29/03/2024 lúc 16:31 (GMT+7)
Breaking News

NHNN chỉ đạo quyết liệt các Tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt "bão" dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt "bão" dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN chỉ đạo quyết liệt các Tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Cụ thể, tại báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2021 (Nghị quyết số 01).

Theo đó, trong Quý III và 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi kinh tế. 

Theo đó, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”. Đến ngày 07/10/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. 

Đặc biệt phải kể đến công tác điều hành lãi suất, kể từ đầu năm 2021, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các Tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, góp phần hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cuối tháng 8/2021 tiếp tục giảm so với tháng 12/2020.

Đồng thời, theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng. 

Lũy kế từ 23/01/2020 cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến cuối tháng 9/2021 là 11.813 tỷ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.

16 ngân hàng thương mại bao gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng.

Trong đó có thể kể đến như: Vietcombank giảm lãi suất cho tất cả khách hàng vay. Đối với doanh nghiệp, giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; những khách hàng còn lại cũng được giảm lãi suất 1%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất giảm tới 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. 

Lãi suất này không áp dụng cho các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản… Thời gian áp dụng từ ngày 15/7 đến 31/12/2021. Đây là đợt giảm lãi lớn nhất của Vietcombank trong năm 2021 nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô khoảng 1.800 tỉ đồng.

Agribank giảm lãi suất cho vay tiếp 1% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên. Mức lãi suất ưu đãi này không áp dụng đối với các khoản cho vay đã được ưu đãi lãi suất, miễn giảm lãi. Ước tính, với việc tiếp tục giảm lãi suất lần này, Agribank dành khoảng 5.500 tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng.

Sacombank thực hiện giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay. Ngoài ra, Sacombank cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10.000 tỉ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về điều hành tín dụng, Ngân hàng nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng. 

Nhờ các giải pháp đồng bộ, trong 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 nhưng tín dụng tăng ngay từ đầu năm và cải thiện hơn cùng kỳ năm 2020. Đến ngày 07/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020, cao hơn đáng kể so với cùng 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%).

Ngoài ra kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN: Đến cuối tháng 9/2021, các Tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23/01/2020 khoảng 531.000 tỷ đồng.

Công tác tái cơ cấu hệ thống các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng. Hoạt động thanh toán và công nghệ ngân hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN hoàn thiện nhằm phát triển TTKDTM, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện giao dịch thanh toán trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán được triển khai. 

Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020, qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%, qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81%  và 133,12% .

Thời gian tới, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế; đồng thời tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế.