18/04/2024 lúc 21:38 (GMT+7)
Breaking News

Nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dĩ bất biến ứng vạn biến”

VNHN - Ngoại giao Việt Nam cần học tập nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là bảo bối “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để sớm xây dựng được một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

VNHN - Ngoại giao Việt Nam cần học tập nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là bảo bối “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để sớm xây dựng được một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tính dân tộc và thời đại

Ông Nguyễn Mạnh Cầm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế thừa những truyền thống và kinh nghiệm phong phú của dân tộc, nền ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong điều kiện quốc tế ngày nay mang một nội dung mới: Vừa có tính dân tộc, vừa có tính thời đại.

Ông Nguyễn Mạnh Cầm (ngồi bên phải) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, trong thế “đơn thương, độc mã” cùng một lúc chống lại không chỉ một kẻ thù, trong điều kiện đất nước gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác ngoại giao và hoạt động đối ngoại, Việt Nam đã từng thực hiện thành công vai trò tiền phong và đường lối độc lập, tự chủ của ngoại giao Việt Nam. 

“Chuyến đi thăm Pháp với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có các cuộc tiếp xúc với những danh nhân Pháp và một số nước Pháp trên đường đến Pháp, không những để thế giới biết về một nước Việt Nam đã giành được độc lập, mà còn đặt cơ sở vững chắc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp và các nước thuộc địa của Pháp đổi, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta sau này” - ông Nguyễn Mạnh Cầm chỉ ra. 

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm cũng nhắc tới vai trò của ngoại giao trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và khẳng định “ngoại giao là một mặt trận đấu tranh quan trọng có ý nghĩa chiến lược”. “Hoạt động ngoại giao đã giương cao ngọn cờ độc lập và hòa bình theo tinh thần bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1966 gửi đến các vị đứng đầu nhiều nước trên thế giới làm sáng tỏ lập trường hòa bình của nhân dân ta là hòa bình chân chính trên cơ sở độc lập tự do thực sự” - ông nói. 

Trong thời kỳ hòa bình, sau Đại hội VI (tháng 12.1986), khi Đảng ta đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 13 ngày 20/5/1988 về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới nhấn mạnh: “Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và nắm vững nguyên tắc độc lập, tự chủ trong mọi hoạt động đối ngoại”.

Điểm lại chặng đường hoạt động của ngoại giao Việt Nam, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguễn Mạnh Cầm rút ra một số bài học lớn, trong đó lưu ý, phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết và nắm vững nguyên tắc độc lập tự chủ trong mọi hoạt động đối ngoại. “Lợi ích cao nhất của nhân dân ta là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết một chân lý ngắn gọn là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 90 năm đấu tranh của Đảng và 75 năm phấn đấu của chính quyền nhân dân là nhằm bảo vệ và thực hiện lợi ích dân tộc tối cao đó” - ông nhấn mạnh. 

Đổi mới tư duy để “ứng vạn biến” 

Ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, “vị thế quốc tế của Việt Nam chưa bao giờ được hoành tráng như bây giờ”. Với một hành trang đầy thuyết phục như vậy, Việt Nam bước tiếp vào thế kỷ XXI và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là thuận lợi mặc dù còn nhiều thách thức lớn phía trước. 

“Sự bứt phá và tiến lên của Việt Nam là điều tất yếu. Tôi tin rằng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tiếp tục con đường đổi mới của Đảng, ngoại giao Việt Nam với tư duy sáng tạo sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để viết nên những kỳ tích của Việt Nam trong lịch sử” - ông nói. 

Nhìn lại chặng đường để đi tới hiện tại, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 là “bước ngoặt trong tư duy của người Cộng sản Việt Nam”, “là cuộc cách mạng thứ 2 của Đảng”. Đối với người cộng sản Việt Nam “đây là chương mới để chúng ta bước tiếp sang giai đoạn tiếp theo” và hiện tại “chúng ta đang đi tiếp tư duy được khởi động từ Đại hội VI năm 1986”. 

“Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” quả là sự dũng cảm và thực sự cầu thị của Đảng. Điều đó bắt nguồn từ tư duy sáng tạo của Bác Hồ để lại cho con cháu đời sau. Càng suy ngẫm càng thấy tư tưởng Hồ Chí Minh thật vĩ đại! Thật phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam! Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì thắng lợi, đi chệch con đường đó thì gặp khó khăn và dẫn đến thất bại”” - ông Nguyễn Dy Niên chỉ ra.  

Nhìn lại chặng đường đã qua và suy nghĩ về tương lai, nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam nhấn mạnh bài học, trước tiên là để đổi mới tư duy đối ngoại đi đúng hướng và thành công nhất thiết phải nắm vững các nguyên lý: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và lời dạy của Bác Hồ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công.

“Chúng ta phải học tập nhuần nhuyễn tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là bảo bối “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chỉ có đổi mới tư duy mới “vạn biến được”. Có như vậy, chúng ta mới sớm xây dựng được một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói./.