18/04/2024 lúc 21:18 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều doanh nghiệp dệt may tại Bắc Ninh thiếu lao động

VNHN - Mặc dù các doanh nghiệp chuyên ngành dệt may trên địa bàn tỉnh liên tục đưa ra các giải pháp và chế độ đãi ngộ hấp dẫn trong tuyển dụng cũng như giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Việc thiếu lao động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là vào những thời điểm đơn hàng nhiều.

VNHN - Mặc dù các doanh nghiệp chuyên ngành dệt may trên địa bàn tỉnh liên tục đưa ra các giải pháp và chế độ đãi ngộ hấp dẫn trong tuyển dụng cũng như giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động phổ thông nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Việc thiếu lao động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là vào những thời điểm đơn hàng nhiều.

Ông Nguyễn Đức Thăng, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Cổ phần may Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh) cho biết: “Đơn vị cần tuyển hơn 500 lao động phổ thông làm việc tại nhà máy ở Bắc Ninh. Tại đây, công nhân có thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/tháng/người, được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật cùng nhiều chế độ đãi ngộ khác.

Xưởng may của Công ty TNHH Trí Đức.

Đặc biệt, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường Mầm non cho con em cán bộ công nhân viên gửi miễn phí, giúp họ thêm yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Nhưng hơn 1 năm nay, số lượng lao động tuyển được chỉ tương đương lao động chuyển đi khiến doanh nghiệp khó thực hiện được kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất và nhận thêm đơn hàng vào những đợt cao điểm mà đối tác đề nghị”.

Công ty TNHH Trí Đức ở CCN Xuân Lâm (Thuận Thành) cũng cần tuyển dụng thêm hơn 300 lao động. Công ty áp dụng nhiều biện pháp tuyển dụng như: Tuyển dụng trực tiếp tại Công ty, tuyển dụng qua mạng, treo băng-rôn, phát tờ rơi, kết nối với các doanh nghiệp chuyên tuyển dụng, trung tâm giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh, có chế độ thưởng cho công nhân khi giới thiệu được người mới đến làm,… nhưng số lao động tuyển được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều tháng nay, Công ty Cổ phần Đông Bình, thị trấn Gia Bình (Gia Bình) luôn trong tình trạng thiếu lao động.

Do các doanh nghiệp Việt Nam trả lương không cao nên đa số nhân lực đã chọn hướng xuất ngoại để đảm bảo cuộc sống.

Để thu hút lao động, Công ty công bố rõ về mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi hấp dẫn như: Hỗ trợ tiền xăng xe, tiền thuê nhà ở, … cho công nhân. Tuy nhiên, số lượng lao động tuyển được vẫn khá khiêm tốn. Ông Trần Văn Khang, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Mặc dù, Công ty đầu tư hiện đại để nâng cao công suất và cắt giảm nhân lực ở một số bộ phận, thế nhưng doanh nghiệp vẫn luôn trong tình trạng thiếu lao động”.

Nhiều doanh nghiệp dệt may khác cũng thừa nhận, việc tìm nguồn lao động để bổ sung cho lực lượng biến động hàng năm (doanh nghiệp ít cũng chiếm 7 - 10%, nhiều lên tới 12 -15%) đã khó chưa nói đến việc tuyển dụng tăng thêm. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp FDI có chế độ lương, thưởng cao lại về tận các làng quê trong tỉnh tuyển dụng và bố trí xe đưa đón công nhân hàng ngày nên hấp dẫn lực lượng lao động trẻ.

Người lao động luôn có tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ” vì vậy thường xuyên thay đổi công việc nếu được đề nghị mức lương cao hơn. Tại điểm đón, trả công nhân của Samsung ở phố Lạc Vệ (Tiên Du) Nguyễn Thị Hằng cùng một nhóm bạn ở Lạc Vệ đang chờ xe cho biết: “Trước kia làm tại Công ty may Việt Hàn, công việc không vất vả nhưng gò bó mà lại phải tự túc đi làm bằng xe máy 15 - 17 km mỗi ngày, vừa tốn kém tiền xăng xe, vừa không bảo đảm an toàn.

Lương công nhân may không đủ trang trải cuộc sống.

Không chỉ có Công ty Samsung mà có nhiều Công ty trong các KCN có xe đưa đón, lương cũng hấp dẫn nên mấy người cùng quê đều chuyển”. Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, mấy năm gần đây, các doanh nghiệp trong ngành dệt may thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Tuy nhiên, lượng lao động tuyển qua sàn giao dịch đạt tỷ lệ còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Do thu nhập của người lao động trong ngành dệt may nhìn chung thấp hơn và môi trường làm việc nhiều tiếng ồn hơn so với các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực khác;… Ngoài ra, xu hướng tìm việc của người lao động cũng thay đổi. Trước kia, lao động phổ thông từ các tỉnh đến Bắc Ninh tìm việc thì đích đến của họ sẽ là các khu, cụm công nghiệp. Nhưng hiện nay họ có rất nhiều lựa chọn khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp và các Công đoàn cơ sở cũng cần chú ý đến việc tạo điều kiện để người lao động được học tập nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn; xây dựng môi trường làm việc tốt, giúp họ an tâm gắn bó, đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài tìm việc làm trong các doanh nghiệp sản xuất họ có thể tham gia vào vận chuyển, giao nhận hàng, bán hàng hoặc làm các loại hình dịch vụ khác, có độ linh hoạt với mức thu nhập tháng cao, không còn đặt nặng vấn đề công việc ổn định. Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp phát triển với nhiều khu, CCN, làng nghề, vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng tăng, trong khi đó lao động có nhiều cơ hội lựa chọn những công việc phù hợp hơn.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động có biện pháp, cách làm cụ thể để giữ chân người lao động. Trong đó, cần quan tâm đến thu nhập, việc chăm lo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động về các vấn đề lương, thưởng, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp thâm niên.