29/03/2024 lúc 18:02 (GMT+7)
Breaking News

Nhân lên những niềm vui từ tấm lòng cựu chiến binh

VNHN - Nếu có ai đó hỏi ông Sáu Trực (xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) một năm bỏ tiền nhà ra bao nhiêu để giúp người nghèo, hay xây cây cầu này, làm con lộ (đường) kia cho xóm nghèo xã Thiện Mỹ thì ông từ chối trả lời. Bởi bao nhiêu năm giúp lúa gạo, tiền nong nuôi trẻ mồ côi… có bao giờ ông tính toán đâu!

VNHN - Nếu có ai đó hỏi ông Sáu Trực (xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) một năm bỏ tiền nhà ra bao nhiêu để giúp người nghèo, hay xây cây cầu này, làm con lộ (đường) kia cho xóm nghèo xã Thiện Mỹ thì ông từ chối trả lời. Bởi bao nhiêu năm giúp lúa gạo, tiền nong nuôi trẻ mồ côi… có bao giờ ông tính toán đâu!

Như xây cầu làm lộ làng, hầu hết đều bắt đầu từ tận trong những cánh đồng sâu nối ngược về phía lộ lớn hoặc hướng về phía trung tâm chợ huyện. Chính quyền xã cho biết, không phải chỉ tập trung cho một con lộ làng mà là nhiều đoạn, nếu tính đủ có đến trên 10km. Những con lộ này là nơi ông thường đi ngang, thấy lầy lội, đứt đoạn khiến việc đi lại của bà con, nhất là học sinh khó khăn thì liền bỏ tiền nhà ra làm lại.

Nếu có cầu khỉ tạm bợ, ông bỏ tiền xây lại thành cầu ximăng… Ông Đặng Văn Kinh - Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh huyện Châu Thành - nhận xét: “Dù bất kỳ trong hoàn cảnh khó khăn nào, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trực luôn phát huy và giữ vững phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”. Người dân tại xã này nhắc về ông với tình cảm trân trọng và quý mến. Càng làm có tiền, ông càng mở lòng vì xóm làng quê hương, vì bà con chòm xóm của mình. Mới đây, ông vừa xây xong cầu và làm đường cho xã gần 1 tỉ đồng. 

Về phần mình, ông Sáu Trực nhìn việc làm cao cả này một cách nhẹ nhàng, như là một phản xạ, một lẽ tự nhiên: “Tôi ra đời từ nơi này, con nhà nghèo mồ côi, nên thương yêu bà con nghèo, khốn khó và thấy trách nhiệm với làng quê mình là lẽ đương nhiên thôi”. Thật vậy, năm 1977, ông tham gia quân đội làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông trở về quê đoàn tụ với gia đình.

Vợ chồng ông Sáu Trực. Ảnh: laodong.vn

Nhà ông lúc đó nghèo lắm, dựng tạm một ngôi nhà lá bên bờ kinh An Tập, rồi thuê đất ruộng trồng lúa. Để có tiền nuôi con ăn học, hai vợ chồng lao động cật lực, bất cứ công việc đồng áng cực nhọc như thế nào ai thuê gì cũng nhận làm… Ngay trong thời điểm công việc trồng lúa ở đây phát triển, chắt bóp mãi rồi ông cũng mua được đôi trâu, ngoài cày ruộng nhà, ông còn nhận cày mướn. 

Lại dành dụm mua máy cày đẩy nhanh tốc độ vòng quay dịch vụ cơ giới trên đồng ruộng, rồi ông vét tất cả vốn liếng lên tận Cần Thơ tìm hiểu mua máy gặt đập liên hợp. Ông làm dịch vụ thu hoạch trên đồng mỗi khi đến mùa lúa chín… Thu nhập của vợ chồng ông tăng vượt bậc từ đó. Có thêm tiền dư, ông chuyển sang đầu tư mở rộng đất canh tác… Đất đai được mở rộng, 2 vợ chồng ông cùng 6 người con sống sum họp, sung túc tại quê nhà, trong đó có 3 con là trẻ mồ côi được vợ chồng ông nhận làm con nuôi.

Ông cho rằng, gia đình ông được như ngày hôm nay, ngoài sự siêng năng cố gắng của hai vợ chồng còn có sự may mắn trong suốt mấy chục năm lập nghiệp. Nghĩa vụ đối với đất nước đã hoàn thành, trách nhiệm với gia đình cũng trọn vẹn, viên mãn, nhưng ông vẫn còn nỗi khát khao được đóng góp xây dựng làng xóm quê hương và cùng chung tay giúp đỡ bà con nghèo khó xung quanh mình. “Bây giờ hai vợ chồng đã vượt qua ngưỡng tuổi 60 rồi, làm từ thiện xem như đền đáp lại cuộc đời đã cho mình quá nhiều may mắn…” - ông Sáu Trực tâm sự.