29/03/2024 lúc 15:02 (GMT+7)
Breaking News

"Nhiễm sán lợn không quá nguy hiểm, có thể chữa khỏi trong 2 ngày"

VNHN-Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trước sự việc 1.500 trẻ tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tới khám và xét nghiệm sán lợn tại Hà Nội.

VNHN-Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trước sự việc 1.500 trẻ tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tới khám và xét nghiệm sán lợn tại Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, đã có 81 em có kết quả dương tính với sán lợn, số còn lại sẽ được trả kết quả vào hôm nay (17/3) hoặc đầu tuần tới.

Chỉ trong hai ngày, khoảng 1.500 trẻ ở Bắc Ninh đã được cha mẹ đưa xuống bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm xem có bị nhiễm sán lợn hay không sau vụ việc cho trẻ mầm non ăn “thịt bẩn, gà thối”.

Theo ông Nguyễn Quang Thiều - Viện phó Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (Viện Ký sinh trùng Trung ương), trong ngày 16/3, Viện tiếp nhận và làm xét nghiệm sán lợn cho 500 trẻ đến từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tính đến 15 giờ chiều 16/3, phát hiện thêm 19 trường hợp dương tính với sán lợn. Cũng trong ngày 16/3, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã lấy mẫu xét nghiệm sán lợn cho khoảng 600 trẻ.

Tuy nhiên, do quá tải vì đông người tới khám nên dự kiến đầu tuần sau, kết quả xét nghiệm mới được tổng hợp. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, đã có 1.500 trẻ tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tới khám và xét nghiệm tại Hà Nội, trong đó, 81 em có kết quả dương tính với sán lợn.

Theo ông Thiều, do lượng người tới khám quá đông, tập trung nhiều nhất vào sáng và trưa nên công tác khám chữa bệnh diễn ra hết công suất. Để đảm bảo cho việc thăm khám của người dân được thông suốt, có kết quả nhanh, viện đã bố trí, sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho các cháu nhỏ và phụ huynh.

Nhiều phụ huynh ở Bắc Ninh lo lắng đưa con lên Hà Nội xét nghiệm sán lợn. (Nguồn: Vnexpress)

Về kết quả xét nghiệm, ông Thiều khuyên người dân nên bình tĩnh, bởi để chắc chắn, trẻ cần làm thêm một số xét nghiệm khác nữa. Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị bệnh cũng không phức tạp, bởi bệnh đã có thuốc đặc trị.

Trước đó cuối tháng Hai, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường Thanh Khương. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chỉ nhận được câu trả lời vòng vo, không thỏa đáng.

Đơn vị cung cấp thực phẩm cho cho tất cả trường học trên địa bàn Thuận Thành, cho rằng, thịt lợn "không có bất thường gì". Phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối, nhưng nhà trường không có động thái cụ thể, tiếp tục để công ty này cung cấp thực phẩm.

Đến trưa 5/3, phụ huynh bất ngờ vào kiểm tra bếp ăn của trường, phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống. Nhiều loại chân, xương gà dùng để nấu cháo cho các cháu bốc mùi hôi thối. Họ đã chụp ảnh, ghi hình để tố cáo. Cơ quan công an đã lập biên bản, niêm phong toàn bộ số thực phẩm và đưa đi kiểm nghiệm. Sự việc bùng lên khi 2/3 cháu bé được cha mẹ đưa xuống BV tại Hà Nội làm xét nghiệm có kết quả dương tính với sán lợn.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, sự việc xuất phát từ lúc ba phụ huynh có con đang theo học tại trường đưa con đi xét nghiệm và một trong số đó nhận kết quả dương tính với sán lợn. Vì lo lắng cho con nên các phụ huynh đồng loạt đến bệnh viện làm xét nghiệm.

Theo ông Kính, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh này và đây không phải là bệnh nguy hiểm, có thể chữa khỏi trong vòng 2 ngày.

Đại diện bệnh viện cho biết, nguyên nhân của bệnh có thể ở trong đất, nước hoặc thực phẩm, nếu nấu chín sẽ không sao. "Hơn 20 năm nay chúng ta không thấy nhiều biến chứng do bệnh ký sinh trùng sán gây ra và dần căn bệnh này bị lãng quên", ông Kính nói.

Các ký sinh trùng vào cơ thể gây ra các bệnh như rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy một vài ngày, ấu trùng đi lạc chỗ, đi xuống ống tiêu hoá, chui vào phổi, gây ra hội chứng ho, nặng hơn có thể viêm phổi.

"Trước mắt, phụ huynh phải bình tĩnh, vì bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng. Viện sốt rét và ký sinh trùng sẽ về tận địa phương để điều tra về nguyên nhân cụ thể dẫn đến vụ việc này”, ông Kính nói.

Bệnh sán dây, ấu trùng sán dây heo hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt heo chưa nấu chín.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành, gây ra các triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa.

Để phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây heo, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không ăn các thực phẩm sống như thịt heo, nem chua, thịt heo tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán heo). Đồng thời, người dân cần thực hiện vệ sinh các lò mổ, sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi heo thả rông.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sán lợn xuất hiện do thực phẩm nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước. Sán vào cơ thể người do con người ăn rau không rửa sạch, thực phẩm không nấu chín...

Khi con người nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày nở ra ấu trùng. Ấu trùng đến ruột non sẽ xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu, di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt rồi sẽ hóa nang.

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nang sán nằm trong cơ sẽ thấy những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau. Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt, nó có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Theo phác đồ điều trị hiện nay, cần một ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và hai tuần diệt hết trứng sán.