20/04/2024 lúc 22:34 (GMT+7)
Breaking News

Nhân Sơn Dược và hành trình quảng bá tinh hoa nam dược của đồng bào dân tộc Chứt (Kỳ 2)

VNHN - Để tìm hiểu thêm về những bài thuốc gia truyền của người đồng bào dân tộc Chứt, chúng tôi tìm đến Hội Đông Y huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - một trong những tổ chức đã giúp lưu truyền và quảng bá hàng chục bài thuốc dân gian trên địa bàn, trong đó có nhiều bài thuốc quý của những lương y người đồng bào dân tộc Chứt.

VNHN - Để tìm hiểu thêm về những bài thuốc gia truyền của người đồng bào dân tộc Chứt, chúng tôi tìm đến Hội Đông Y huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình - một trong những tổ chức đã giúp lưu truyền và quảng bá hàng chục bài thuốc dân gian trên địa bàn, trong đó có nhiều bài thuốc quý của những lương y người đồng bào dân tộc Chứt.
Kỳ 2: Đi tìm những phương thuốc gia truyền nơi quê hương đồng bào Chứt
Qua lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình lương y Đinh Thị Rọng tại Tiểu khu 9, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đón tiếp chúng tôi với vẻ ngoài đôn hậu, cụ bà Đinh Thị Rọng khỏe mạnh hơn hẳn so với tuổi trên 80 của mình. Vừa rót chén nước cỏ máu cho khách, cụ vừa tâm sự: Sinh ra trong một gia đình có tuyền thống 4 đời làm “thầy cỏ” (nghĩa là thầy thuốc - PV). Từ ngày còn nhỏ, theo chân cụ thân sinh đi rừng bà đã được chỉ mặt các cây thuốc trị bệnh và bắt phải nhớ lấy, để sau này cụ mất còn biết đi lấy thuốc cho trị bệnh cho những người trong gia đình. Mấy chục năm theo học, ghi chép các cây thuốc, bài thuốc, cụ bà Đinh Thị Rọng đã tập hợp được danh sách các cây thuốc, bài thuốc quý trong 2 quyển sổ dày, nhưng vì chiến tranh nên cuốn sổ đã không còn nữa.

Rừng Minh Hóa, Quảng Bình chứa đựng hàng ngàn cây thuốc, dược liệu quý

Sau này bà kết hôn cùng là một người dân tộc Chứt ở xã Hoá Sơn. Do gia đình nhà chồng cũng nhiều đời làm thuốc nam cứu giúp người cho nên chồng bà cũng rất giỏi về nam dược. Được dạy làm thuốc từ nhỏ và lại lấy chồng làm nghề thuốc gia truyền nên y thuật của cụ bà Đinh Thị Rọng rất cao. Các bài thuốc nam của bà nổi tiếng cả vùng như bài thuốc trị xương khớp, viêm phụ khoa, hiếm muộn,  viêm gan, xoang, sỏi thận…

Cụ bà Đinh Thị Rọng sơ chế các loại thảo mộc

Hàng ngày, cụ bà Đinh Thị Rọng trèo đèo lội suối tìm các cây thuốc quý về phơi khô để sẵn trong nhà. Khi có người cần đến nhà xin thuốc bà sẽ phối thuốc, bốc thuốc cho họ thành các bài trị bệnh tương ứng. Không quảng cáo, thế nhưng ngôi nhà lá đơn sơ của bà luôn ngập khách gần xa chực chờ xin lấy thuốc. Thấy bà tuổi đã cao, nhiều người đã tỏ ra e ngại vì sợ sau này sẽ không còn được bà chăm sóc, trị bệnh với những bài thuốc quý nữa…

Hàng ngày cụ bà Đinh Thị Rọng có thể bốc tới hàng trăm gói thuốc từ những nguồn nguyên liệu thảo mộc sẵn có

Tạm biệt cụ bà Đinh Thị Rọng, chúng tôi lại đến nhà cụ ông Đinh Văn Chưu, 87 tuổi tại thôn Cây Đa, xã Xuân Hóa theo lời giới thiệu của các thành viên trong Hội Đông y huyện. Cụ ông Đinh Văn Chưu cũng được đông đảo người dân trong vùng biết đến với những bài thuốc gia truyền chuyên về chữa xoang. Những bài thuốc của ông ban đầu chỉ giúp một số người dân trong thôn, trong xã. Tiếng lành đồn xa, người dân ở địa phương khác cũng tìm đến xin thuốc. Ông chia sẻ chỉ riêng với bài thuốc này ông đã trị khỏi cho hàng ngàn người bệnh. Giờ ông cũng đã già, không thể tự đi rừng lấy thuốc nên dù con trai ông chưa đến tuổi ông cũng phải truyền nghề để phụ giúp, như vậy mới mong đáp ứng được nhu cầu trị bệnh của người dân.

Cụ ông Đinh Văn Chưu cùng những bài thuốc về xoang

Ngoài cụ Rọng, cụ Chưu, huyện Minh Hóa còn có nhiều lương y người đồng bào dân tộc Chứt khác với các bài thuốc gia truyền được đông đảo nhân dân trong vùng biết đến. Như gia đình lương y Trần Ngọc Kiến - Hội trưởng hội đông y thị trấn Qui Đạt - nổi tiếng với các bài thuốc bổ, bài thuốc trị viêm dạ dày, đại tràng, đau đầu chóng mặt mất ngủ; gia đình bác Long ở xã Xuân Hoá; gia đình anh Kỳ ở Yên Đức nổi tiếng với bài thuốc trị bệnh động kinh…

Thông thường các gia đình có truyền thống bốc thuốc tại thị trấn Quy Đạt chỉ sơ chế thảo dược thủ công và nhỏ lẻ

Tuy lợi thế ở vùng miền núi, nguồn dược liệu rừng tự nhiên phong phú, sở hữu trong tay nhiều bài thuốc gia truyền hiệu quả cao. Thế nhưng các gia đình làm nghề thuốc nam còn hành nghề đơn lẻ, chưa biết tổ chức sản xuất, mở rộng qui mô và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Mặt khác việc làm thuốc nam chỉ tập trung ở các cụ cao tuổi nên chưa thực sự trở thành một nghề giúp phát triển kinh tế cho bà con dân tộc Chứt. Chính vì thế nên tham vọng xây dựng một nền nam y dân tộc Chứt và tập hợp các bài thuốc quý của nhiều gia đình làm thuốc nam gia truyền trên địa bàn vẫn còn đang bỏ ngõ./.