phế truất có điểm chung là đều liên quan đến giáo phái.

Vụ chìm phà Sewol là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại với số người thiệt mạng lớn, hầu hết là trẻ em. Ngày 16/4/2014, phà chở 476 người, gồm 339 học sinh và giáo viên, chìm khi trên đường từ Incheon đến đảo Jeju, chỉ 172 người sống sót. Giới chức kết luận rằng "một cú rẽ đột ngột bất hợp lý" đã khiến con phà bị nghiêng trước khi lật úp và chìm. Phà chở 3.608 tấn hàng hóa, gấp hơn ba lần tải trọng cho phép 987 tấn, số hàng này cũng không được cố định đúng cách.

Sewol chỉ mang theo 580 tấn nước dằn (nước được giữ trong bể chứa để giữ cho phà ổn định), ít hơn nhiều so với khuyến nghị 2.030 tấn, khiến cho tàu dễ bị lật úp hơn. Thủy thủ đoàn được cho là đã bơm hàng trăm tấn nước dằn khỏi đáy tàu để chứa thêm hàng hóa. Việc cải tạo phà để có thêm cabin cho hành khách cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Ngày 15/5/2014, thuyền trưởng và ba thành viên thủ thủ đoàn bị truy tố tội giết người, 11 người khác bị truy tố vì cố ý bỏ mặc hành khách và vi phạm quy định an toàn.

Giới chức phát lệnh bắt doanh nhân Yoo Byung-eun với cáo buộc tham ô, lơ là trách nhiệm và trốn thuế. Yoo, sinh năm 1941, là người đứng đầu gia đình sở hữu công ty Chonghaejin Marine, bên điều hành phà Sewol. Yoo được truyền thông mô tả là chủ sở hữu thực tế của con phà.

Năm 1962, Yoo sáng lập giáo phái Cứu rỗi có khoảng 100.000 thành viên, răn dạy tín đồ rằng những người đã được Chúa cứu rỗi sẽ được tha thứ tất cả tội lỗi họ phạm phải trong tương lai và chắc chắn sẽ lên thiên đàng. Không giống như các tổ chức Kitô giáo khác, nhóm này không khuyên tín đồ ăn năn hối lỗi khi làm điều sai và đây là một trong những lý do khiến nhóm bị các giáo hội chính thống coi là dị giáo.

Yoo Byung-eun chủ yếu sống tại khu nhà của giáo phái được gọi là Geumsuwon tại tỉnh Gyeonggi, cách Seoul 80 km về phía nam. Yoo có một studio nhiếp ảnh ở đây và ngày nào cũng chụp ảnh. Ông được cho là chụp khoảng 2,7 triệu bức ảnh từ năm 2009, tất cả đều chụp từ một ô cửa sổ. Các thành viên giáo phái dùng khu nhà Geumsuwon có diện tích 760.000 m2 làm nơi trồng rau củ hữu cơ và nuôi cá.

Ngày 23/4/2014, các điều tra viên đột kích khoảng 20 văn phòng, chi nhánh của Chonghaejin cùng văn phòng giáo phái Cứu rỗi tại Seoul. Các công tố viên cho rằng tiền từ các thành viên giáo phái đã được sử dụng trong hoạt động kinh doanh của Chonghaejin và Yoo Byung-eun. Công tố viên phát hiện hơn 100 công ty ma do các thành viên giáo phái thành lập đã trả cho Yoo và hai con trai hơn 97 triệu USD dưới dạng "dịch vụ tư vấn" và mua những bức ảnh của Yoo. Sau vụ chìm phà Sewol, Yoo trở thành người bị truy nã gắt gao nhất Hàn Quốc nhưng giới chức không thể lần ra tung tích ông này.

Hàng nghìn cảnh sát và công tố viên vài lần đột kích vào Geumsuwon nhưng không tìm thấy ông và vấp phải sự kháng cự của tín đồ. Ngày 28/4/2014, 600 tín đồ biểu tình trước trụ sở đài KBS ở Seoul để phản đối việc đưa tin về mối liên quan giữa giáo phái với bên điều hành phà Sewol. Các công tố viên cảnh báo vào ngày 24/5/2014 rằng bất cứ ai giúp Yoo ẩn náu đều phải đối mặt với án tù ba năm.

Người biểu tình giả làm Choi Soon-sil (trái) và Park Geun-hye ở Seoul tháng 10/2017. Con ngựa ám chỉ bà Choi đã dùng mối quan hệ để trục lợi cho việc học cưỡi ngựa của con gái. Ảnh: Reuters.

Sau khi 4 thành viên bị bắt vào ngày 25/5/2014 vì đã giúp Yoo trốn tránh cảnh sát, một phát ngôn viên của giáo phái nói: "Chúng tôi hy vọng ông Yoo không bị bắt. 100.000 tín đồ sẽ bảo vệ ông. Ngay cả khi toàn bộ 100.000 tín đồ bị bắt, chúng tôi cũng sẽ không giao ông ấy ra". Ngày 12/6/2014, một thi thể bị phân hủy nặng được tìm thấy ở một vườn mận tại Suncheon. Bên cạnh thi thể là ba chai rượu soju, một chai dầu gan cá mập do một trong những công ty của Yoo sản xuất cùng một cuốn sách của ông này.

6 tuần sau, cảnh sát xác nhận thi thể này là Yoo nhưng không kết luận ông bị sát hại hay tự tử. Cách xử lý chậm trễ, yếu kém của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye trong thảm họa phà Sewol đã khiến công chúng Hàn Quốc giận dữ, mở đầu cho bước trượt dài trong sự nghiệp chính trị của bà. Tháng 3/2017, Park bị phế truất và bị tuyên án 32 năm tù với các các tội danh nhận hối lộ, làm dụng quyền lực, cưỡng ép, gây thất thoát ngân sách nhà nước và can thiệp bầu cử nghị viện năm 2016.

Một trong những điều khiến công chúng Hàn Quốc phẫn nộ nhất là bà Park đã bị hai bố con Choi Tae-min và Choi Soon-sil "giật dây". Choi Tae-min, sinh năm 1912, sáng lập giáo phái Cuộc sống Vĩnh cửu vào đầu những năm 1970, kết hợp các yếu tố Phật giáo, Kitô giáo và Shaman giáo Hàn Quốc. Ông sử dụng 7 cái tên, kết hôn 6 lần và tự nhận mình là Di Lặc. Choi Tae-min kết thân với Park Geun-hye, người nhỏ hơn ông 40 tuổi, ít lâu sau khi mẹ của bà Park bị ám sát năm 1974. Theo một báo cáo của Cục Tình báo Hàn Quốc, Choi nói với Park rằng mẹ của bà đã hiện về trong giấc mơ của ông và yêu cầu ông giúp đỡ bà.

Ông trở thành cố vấn cho bà Park, giúp bà điều hành một nhóm tình nguyện ủng hộ chính phủ có tên gọi Phong trào vì tư tưởng mới. Con gái ông, Choi Soon-sil, là một lãnh đạo trẻ trong nhóm này. Choi Tae-min qua đời năm 1994 ở tuổi 82. Choi thường được so sánh với Grigori Rasputin - "tu sĩ" được cho là thao túng Sa hoàng Nicholas Đệ nhị, hoàng đế cuối cùng trong lịch sử nước Nga. Cục Tình báo Hàn Quốc nhận định ông này là "một cố vấn tinh thần giả mạo", lợi dụng mối quan hệ với bà Park để moi hối lộ từ quan chức chính phủ và doanh nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, cha của bà Park Geun-hye, bị giám đốc Cục Tình báo Hàn Quốc Kim Jae-gyu ám sát vào năm 1979. Kim khai trước tòa rằng một trong những lý do ông sát hại Park Chung-hee là vì ông không ngăn chặn được các hoạt động tham nhũng của Choi Tae-min và không giữ con gái tránh xa Choi. Bà Park từng nói rằng cha của bà có lần tra vấn bà và Choi Tae-min về các cáo buộc tham nhũng nhưng không phát hiện ra điều gì sai trái. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2007, Park Geun-hye gọi Choi Tae-min là một nhà yêu nước và bà rất biết ơn về những lời an ủi và tư vấn của ông trong thời điểm khó khăn.

Trong một bức điện tín ngoại giao năm 2007 do Wikileaks công bố, đại sứ quán Mỹ ở Seoul cho biết có những lời đồn rằng Choi Tae-min "kiểm soát hoàn toàn bà Park trong suốt những năm tháng xây dựng và phát triển sự nghiệp của bà", nhờ đó mà con cái của Choi Tae-min đã tích lũy được nhiều của cải. Sau khi Choi Tae-min chết, con gái ông, Choi Soon-sil, thay thế vị trí cố vấn tinh thần cho bà Park.

Mặc dù chỉ là một công dân bình thường không có quyền tiếp cận thông tin mật, bà Choi được phép biên tập một số bài phát biểu quan trọng của tổng thống. Bà thậm chí còn phụ trách vấn đề trang phục của bà Park Geun-hye, khuyên bà nên chọn trang phục màu nào vào những ngày cụ thể. Lee Seong-han, một cựu nhân viên quỹ từ thiện của bà Choi, cho biết bà Choi hàng ngày đều xem các báo cáo được gửi cho bà Park. Choi có đội ngũ cố vấn riêng sẵn sàng can thiệp vào các quyết định quan trọng của chính phủ, bao gồm việc bổ nhiệm các bộ trưởng nội các và đóng cửa khu công nghiệp liên Triều Kaesong sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân tháng 1/2016.

"Thực tế, bà Choi đã chỉ cho Tổng thống làm thế này làm thế kia. Không có chuyện gì Tổng thống quyết định một mình", Lee Seong-han nói. Choi bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ với bà Park để gây sức ép buộc các doanh nghiệp phải tặng 69 triệu USD cho hai quỹ từ thiện của mình. Bà này còn lợi dụng đặc quyền để đưa con gái vào Đại học Nữ sinh Ewha và cho con học đua ngựa. Tháng 2/2018, Choi bị kết án 20 năm tù, phạt tiền 16,6 triệu USD với tội danh lạm quyền, hối lộ và can thiệp vào hoạt động của chính phủ

Giáo phái Tân Thiên Địa đang là tâm điểm chú ý trong Covid-19 vì khoảng 60% ca nhiễm ở Hàn Quốc liên quan đến tổ chức này. Nữ tín đồ Tân Thiên Địa 61 tuổi, được gọi là "Bệnh nhân số 31", đã phát tán virus tại các buổi lễ ở nhà thờ tại Daegu. Hàn Quốc ghi nhận hơn 5.600 ca nhiễm và hơn 30 người tử vong. Tân Thiên Địa do Lee Man-hee, sinh năm 1931 ở tỉnh Bắc Gyeongsang, thành lập năm 1984. Lee tự nhận là "nhà tiên tri" đã nhìn thấy Chúa "hiện ra sáng rực trước mắt mình" và thuyết phục tín đồ tin rằng ông trường sinh bất tử.

Lee khẳng định chỉ mình mới giải thích được Kinh thánh và có khả năng cứu vớt 144.000 người trong Ngày phán xét bằng cách đưa họ lên thiên đàng. Tân Thiên Địa bị giáo hội chính thống ở Hàn Quốc coi là dị giáo. Cựu thành viên Lee Ho-yeon cho biết một số quy định của giáo phái khiến các thành viên đặc biệt dễ bị lây nhiễm. Các tín đồ ngồi rất gần nhau, hát to thánh ca và không được đeo kính hay khẩu trang khi làm lễ. "Chúng tôi được dạy không sợ bệnh tật", cô nói. "Chúng tôi được dạy không quan tâm đến những thứ trần tục như công việc, tham vọng hay đam mê.

Mọi thứ đều tập trung vào việc đi chiêu mộ thêm thành viên, ngay cả khi chúng tôi bị bệnh". Giới chức thành phố Seoul đang đề nghị các công tố viên điều tra ông Lee và 11 lãnh đạo hàng đầu khác của Tân Thiên Địa về tội giết người và các tội danh hình sự khác. Trong cuộc họp báo ngày 2/3, ông Lee quỳ gối xin lỗi và cam kết hỗ trợ chính quyền ngăn chặn dịch. Ngày 3/3, giáo phái giao cho giới chức danh sách đầy đủ 310.000 thành viên, gồm 245.000 tín đồ và 65.000 người đang được đào tạo để trở thành thành viên.

Tark Ji-il, giáo sư tại Đại học Trưởng lão Busan, cho rằng những gì ông Lee cần làm không phải là xin lỗi công chúng mà là yêu cầu các tín đồ hợp tác với chính quyền. Thái độ ăn năn của giáo chủ có thể chỉ là sự dàn dựng có tính toán và càng khiến các tín đồ Tân Thiên Địa lẩn trốn. "Đối với họ, việc Lee Man-hee cúi đầu trước thế giới đã vẽ ra một bức tranh rằng Tân Thiên Địa đang bị ngược đãi. Điều này sẽ chỉ củng cố thêm cơ sở cho tín đồ của ông ta", Tark nói. Hồi tháng hai, phát ngôn viên Tân Thiên Địa nói rằng nhóm này là nạn nhân và kêu gọi người dân không thù ghét.

Tark ước tính có khoảng 100 dị giáo ở Hàn Quốc và phần lớn giáo phái được bắt nguồn từ khát khao xoa dịu nỗi đau của người dân Hàn trong giai đoạn khó khăn như thời đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945, Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và thời kỳ cai trị độc tài trước phong trào dân chủ vào cuối những năm 1980. "Giáo hội chính thống nói về vương quốc trên thiên đàng, nhưng các dị giáo hứa hẹn về một vương quốc ở ngay trần gian.

Họ nói rằng ngày tận thế sắp đến", Tark nói. Chuyên gia cho biết các dị giáo thường khai thác chủ nghĩa dân tộc và tinh thần yêu nước đã bùng lên mạnh mẽ khi bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi sự thống trị của Nhật Bản vào cuối Thế chiến II. "Các giáo chủ tuyên bố Chúa tái thế là người Hàn Quốc, hầu hết những người được cứu rỗi sẽ là người Hàn. Điều này rất hấp dẫn với những người đã trải qua quá nhiều khó khăn trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc", ông nói.