29/03/2024 lúc 06:49 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều thành tựu nhưng không ít thách thức

VNHN-Hôm nay (4-6), Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Nhìn chung cử tri đều đánh giá tích cực về những thành tựu của đất nước thời gian qua, đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

VNHN-Hôm nay (4-6), Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Nhìn chung cử tri đều đánh giá tích cực về những thành tựu của đất nước thời gian qua, đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, cử tri mong muốn đất nước ta tiếp tục giữ được môi trường hòa bình, ổn định; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải hiện môi trường đầu tư, giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, văn hóa-xã hội; phản ứng linh hoạt với những khó khăn từ kinh tế thế giới...VNHN trân trọng giới thiệu một số ý kiến.

*GS, TS TRẦN THỌ ĐẠT, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá là mục tiêu xuyên suốt

Các chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản sau 5 tháng đầu năm cho thấy, mặc dù đà tăng trưởng có xu hướng chững lại nhưng nước ta vẫn có thể hoàn thành phần lớn các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã đề ra. Cụ thể, chỉ số công nghiệp trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng khá, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò chủ chốt và duy trì là đầu tầu tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng phát triển ổn định cho thấy thị trường tiêu dùng nội địa có nhiều tiềm năng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là điểm sáng trong 5 tháng qua. Ngoài ra, các cân đối lớn trong nền kinh tế khá ổn định, thu chi ngân sách diễn biến tích cực, xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ, tín dụng tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ các năm trước… Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng vẫn ở mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 3 năm gần đây mặc dù giá điện và xăng dầu đã tăng mạnh; tỷ giá vẫn được kiểm soát, lãi suất cơ bản ổn định và dự trữ ngoại hối tăng mạnh...

Tuy nhiên, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2019 và những năm tiếp theo đến từ triển vọng kinh tế thế giới và nỗ lực trong hoạt động điều hành kinh tế của Chính phủ. Những căng thẳng mới không chỉ riêng về thâm hụt thương mại mà còn liên quan đến công nghệ, địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các dự báo kinh tế thế giới gần đây kém tích cực hơn. Do vậy, mục tiêu xuyên suốt trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới vẫn phải là kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và đây cần là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay. Việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, sách giáo khoa, tăng lương cơ sở…

cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức độ. Bên cạnh đó, cần tận dụng và khai thác có hiệu quả việc đón dòng vốn dịch chuyển từ các nước trong khu vực do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại để không chỉ tạo cơ hội ngắn hạn trước mắt, mà thực sự phải là bước chuyển mình dài hạn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu lấy năm 2019 là bước khởi đầu của đột phá, khi mà các điều kiện thuận lợi cần được tích lũy, sàng lọc, củng cố để hình thành nên quỹ đạo tăng trưởng mới trong các năm tiếp theo.

ANH VIỆT (ghi)

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường ngày 3-6.

*Thạc sĩ LÂM THANH MINH, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh:

Cần đột phá mạnh mẽ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, sau hơn một năm triển khai, nhiều thành tựu quan trọng đã đạt được trên các lĩnh vực. Có thể nhận thấy, sự ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố cho chủ tịch UBND cấp quận, huyện, giám đốc các sở làm cho các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn và có hiệu quả thực tế cao hơn. Việc thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước tăng thêm đã khuyến khích, tạo thêm động lực cho họ làm việc sáng tạo, hiệu quả hơn. Hay như việc ban hành mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt đã tạo điều kiện quan trọng để thành phố thu hút đội ngũ này để phát triển thành phố.

Đông đảo cử tri mong muốn TP Hồ Chí Minh vận dụng tốt Nghị quyết số 54/2017/QH14 để đột phá mạnh mẽ hơn nữa, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực, cả kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo. Thành phố cần coi khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo là đòn bẩy của sự phát triển. Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng đô thị thông minh. Chủ trương xây dựng khu đô thị sáng tạo phía đông của TP Hồ Chí Minh đang được chuyên gia, nhà khoa học, ngành giáo dục và nhân dân ủng hộ cao. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như: Tạo điều kiện về KHCN, không gian, địa điểm, hỗ trợ kinh phí... cho các dự án khởi nghiệp. Nhiều cuộc thi về khởi nghiệp mang đến cơ hội cho các đối tượng thể hiện ý tưởng, dự án vào cuộc sống. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới

sáng tạo của thành phố cũng dần hình thành. Cử tri mong muốn những chương trình này được triển khai với nhiều giải pháp gắn kết bền vững doanh nghiệp, trường-viện, nhà nước, tổ chức tài chính và cộng đồng khởi nghiệp để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

HỒNG GIANG (ghi)

*Ông HUỲNH BÁ QUANG (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng):

Quản lý ‎chặt chẽ các công trình, dự án

Qua theo dõi tôi thấy, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, mặc dù còn những hạn chế, khó khăn, song nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, thời gian qua, chất lượng một số công trình xây dựng vẫn còn thấp; tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn gây nhiều bức xúc. Việc quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch ở không ít địa phương còn yếu kém; dự án phê duyệt và triển khai chưa đúng quy trình; dự án bị “treo”... ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong vùng. Ví như ở Đà Nẵng, các dự án bên sông Hàn, dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 nhưng đến nay vẫn bị “treo”…

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, tôi mong rằng Quốc hội cần đưa ra những quy định thắt chặt công tác giám sát thi công và kiểm tra chất lượng các công trình. Chính phủ và các bộ, ngành cần tăng cường kiểm tra, đánh giá chặt chẽ tính khả thi của từng công trình, dự án; rà soát, có giải pháp xử lý kịp thời đối với những dự án "treo" để vừa tránh gây ra thiệt hại, lãng phí cho đất nước, vừa không gây bức xúc trong nhân dân... 

THÀNH NAM (ghi)

*TS NGUYỄN VĂN SÁNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long:

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động hội nhập

Tôi đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước dành

sự quan tâm sâu sắc, chăm lo phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt. Các chính sách này góp phần cải thiện, giúp cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội, chính trị ổn định. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế đất nước có nhiều bước tiến.

Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế đất nước phát triển chưa thật bền vững. Với việc gia nhập rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định CPTPP có hiệu lực, cũng như trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nền kinh tế nước ta chịu tác động rất lớn. Dù đã nhận định được những thời cơ cũng như thách thức đặt ra, nhưng ở góc độ quản lý Nhà nước lại chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trước những tác động này. Mặt khác, môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, việc bảo vệ, bảo hộ sáng kiến, ý tưởng kinh doanh chưa được chặt chẽ. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ thể hiện quyết tâm rất lớn trong chỉ đạo cắt giảm "giấy phép con", các bộ, ngành có giảm nhưng chưa được như mong muốn.

Để tình hình KT-XH năm 2019 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, theo tôi cần quan tâm đến vấn đề chống thất thu thuế, chống buôn lậu, đặc biệt ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

THÚY AN (ghi)