24/04/2024 lúc 13:46 (GMT+7)
Breaking News

Nhạc sĩ, PGS,TS.GVCC. Trần Hoàng Tiến: Nhạc sĩ đa tài, nhà giáo tâm huyết

Bên thềm Xuân, chúng tôi có dịp gặp Nhạc sĩ, PGS,TS.GVCC. Trần Hoàng Tiến – nguyên Trưởng khoa Văn hóa nghệ thuật (nay thầy làm GVCC khoa Sau đại học), Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ân tình, vui vẻ, thầy đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn hình ảnh về một nhạc sĩ tài hòa, người thầy tận tụy, luôn dành trọn tâm sức cho những đóng góp với chuyên ngành Âm nhạc.

Bên thềm Xuân, chúng tôi có dịp gặp Nhạc sĩ, PGS,TS.GVCC. Trần Hoàng Tiến – nguyên Trưởng khoa Văn hóa nghệ thuật (nay thầy làm GVCC khoa Sau đại học), Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ân tình, vui vẻ, thầy đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn hình ảnh về một nhạc sĩ tài hòa, người thầy tận tụy, luôn dành trọn tâm sức cho những đóng góp với chuyên ngành Âm nhạc.

Được biết, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến là nhà giáo kỳ cựu của Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Thầy có những tác phẩm đi vào lòng người và mỗi ai từng là sinh viên đều biết đến tác phẩm của thầy “Bài ca sinh viên” nổi tiếng. Nay tuy nghỉ quản lý những thầy giáo Tiến vẫn trăn trở và yêu nghề dạy học, còn sức thầy Tiến còn cống hiến với nghề giáo! Xuyên suốt những năm tháng đã qua, bao tâm huyết của nhà giáo, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến đã gửi gắm cả vào biết bao công trình NCKH, những bài giảng, tác phẩm âm nhạc sâu sắc và ý nghĩa tới các thế hệ sinh viên, học viên cao học, NCS.

 

Nhạc sĩ, PGS.TS.GVCC. Trần Hoàng Tiến trọn vẹn tâm sức với nghề.

Nhạc sĩ, PGS,TS.GVCC. Trần Hoàng Tiến sinh năm 1956 trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Hà Nội. Thầy bảo, mình theo âm nhạc là do nguyện vọng của cha – Trần Hoàng Quý, nguyên là diễn viên Đoàn Ca múa Quân đội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) - muốn con “nối nghiệp”. Khi mới chừng 10 tuổi, ông đã được bố cho đi học nhạc. Đầu tiên là được học piano sau đó chuyển sang học accordion. Năm 1973, Trần Hoàng Tiến vào học accordion tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Suốt 10 năm theo học tại trường, thầy cùng lúc theo học cả chuyên ngành sáng tác từ các thầy Trọng Hùng, Nguyễn Sinh và bài tốt nghiệp đại học là tác phẩm “Chuyện cổ tích Tấm Cám” viết cho đàn accordion. Ra trường với tấm bằng loại ưu, thầy về giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Sau này thầy tiếp tục học cao học, rồi làm NCS và hoàn thành luận án Tiến sĩ. Thầy đã được bổ nhiệm Phó Trưởng khoa Văn hóa quần chúng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; biên tập viên âm nhạc của Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam. 

Còn nhớ những năm tháng giảng dạy ở Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến tích cực tham gia phong trào Đoàn. Năm 1984, Trưởng ban Thanh niên trường học, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM Hồ Đức Việt đề xướng thành lập Nhóm Sinh viên 9-1 với nòng cốt là 6 sinh viên đang học tại các trường đại học ở Thủ đô, mục đích ban đầu là đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ trong giới sinh viên. Và giảng viên âm nhạc Trần Hoàng Tiến được cử tham gia chỉ đạo nghệ thuật cho nhóm. Họ đã đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước để cổ vũ, động viên tinh thần của sinh viên, thanh niên nói chung trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Và “Bài ca sinh viên” đã ra đời vào đầu năm 1985 với mục đích đưa được nhịp sống, tiếng nói của giới trẻ, đồng thời gửi gắm tâm tư, tình cảm của nhiều thế hệ đi trước. Cũng trong năm 1985 “Bài ca sinh viên” là bài hát chính của đoàn đại biểu TƯ Đoàn TNCSHCM Việt Nam tham sự festival sinh viên thế giới lần thứ XII tổ chức ở Maxcova (Liên Xô cũ). 

Và rồi duyên phận nhà giáo vẫn theo thầy! Thầy chuyển về công tác tại Trường ĐH Sư Phạm nghệ thuật Trung ương, làm Trưởng khoa Văn hóa nghệ thuật đến khi nghỉ hưu; Hiện thầy vẫn là Hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, hội Âm nhạc Hà Nội, Giảng viên cao cấp của khoa Sau đại học.

Viết về Nhạc sĩ, PGS,TS.GVCC. Trần Hoàng Tiến thì đồng nghiệp và bao thế hệ sinh viên, học viên, NCS đều trân quý! Thầy là giảng viên luôn nhiệt tình, tâm huyết với sinh viên khi lên lớp và thực hiện nhiều công trình NCKH cấp bộ, tỉnh, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ các học viên cao học và nghiên cứu sinh trong quá trình hoàn thành luận văn, luận án. Thầy là nhạc sĩ tên tuổi của rất nhiều ca khúc nổi tiếng. Ngoài “Bài ca sinh viên”, những ca khúc được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp biểu diễn: “Cô giáo bản vùng cao”, “Đủng đỉnh yếm đào”... Ngoài ra viết 2 tổ khúc hát múa: “Đám cưới người Dao”, “Huyền thoại hồ Ba Bể”, các loại nhạc múa như “Nhảy lửa”. Thầy đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như giải Nhì (không có giải nhất) ca khúc: “Việt Nam- Seagames hòa bình” khi Seagames 22 tổ chức ở Việt Nam, giải Ba viết về môi trường xanh ở Việt Nam: “Âm vang Việt Nam xanh”.  Riêng năm 2021, anh có 3 ca khúc được giới thiệu trên sóng Truyền hình Nhân Dân là “Trần Phú - tên anh còn mãi trên lá cờ Đảng”, “Còn mãi văn hiến Việt Nam” và “Lá me xanh”. Cũng giống với tinh thần của “Bài ca sinh viên”, đó đều là những bài hát ca ngợi tinh thần xung kích, khích lệ tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp... 

Thầy trở thành tấm gương tiêu biểu về phong trào giảng dạy, học tập, NCKH, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ của giáo viên và sinh viên. Nhiều học trò của thầy đã trở thành những tên tuổi của nền âm nhạc nước nhà như: ca sĩ Ngọc Anh, Lệ Quyên, Quang Hà..., và nhiều học trò khác là các thầy, cô giáo, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh, như:  Sơn La, Thái Nguyên, Hòa Bình, Đắk Lắk, Kon Tum, Đà Nẵng...

Hơn 40 năm gắn bó với ngành giáo dục, ngành nghệ thuật, chuyên ngành âm nhạc, PGS,TS.Trần Hoàng Tiến đã chủ trì và tham gia thực hiện nghiên cứu hàng chục đề tài nhánh cấp Nhà nước, cấp Bộ và đề tài cấp cơ sở. Song song với việc giảng dạy và NCKH. Thầy là chủ biên và đồng chủ biên của nhiều cuốn giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo: Các tộc người ở Việt Nam! Đặc điểm văn hóa, Giáo dục âm nhạc trong trường phổ thông, Nghệ thuật diễn xướng hò sông nước Bắc Trung Bộ, Những đặc trưng hò sông Mã, Nhân học văn hóa, Nhân học văn hóa tộc người ở Việt Nam, Nhạc khí dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam trong hoạt động giáo dục PTDTNT, Văn hóa dân gian vùng hồ Ba Bể,….Tới nay, thầy đã viết hàng chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín và Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế; đã hướng dẫn thành công nhiều luận văn cao học, NCS.

Tới nay, Nhạc sĩ, PGS.TS.GVCC. Trần Hoàng Tiến đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, cùng rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của các Bộ, ban ngành trao tặng,…Thầy lấy đó làm niềm vui, động lực để tiếp tục cống hiến cho nghề giáo cao quý.