20/04/2024 lúc 00:28 (GMT+7)
Breaking News

Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ với ASEAN trong lĩnh vực an ninh y tế

VNHN - Tình hình Covid-19 tại ASEAN, Nhật Bản cần phải đẩy mạnh quan hệ với ASEAN trong lĩnh vực an ninh y tế, Covid-19 không cản trở đàm phán RCEP... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày 25/5.

VNHN - Tình hình Covid-19 tại ASEAN, Nhật Bản cần phải đẩy mạnh quan hệ với ASEAN trong lĩnh vực an ninh y tế, Covid-19 không cản trở đàm phán RCEP... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày 25/5.
Tình hình Covid-19 tại ASEAN

Tính tới rạng sáng ngày 24/5, ASEAN ghi nhận tổng cộng 79.041 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.393 ca so với 1 ngày trước. SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.441 người dân ở khu vực này, tăng 26 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 33.078 trường hợp.

Nhìn chung, đại dịch Covid-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.

Singapore ngày 24/5 ghi nhận 548 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nhiều nhất khu vực, qua đó nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 31.616 người. Dù số ca mắc cao, song Singapore đã thành công trong việc kiềm chế số người tử vong ở mức khá thấp, với chỉ 23 ca.

Cơ quan hàng không dân dụng Singapore (CAAS) cho biết, kể từ ngày 2/6 nước này sẽ cho phép du khách được quá cảnh sân bay Changi, sau khi "đảo quốc sư tử" từ ngày 1/6 chấm dứt thực hiện các biện pháp phong tỏa để đối phó với dịch bệnh Covid-19.

Indonesia dù đã chứng kiến số ca mắc mới giảm đáng kể so với tuần trước, song quốc gia vạn đảo vẫn là điểm dịch nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN. Trong vòng 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 21 ca tử vong và 526 ca dương tính, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch Covid-19 tại nước này lên lần lượt 22.271 ca và 1.372 ca.

Trước đó, Lực lượng Đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ Indonesia cho biết tình trạng khẩn cấp do đại dịch sẽ được duy trì tới sau ngày 29/5. Trong một tuyên bố, người đứng đầu lực lượng này, Doni Monardo, cho biết hiện Tổng thống Joko Widodo đã ký ban hành Sắc lệnh Tổng thống số 12/2020 về việc công bố tình trạng khẩn cấp vì đại dịch Covid-19. Do vậy, nếu sắc lệnh này chưa được thu hồi, tình trạng khẩn cấp vẫn còn hiệu lực.

Trong ngày 24/5, Philippines ghi nhận 5 ca tử vong và 258 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Tới nay, Philippines đã có tổng cộng 14.035 trường hợp mắc Covid-19 và 868 người thiệt mạng vì dịch bệnh này, nhiều thứ hai Đông Nam Á.

Malaysia đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Dù nước này vẫn ghi nhận các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 mới, song nhiều ngày qua Malaysia không có ca tử vong nào. Trong ngày 24/5, Malaysia có thêm 60 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc bệnh tại nước này lên thành 7.245 trường hợp, trong đó có 115 người tử vong.

Thái Lan trong ngày 24/5 không ghi nhận thêm ca mắc bệnh Covid-19 và ca tử vong nào, duy trì ở mức 3.040 ca nhiễm và 56 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1 vừa qua. Lào đã không có ca nhiễm mới trong hơn 40 ngày liên tiếp. Thứ trưởng Y tế Lào Phouthone Meuangpak cho biết, về cơ bản, các cửa khẩu quốc tế của Lào tiếp giáp với các nước láng giềng đã được mở cửa trở lại cho các hoạt động vận tải hàng hóa và xuất-nhập cảnh đối với những trường hợp đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định và được cơ quan chức năng cho phép.

Myanmar, Brunei, Campuchia và Timor-Leste cũng không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong ngày vừa qua.

Tính đến 6h sáng ngày 25/5, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca nhiễm mới vào ngày 24/5 là người từ Nga trở về trên chuyến bay VN0062 ngày 13/5, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

(TTXVN/TGVN)

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: Mỗi cuộc khủng hoảng làm cho mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN gần gũi hơn

Trong buổi họp báo ngày 24/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đến khủng hoảng tài chính toàn cầu, mỗi cuộc khủng hoảng đều giúp cho quan hệ Trung Quốc – ASEAN chặt chẽ hơn và hợp tác sâu sắc hơn.

Trong quan hệ với ASEAN, ông Vương Nghị đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, kịp thời trong đối phó dịch bệnh giữa các bên và khả năng "lội ngược dòng" của tăng trưởng thương mại trong dịch bệnh. Ông cũng cho biết, Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới với ASEAN, như xây dựng thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử....

Ông nói: "Trung Quốc sẽ tiếp tục coi ASEAN là hướng ưu tiên trong ngoại giao với các nước xung quanh, ủng hộ ASEAN ở vị trí trung tâm trong hợp tác khu vực Đông Á, cùng với ASEAN thúc đẩy quan hệ hai bên vốn đã tốt ngày càng tốt hơn trên tinh thần tin cậy, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau và cùng có lợi."

Về vấn đề Biển Đông, ông Vương Nghị phủ nhận việc Trung Quốc lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để tăng cường sự hiện diện tại đây, cho biết nước này sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia ASEAN nhằm sớm khởi động lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vốn bị tạm hoãn do dịch bệnh và tích cực tìm kiếm các phương thức hợp tác trên biển mới.

(Tân Hoa xã)


Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong Hội nghị Đặc biệt ASEAN+3 về Covid-19, diễn ra tháng 4 vừa qua. (Nguồn: AP)

Nhật Bản cần phải đẩy mạnh quan hệ với ASEAN trong lĩnh vực an ninh y tế

Tờ Nikkei đưa ra nhận định, bất chấp sự hoài nghi ở phương Tây cho rằng, Tokyo chưa thực sự thành công trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á vẫn đang hướng đến Nhật Bản để tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì vậy, đại dịch đã tạo cơ hội cho Nhật Bản hình thành mối quan hệ gần gũi hơn với ASEAN.

Khác với truyền thông phương Tây, truyền thông Đông Nam Á vẫn hoan nghênh các nỗ lực phòng chống dịch của Nhật Bản và sự tin tưởng vào Nhật Bản đã được phản ánh rất nhiều trên lĩnh vực ngoại giao.

Theo các nguồn tin ngoại giao, ASEAN, dưới áp lực từ Trung Quốc triệu tập cuộc gặp thượng đỉnh song phương vào tháng 4, đã kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia vào phút cuối, biến hội nghị thành cuộc họp ASEAN +3. Điều này cho thấy quyết tâm của ASEAN trong việc giữ vững và đẩy mạnh quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

ASEAN cũng đã nhận được rất nhiều hỗ trợ đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ASEAN cũng đã rất cẩn thận không để mất cảnh giác và tiếp tục hướng tới Nhật Bản để cân bằng ảnh hưởng trong khu vực.

Chính vì vậy, Nhật Bản nên tận dụng sự tôn trọng của ASEAN để củng cố mối quan hệ với khối, nhất là trong lĩnh vực an ninh y tế đang nổi trội hiện nay.

(Nikkei)

Covid-19 không cản trở đàm phán RCEP

Hạn chế đi lại do các biện pháp phòng ngừa Covid-19 không gây trở ngại cho việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) khi các cuộc đàm phán sẽ được chuyển sang hình thực trực tuyến, nhằm tăng tốc việc hoàn thành Hiệp định.

Ronnarong Phoolpipat, Tổng Thanh tra Bộ Thương mại và Trưởng đoàn đàm phán RCEP của Thái Lan cho biết, các cuộc đàm phán trực tuyến gần đây đều đem lại “hiệu quả và hữu ích đáng ngạc nhiên”. Các nhà đàm phán đã hoàn thành nhiều vấn đề trong 2 tháng qua với hiệu quả nhanh hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Theo đó, các thành viên RCEP sẽ hoàn thành tất cả 20 chương đàm phán dựa trên văn bản pháp lý vào tháng 7 và sẽ công khai các tài liệu về tất cả các lĩnh vực liên quan.

Về phía Ấn Độ, ông Ronnarong cho biết, các thành viên RCEP vẫn đang tìm phương án giải quyết và mong rằng, Ấn Độ sẽ sớm trở lại bàn đàm phán.

(Bangkok Post)