20/04/2024 lúc 00:22 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2019

VNHN-TheLEADERHỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; đẩy mạnh thực hiện luật phòng, chống tham nhũng; hướng đến một ngành du lịch văn minh cùng với việc hướng đến người có công với cách mạng... là mục tiêu chính của những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2019.

VNHN-TheLEADERHỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; đẩy mạnh thực hiện luật phòng, chống tham nhũng; hướng đến một ngành du lịch văn minh cùng với việc hướng đến người có công với cách mạng... là mục tiêu chính của những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 8/2019.

Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật

Theo Nghị định 55/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 24/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 16/8/2019, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật với mức như sau:

- Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí, nhưng không quá 3 triệu đồng/năm;

- Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 5 triệu đồng/năm;

- Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí, nhưng không quá 10 triệu đồng/năm…

Nghị định này cũng đề ra việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày được phê duyệt. Các hoạt động của chương trình này bao gồm:

Cung cấp thông tin pháp luật trong và ngoài nước, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;

Tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực theo quy định. Cách chức lãnh đạo bố trí người thân làm kế toán, quản lý nhân sự

Nội dung đáng chú ý này được đề cập tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 1/7/2019 hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Theo đó, sẽ kỷ luật cảnh cáo người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị…

Trường hợp đã bị cảnh cáo mà còn tiếp tục vi phạm, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu sẽ bị cách chức.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2019.

Bị phạt tới 3 triệu đồng nếu ép khách du lịch mua hàng

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể tại Điểm a, Khoản 3 Điều 6 của nghị định này quy định cá nhân có hành vi nài ép khách du lịch mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ sẽ bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng.

Cùng nhóm với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh này, một số hành vi khác cũng có thể bị xử phạt như:

Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng nếu thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, không thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch;

Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng nếu không phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn cho khách du lịch…

Các mức phạt nêu trên sẽ cao gấp hai lần nếu hành vi do tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh có hành vi không niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; bán hàng không thông tin rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa hay bán không đúng giá niêm yết sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.

Thêm 3 trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Đây là nội dung đáng chú ý nêu tại Thông tư 09/2019/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Theo đó, từ ngày 1/8/2019, sẽ có thêm ba trường hợp người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh bao gồm:

- Người có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8,94 triệu đồng) (trừ trường hợp tự đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;

- Dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin thẻ bảo hiểm y tế;

- Người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do cấp cứu, mất ý thức, tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.

Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của cán bộ xã tăng 7,19%

Thông tư 09/2019/TT-BNV hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/7/2019 đối với cán bộ xã đã nghỉ việc do Bộ Nội vụ ban hành ngày 14/6/2019, có hiệu lực ngày 1/8/2019.

Theo thông tư này, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc.

Như vậy, mức trợ cấp hàng tháng từ ngày 1/7/2019 = mức trợ cấp được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 x 1,0719.

Tăng trợ cấp, phụ cấp của người có công với cách mạng

Theo Nghị định 58/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2019, mức chuẩn để xác định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1,624 triệu đồng từ ngày 1/7/2019, cao hơn mức trước đó 109.000 đồng.

Cụ thể, với đối tượng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thì trợ cấp tối thiểu 1,094 triệu đồng, tối đa 5,207 triệu đồng;

Với thương binh loại B, trợ cấp tối thiểu 904.000 đồng, tối đa 4,308 triệu đồng. Thương binh, thương binh loại B suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng sẽ nhận phụ cấp 1,67 triệu đồng. Mức trợ cấp tối thiểu cho bệnh binh là 1,695 triệu đồng, tối đa 2,086 triệu đồng.