20/04/2024 lúc 20:28 (GMT+7)
Breaking News

Như Xuân: Hiệu quả từ phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua huyện Như Xuân đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn và Nhân dân tổ chức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, với quan điểm xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân, cũng như của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự của khu vực nông thôn,

VNHN - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua huyện Như Xuân đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn và Nhân dân tổ chức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, với quan điểm xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc huyện Như Xuân, cũng như của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự của khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Như Xuân hiệu quả từ phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. 

Là một huyện miền núi, có điểm xuất phát thấp, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Thanh Hoá, có tổng diện tích đất tự nhiên 72.171,84 ha, dân số khoảng 70 nghìn người, với 4 dân tộc sinh sống, Dân tộc Thái (chiếm 43%), Dân tộc Thổ (14,5%), Dân tộc Mường (5,5%) và Dân tộc Kinh (37%). Ngay từ khi triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” huyện đã nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động các cơ quan, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Công tác tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn huyện trong thời gian qua là tương đối đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo được sự chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả; như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “5 không 3 sạch”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn hóa”, “Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế giỏi”; phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”…

Toàn dân tích cực đóng góp làm đường giao thông nông thôn, góp phần thay đổi bộ mặt NTM của huyện.

Các cuộc vận động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện mức sống của người dân tại khu vực nông thôn. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn...Hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững. Với kết quả đạt được tháng 3/2018 Chính phủ phê duyệt huyện Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Chính quyền và nhân dân huyện Như Xuân chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Từ việc thực hiện các phong trào trên cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự đồng lòng tham gia, hưởng ứng của từng hộ dân, nên bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm trên 17%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,2 triệu (năm 2010) lên 27,5 triệu đồng/người/năm (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,3% xuống còn 14,92% theo tiêu chí nghèo đa chiều. Đến nay toàn huyện đã đạt bình quân 14,35 tiêu chí/xã (tăng 11,65 tiêu chí/xã so với năm 2011); đã và đang xây mới 16 công sở xã; 17 Trung tâm, hội trường nhà văn hóa xã; 01 nhà thi đấu đa năng, 03 sân vận động; đã bê tông hóa, nhựa trên 250km đường giao thông; làm mới, nâng cấp, cải tạo 15 hồ đập, 25 phòng học, 75 nhà văn hóa thôn, trên 6000 nhà ở dân cư và nhiều công trình hạ tầng khác. Vận động nhân dân hiến tặng hơn 40ha đất và tài sản trên đất; đến nay có 04 xã (Bãi Trành, Xuân Bình, Hóa Quỳ, Cát Vân) và 48 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Cát Tân đang chờ thẩm định đạt chuẩn NTM.

Cam đường canh, Cam xã Đoài là một trong những sản phẩm OCOP của huyện, đem lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Ủy ban nhân dân huyện đã cụ thể hóa ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 30/12/2016 về thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Như Xuân giai đoạn 2016 - 2020. Huyện Như Xuân đã ban hành nhiều đề án để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp như đề án trồng rừng gỗ lớn; đề án chuyển đổi đất trồng sắn, mía có độ dốc cao sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; Đề án khôi phục và phát triển giống vịt bầu Thanh Quân; Đề án cải tạo vườn tạp đến năm 2020; Đề án phát triển trang trại; Đề án hỗ trợ gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ kinh nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực giai đoạn 2017 - 2023” trên địa bàn huyện Như Xuân. Bên cạnh việc ban hành các chủ trương trên, hàng năm huyện Như Xuân đã bố trí kinh phí để khuyến khích phát triển nông nghiệp như chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng/ha Cam trồng mới; hỗ trợ 25 triệu đồng/trang trại chăn nuôi trâu bò, 15 triệu đồng/trang trại chăn nuôi hỗn hợp và 10 triệu đồng trên trang trại chăn nuôi dê; hỗ trợ văxcin và công tiêm phòng cho các loại vaxcin bắt buộc; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cỏ trồng mới để phát triển chăn nuôi; chính sách hỗ trợ 4 triệu đồng/ha trồng mới rừng trồng gỗ lớn và 2 triệu đồng/ha chuyển hoá rừng gỗ nhỏ thành gỗ rừng lớn; hỗ trợ 500.000đ/ha cao su; chính sách hỗ trợ 15.000đ/con vịt giống và 1.500.000đ/chuồng trại/hộ để chăn nuôi trên 100 con vịt bầu Thanh Quân; chính sách hỗ trợ 30 tấn xi măng/km đường giao thông thôn bản,…

Mô hình trồng cam quy mô lớn tại xã Cát Tân, huyện Như Xuân.

Có thể nói, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Như Xuân góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh công tác phát triển sản xuất và xây dựng các dự án, mô hình gắn với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết về phát triển sản phẩm đặc sản của huyện, nhằm tạo bước đột phá trong nông nghiệp và phát huy được tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm chủ lực của các xã trên địa bàn huyện./.