24/04/2024 lúc 18:11 (GMT+7)
Breaking News

Nhà nước kiến tạo phát triển Nhật Bản và một số gợi mở cho Việt Nam hiện nay

VNHN-Nhà nước kiến tạo phát triển (NNKTPT) là mô hình có nguồn gốc từ Đông Á mà Nhật Bản là một trong những điển hình. Sự “thần kỳ” của các nền kinh tế Đông Á bắt nguồn từ vai trò và năng lực của các nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển. Bài viết này đi sâu phân tích bối cảnh ra đời, nội dung cơ bản, vai trò của NNKTPT Nhật Bản và một số gợi mở cho Việt Nam hiện nay.

VNHN-Nhà nước kiến tạo phát triển (NNKTPT) là mô hình có nguồn gốc từ Đông Á mà Nhật Bản là một trong những điển hình. Sự “thần kỳ” của các nền kinh tế Đông Á bắt nguồn từ vai trò và năng lực của các nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển. Bài viết này đi sâu phân tích bối cảnh ra đời, nội dung cơ bản, vai trò của NNKTPT Nhật Bản và một số gợi mở cho Việt Nam hiện nay.

1. Bối cảnh hình thành nhà nước kiến tạo phát triển ở Nhật Bản

Nhà nước kiến tạo phát triển (Developmental State) là mô hình nổi lên ở Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đặc điểm chủ yếu của mô hình này là đề cao vai trò can thiệp của Nhà nước trong việc đề ra, thực thi các chính sách kinh tế và điều hành một cách sâu rộng nền kinh tế phù hợp với quy luật vận hành của nền kinh tế thị trường.

Nền kinh tế Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai bị tàn phá nặng nề. Các tập đoàn kinh tế đa ngành (Zaibatsu) vốn là các trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản bị buộc giải thể do vai trò tích cực hỗ trợ cho chính quyền phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai(1). Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp để khôi phục nền kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Nền kinh tế Nhật Bản đã có những phục hồi trong giai đoạn 1945-1954 và phát triển cao độ trong những năm 1955-1973 là nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế hay mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, lấy công nghiệp làm trọng tâm. Một trong những giải pháp mà Nhà nước tiến hành là đứng ra điều phối bốn ngành chủ đạo là cơ khí, thép, đóng tàu và than thông qua vai trò của Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp (MITI). Dựa vào mối liên hệ vốn có giữa Nhà nước và doanh nghiệp, MITI đã thành lập ra Hội đồng Hợp lý hóa các ngành công nghiệp. Hội đồng này, bao gồm đại diện các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp đứng đầu các ngành cơ khí, đóng tàu, than và thép và một số công chức nhà nước, tạo ra cơ chế trao đổi, tham vấn thông tin giữa Nhà nước và giới doanh nhân. Các thành viên của Hội đồng, đặc biệt là đại diện ngành thép và than đã thảo luận và đưa ra cam kết phối hợp giải quyết những thách thức đặt ra đối với các ngành công nghiệp chủ đạo(2).

Hoạt động trên là ví dụ điển hình của việc Nhà nước Nhật Bản dẫn dắt, định hướng và hỗ trợ cho quá trình khôi phục và phát triển nền kinh tế của Nhật Bản những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Những hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ chiến lược chung là thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, nâng cao năng lực và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của nước ngoài, thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước để giảm mức độ cạnh tranh về giá cả. Chính phủ cũng dùng các nguồn lực có được từ các nguồn tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh như một đòn bẩy để thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác với Chính phủ và thực thi những mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

Có thể thấy, yếu tố thúc đẩy các nhà nước đi theo mô hình kiến tạo phát triển trước hết là xuất phát điểm thấp trong mối tương quan với các nền công nghiệp phát triển. Các nền kinh tế này nuôi khát vọng và tự đặt ra cho mình áp lực đuổi kịp nền kinh tế phát triển của phương Tây. Chính vì vậy, Nhà nước ở nền kinh tế này đã tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế thông qua triển khai các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy quá trình này. Sự thành công của Nhà nước kiến tạo phát triển ở Nhật Bản với tư cách là người đi trước cũng làm gia tăng sự ảnh hưởng của mô hình này đối với các nước Đông Á vào nửa cuối thế kỷ XX.

2. Vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước Nhật Bản

a. Vai trò của nhà nước trong cải cách thể chế, tái cấu trúc lại trật tự chính trị

Ở Nhật Bản, quyền lực phải được kiểm soát trở thành nguyên tắc trong việc tổ chức bộ máy nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước. Từ việc công nhận cần phải xây dựng và hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực đến việc thực thi có hiệu quả cơ chế đó là một tiến trình phát triển và hoàn thiện. Chính vì vậy, cùng với sự hình thành và phát triển của hệ thống chính trị nói chung và của bộ máy nhà nước nói riêng, cơ chế giám sát quyền lực cũng được hình thành và ngày càng phát triển.

Ngay từ thời kỳ cải cách Minh Trị (1868), mặc dù Nhật Bản xây dựng nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến nhưng nguyên tắc tam quyền phân lập đã được áp dụng. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, quyền hành pháp vẫn được đề cao, phạm vi quyền lực của bộ máy hành chính còn rất lớn. Nhân danh Thiên Hoàng, bộ máy hành chính được trao cho những “đặc quyền” nằm ngoài tầm kiểm soát của tất cả các thiết chế chính trị khác. Ưu điểm của kiểu tổ chức này là nhà nước có thể huy động tối đa mọi nguồn lực của đất nước vào các chương trình mục tiêu, tiến hành các chính sách cải cách mạnh mẽ nên đã nhanh chóng đưa Nhật Bản từ một nước nghèo nàn, lạc hậu thành một cường quốc trong vòng 30 năm. Nhưng do quyền lực không được kiểm soát nên xu hướng quân phiệt ngày càng gia tăng.

Sau chiến tranh thế giới II, một bản Hiến pháp mới được ban hành vào năm 1947. Tuy có những tác động của quân đội Đồng minh mà trực tiếp là áp lực của Mỹ, nhưng theo các nhà sử học Nhật Bản thì chính Nhật Bản cũng tự nhận thấy sự nguy hại của mô hình nhà nước quân phiệt. Theo bản Hiến pháp 1947, cơ chế tam quyền phân lập đã được hoàn chỉnh về căn bản. Theo đó, ở Nhật Bản không có quyền lực nào không bị kiểm soát và giám sát.

Tuy nhiên trên thực tế, trong suốt nhiều thập kỷ qua, quyền lực của bộ máy hành pháp vẫn còn quá mạnh và do đó dường như rất khó kiểm soát quyền lực của bộ máy hành chính. Có những lý do liên quan đến văn hóa truyền thống. Người Nhật có tâm lý đề cao và tuân phục chính quyền.

Cùng với cơ cấu lại quyền lực chính trị, sự thừa nhận các giá trị về dân chủ, pháp quyền từ phương Tây cũng như việc vận dụng các tư tưởng này cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình đã đem lại những thành công cho Nhật Bản.

Ở Nhật Bản vào thời kỳ Minh Trị, nhiều phong trào cải cách và dân chủ hình thành và phát triển mạnh mẽ. Do không tán thành với đường lối của chính quyền, một số chính trị gia và lực lượng đã thành lập Aikokukoto (Ái quốc công đảng) là đảng chính trị đầu tiên tại Nhật Bản, đưa kiến nghị yêu cầu chính quyền Minh Trị lập Viện Dân biểu, mở đầu cho phong trào tự do dân quyền. Phong trào này góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức chính trị của người Nhật. Đông đảo quần chúng đã tham gia tranh luận về những kiến nghị của Aikokukoto. Cùng với sự du nhập của các tư tưởng tự do với những trí thức Tây học tiên phong, như Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1834 -1901), nhiều hội đoàn, tổ chức quần chúng được hình thành, nhiều hoạt động kêu gọi người dân tiếp thu các kiến thức Tây phương, kêu gọi chính quyền cải cách bộ máy nhà nước đã diễn ra. Năm 1875, các chính trị gia đã thỏa thuận đi đến việc cải tổ bộ máy chính quyền, thiết lập tòa án tối cao, lập Thượng viện. Phong trào tự do dân quyền lên cao, nhiều chính đảng và tổ chức vận động, kêu gọi thành lập Quốc hội. Để xoa dịu dư luận, chính quyền Minh Trị công bố phương châm cơ bản xây dựng hiến pháp và hứa mười năm sau sẽ triệu tập Quốc hội.

Trong giai đoạn này, bên cạnh các cải cách về giáo dục, khoa học, tôn giáo, chính quyền tiếp thu các giá trị về dân chủ, pháp quyền chủ yếu từ các nước Anh, Pháp và Đức. Cũng như trong các lĩnh vực khác, không chỉ cử người ra nước ngoài để học tập, nghiên cứu những cải cách đổi mới về chính trị, luật pháp mà nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cũng được mời tới Nhật để cùng trao đổi, làm việc. Một số các tác giả có tên tuổi liên quan tới chính trị và luật pháp với các trường phái khác nhau như Hozumo Mobushige, Yatsuka, Umeken Jino. Tháng 3-1882, Chính phủ cử phái đoàn do Ito Hirobumi, một chính trị gia xuất thân từ han Chosun, có vai trò trung tâm trong chính quyền Minh Trị, dẫn đầu sang châu Âu để nghiên cứu hiến pháp các nước phương Tây. Cùng thời điểm này, trong nước cũng diễn ra cao trào tự soạn thảo hiến pháp để đề xuất cho chính quyền. Năm 1886, sau khi về nước Ito, người được giao nhiệm vụ soạn thảo Hiến pháp, lập ra Ủy ban soạn thảo vơi sự cố vấn của luật gia Đức Herman Roessler. Ba người đồng hành soạn thảo với ông là Inoue Kowashi, Kanako Kentato và Ito Miyoji.

b. Vai trò kiến tạo của nhà nước đối với phát triển kinh tế

Vai trò kiến tạo phát triển nền kinh tế thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế, vừa là chủ thể quản lý kinh tế vừa là chủ thể đầu tư đối với các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế

Trước tiên, Nhà nước Nhật Bản thực hiện chính sách đầu tư ổn định. Trong khi đầu tư tư nhân lên xuống thất thường, tăng vọt trong những năm phồn thịnh, sụt xuống trong những năm khủng hoảng thì đầu tư nhà nước lại tương đối ổn định, giảm xuống trong những năm phồn vinh nhằm tránh cho nền kinh tế phát triển quá nóng và tăng trong những năm khủng hoảng nhằm dịu mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng.

Nhà nước Nhật Bản nắm khoảng 1/3 tổng số vốn đầu tư tư bản cố định trong nước. Nhà nước chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng của sản xuất và xã hội, vào xây dựng cơ sở ngành công nghiệp mới, vào nghiên cứu khoa học. Việc đầu tư của Nhà nước vào khu vực này, thường không dẫn đến sự gia tăng trực tiếp lượng hàng hóa trên thị trường, mà chủ yếu là thu hút vật tư, lao động trên thị trường. Mặt khác, Nhà nước đầu tư vào những ngành đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả không cao, nhưng lại là những ngành cơ bản, quan trọng cần thiết cho quá trình tái sản xuất mở rộng, phát triển ngành công nghiệp mới, và ứng dụng kỹ thuật vào công nghiệp hiện đại, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế xã hội như ngành hóa dầu, ngành điện tử...

Nhà nước Nhật Bản tích cực khuyến khích đầu tư vào các ngành đòi hỏi vốn lớn như các ngành công nghiệp nặng và hóa chất, đặc biệt là vào các dự án có độ rủi ro cao, nhằm đổi mới trang thiết bị và tài sản cố định của các doanh nghiệp có chủ trương phát triển sản xuất thay thế cho hàng nhập khẩu. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cho rằng các ngành công nghiệp mà các nước đã công nghiệp hóa cao đã thiết lập thành công và có triển vọng phát triển tốt ở Nhật Bản cần phải được bảo vệ trong giai đoạn đầu của sự phát triển của chúng. Khẩu hiệu “công nghiệp hóa các ngành công nghiệp nặng và hóa chất” chính là sự bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ có triển vọng. Việc tăng cường những ngành công nghiệp nặng này được coi là rất thoả đáng do chúng sẽ tạo ra những mối liên kết công nghiệp về sau.

Theo các số liệu thống kê, trước những năm 1950, thiết bị của các doanh nghiệp Nhật Bản hầu hết là cũ kỹ lạc hậu: Năm 1952 chỉ có 29% tổng số thiết bị chế biến kim loại dưới 10 năm tuổi, nhưng tỉ lệ này đã tăng lên 56% vào năm 1963 và 65% vào năm 1967. Trong các ngành công nghiệp nặng then chốt khác, tỉ lệ đổi mới thiết bị cũng rất cao. Cuối năm 1967, tổng số máy cái chưa đầy 10 năm tuổi trong các ngành luyện kim đen chiếm tới 71%, trong ngành sản xuất máy chính xác và đo lường: 69%, trong ngành chế tạo máy vận tải: 68%, trong ngành điện tử: 66%. Như vậy có thể thấy là vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, Nhật Bản đã tập trung được cao độ vốn đầu tư cho việc đổi mới trang thiết bị và tài sản cố định trong các ngành công nghiệp.

Có thể thấy, Chính phủ Nhật Bản đã rất thành công trong việc phân phối nguồn vốn của mình để đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư cố định. Các nguồn vốn này đã được phân phối một cách có trọng điểm dưới chính sách “tài chính ưu đãi” dành cho các ngành công nghiệp cần được khuyến khích phát triển. Chính sách này đã được thực hiện dưới các hình thức như cho vay với lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào, kỹ thuật và công nghệ, đầu tư vào các dự án có độ rủi ro cao, và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp.

Thứ hai, thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển nhanh các ngành kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp mới

Thay vì phát triển một cách dàn trải, Chính phủ Nhật Bản chọn cách đầu tư vào các ngành công nghiệp mục tiêu, tập trung hỗ trợ và bảo vệ bằng cách đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp lớn hoạt động trong các ngành này. Trước hết là ngành công nghiệp năng lượng, nhiên liệu, đặc biệt tăng đầu tư vào ngành dầu lửa, giảm tỷ trọng ngành than đá.

Ngành công nghiệp luyện kim: được Nhà nước chú ý đầu tư để đổi mới, và hiện đại hóa ngành luyện kim đen, luyện kim màu. Những năm 1951-1955, Chính phủ chi cho đổi mới hiện đại hóa thiết bị cán thép là 128 tỷ Yên, năm 1956-1960 là 500 tỷ Yên, năm 1961-1965 tiếp tục đầu tư để hiện đại hóa ngành luyện, cán thép, nhờ đó Nhật Bản đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chiếm ưu thế trên thị trường thế giới về chất lượng và hiệu quả.

Ngành công nghiệp hóa dầu và hóa chất: công nghiệp hóa dầu, và hóa chất được chú ý phát triển mạnh từ sau chiến tranh. Từ năm 1952 - 1956, tư bản đầu tư vào ngành này tăng nhanh từ 84,1 tỷ Yên lên 304 tỷ Yên, nhờ đó ngành này được mở rộng và ngày càng phát triển.

Ngành công nghiệp chế tạo máy: được coi là một trong những ngành giữ vị trí hàng đầu của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong điều chỉnh cơ cấu công nghiệp sau chiến tranh. Từ năm 1952-1964, đầu tư vào ngành chế tạo máy tăng 23 lần từ 20,4 tỷ Yên lên 556 tỷ Yên.

Ngành công nghiệp đóng tàu: đây là ngành công nghiệp được Chính phủ Nhật đặc biệt quan tâm, vì nó là ngành đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước nên giá bán tàu đóng mới của Nhật Bản rẻ hơn so với châu Âu từ 20 đến 30%, đến năm 1970, Nhật có 6 trong tổng số 10 nhà máy đóng tàu lớn nhất thế giới.

Bảo vệ hiệu quả các ngành công nghiệp còn non yếu, khuyến khích mở rộng các ngành công nghiệp mới và ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu:

Để bảo vệ ngành công nghiệp còn non trẻ trong nước, Hội đồng điều tra cơ cấu công nghiệp của MITI được hình thành vào tháng

4-1961. Hội đồng này bao gồm 12 tiểu ban, Nakayama Ichiro làm chủ tịch của Ủy ban chung và Arisawa Hiromi làm chủ tịch Ủy ban hàng công nghiệp, là ủy ban giữ vai trò quan trọng nhất. Sau đó, các quan chức MITI bắt đầu soạn thảo các khuôn khổ chung nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty thông qua khuyến khích sáp nhập và các phương pháp hợp lý khác. Trong quá trình này, MITI đã tham khảo các lời khuyên đến từ Hội đồng điều tra cơ cấu công nghiệp và đặc biệt là Ủy ban hàng công nghiệp.

Từ sự thay đổi cơ cấu ngành đầu tư, dẫn đến thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu của Nhật Bản. Về xuất khẩu, nếu như năm 1955, xuất khẩu sản phẩm dệt chiếm tỷ trọng cao đến 40%, thì đến 1965 chỉ còn 19% và đến 1971 còn 11%. Các sản phẩm vải bông, may mặc không còn nằm trong mặt hàng xuất khẩu tốt nữa mà xuất khẩu sản phẩm từ công nghiệp nặng và hóa chất giữ vị trí quan trọng. Xuất khẩu máy móc tăng từ 35% (1965) lên 49% (1971), trong đó ô tô tăng mạnh từ 2,85 lên 10%, đứng vị trí thứ hai trong xuất khẩu. Các sản phẩm công nghiệp nặng và hóa chất tăng từ 62% (1965) lên 74% (1971), và ngày càng chiếm ưu thế trong các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản.

Nhờ những chính sách kể trên, Nhật Bản đã thành công trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm, cho phép các ngành này có một thời kỳ nuôi dưỡng và nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi bước vào cạnh tranh quốc tế.

Như vậy, Nhà nước Nhật Bản tuy có tác động lên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, nhưng đặt trọng tâm ở phát triển kinh tế. Để thực hiện được điều đó, Nhà nước Nhật Bản đã sử dụng những doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp này được rót một lượng vốn lớn, nắm giữ những ngành thiết yếu (ví dụ: Mitsubishi hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như: ngân hàng, thương mại, ô tô, năng lượng, hóa chất...), có vai trò tạo động lực phát triển cho toàn bộ nền kinh tế. Sự điều tiết của nhà nước thông qua những tập đoàn kinh tế sẽ góp phần tác động trực tiếp lên nền kinh tế. Mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản là một khía cạnh quan trọng giúp gia tăng khả năng kiểm soát của Nhà nước trong điều phối khu vực tư nhân, nhắm tới mục tiêu đạt được tăng trưởng nhanh và bền vững.

3. Một số gợi mở cho Việt Nam

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy, NNKTPT có một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển toàn diện của Nhật Bản. Xuất phát điểm Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên, dân số đông, phần lớn nguyên, nhiên liệu phải nhập khẩu và nền kinh tế bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Nhờ các chính sách phù hợp và nỗ lực vượt bậc, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi (1945-1954) và phát triển cao độ (1955-1973) làm thế giới phải kinh ngạc. Thời kỳ phát triển kinh tế nhanh chóng kéo dài từ đầu những năm 1950 đến đầu những năm 1970 cũng là một thời kỳ mà Nhật Bản đạt được những biến đổi thần kỳ về kinh tế trong nước cũng như trong quan hệ với các nền kinh tế trên thế giới. Những biến đối này có tính liên tục và tăng nhanh về lượng. “Sự thần kỳ kinh tế Nhật Bản”, đó là nhờ sự can thiệp sâu và mạnh mẽ của chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế, trọng điểm là công nghiệp. Sự can thiệp của Nhà nước gắn với những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc xây dựng NNKTPT dựa trên các đặc trưng sau:

(1) Chính phủ vừa thực hiện chính sách tạo điều kiện cho tư nhân tự do kinh doanh thuận lợi; vừa loại bỏ những yếu tố không hoàn thiện trên thị trường.

(2) Chính phủ đảm trách chi phí đầu tư cho những ngành công nghiệp không có lãi nhưng rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế như: xây dựng cơ sở hạ tầng, văn hoá, giáo dục...

(3) Sự hợp tác giữa chính phủ và tư nhân trong phát triển kinh tế được thực hiện một cách thường xuyên và chặt chẽ.

(4) Chính phủ coi trọng công cụ kế hoạch hóa gián tiếp trong điều tiết, quản lý nền kinh tế quốc dân.

Như vậy, dù rằng trong thời kỳ 1955-1973, mô hình Nhà nước phát triển chưa ra đời, nhưng có thể thấy mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao đã mang dáng dấp của một mô hình nhà nước phát triển, và là một điển hình thành công của Nhà nước phát triển. Bộ Thương mại và Công nghiệp (MITI) đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Nhật Bản thời hậu chiến. Chính sách phát triển được tạo ra và hướng dẫn bởi bộ máy quản lý ưu việt của MITI đã liên kết Nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân.

Nhà nước phát triển nắm vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Bất cứ nền kinh tế nào trên thế giới cũng tồn tại bàn tay vô hình, tức là quá trình vận động của nền kinh tế thị trường và bàn tay hữu hình, sự can thiệp, định hướng của Nhà nước. Nhà nước phát triển sẽ cân bằng hai yếu tố bàn tay vô hình và bàn tay hữu hình đó. Trong trường hợp Nhật Bản, nhờ việc thực hiện nhà nước phát triển một cách có hiệu quả, Nhật Bản đã thay đổi bộ mặt đất nước trên mọi phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội và vẫn đang trên đà phát triển.

Tuy nhiên, nếu áp dụng không đúng hướng, nhà nước phát triển cũng có thể gây ra những hậu quả như làm trì trệ nền kinh tế, tạo điều kiện cho các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước. Qua phân tích sự thành công của Nhật Bản trong thời kỳ tăng trưởng cao, có thể rút ra bốn yếu tố quyết định sẽ mang đến sự thành công của việc áp dụng mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển nhằm đạt được tăng trưởng nhanh chóng. Từ mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển Nhật Bản có thể gợi mở cho Việt Nam trong quá trình xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, nhà nước xác định và lựa chọn các ngành công nghiệp cần được ưu tiên (chính sách cơ cấu công nghiệp); sau đó xác định và lựa chọn phương tiện tốt nhất nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp được lựa chọn (chính sách hợp lý hóa công nghiệp); và giám sát cạnh tranh trong các lĩnh vực chiến lược được chỉ định để đảm bảo tính cân bằng và hiệu quả của nền kinh tế. Những nhiệm vụ này sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng các phương pháp can thiệp phù hợp với thị trường, tạo lập cơ chế cân bằng giữa nhà nước - thị trường - xã hội.

Thứ hai, xây dựng và vận hành một hệ thống chính trị trong đó bộ máy hành chính có đầy đủ sự chủ động và hoạt động hiệu quả. Điều này có nghĩa là sự độc lập của ngành lập pháp và tư pháp phải được giới hạn trong “vành đai an toàn”, tạo ra cơ chế năng động, linh hoạt của hành pháp nhưng phải đặt trong sự kiểm soát quyền lực có hiệu quả.

Thứ ba, cần phải hoàn thiện các phương pháp can thiệp phù hợp với thị trường. Chính phủ trực tiếp điều hành các tổ chức tài chính Nhà nước, và điều chỉnh kịp thời các ưu đãi về thuế. Chính phủ thiết lập mục tiêu và hướng dẫn cho toàn bộ nền kinh tế, đồng thời liên tục tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn nhằm trao đổi quan điểm, sửa đổi chính sách cho phù hợp, mang đến sự hiệu quả trong việc thực hiện chính sách kinh tế. Chính phủ định hướng chính sách độc quyền với mục tiêu phát triển và cạnh tranh quốc tế thay vì duy trì cạnh tranh trong nước, tài trợ nghiên cứu phát triển và sử dụng các cơ quan cấp phép, phê duyệt để đạt được mục tiêu phát triển. Phương pháp can thiệp quan trọng nhất của sự can thiệp hành chính là “hướng dẫn” các ngành công nghiệp đi theo đúng định hướng đề ra.

Thứ tư, là sự cần thiết phải có một tổ chức thí điểm như MITI của Nhật Bản. Kinh nghiệm của MITI cho thấy rằng, cơ quan kiểm soát chính sách công nghiệp cần phải kết hợp trong việc lập kế hoạch sản xuất trong nước, thương mại quốc tế, và một phần tài chính (đặc biệt là cung cấp vốn và ưu đãi thuế)... Điểm đặc sắc của MITI là hoạt động trên quy mô nhỏ và gián tiếp kiểm soát ngân sách Nhà nước, có đủ thẩm quyền đưa ra các quyết định cấp vốn và ưu đãi mà không cần phải thông qua Bộ Tài chính.

__________________________

(1) Chuyển mạnh sang Nhà nước kiến tạo phát triển, http://www.mofahcm.gov.vn, 20-2-2017.

(2) John Haley: Thực thi Luật Cạnh tranh ở Nhật Bản và những tác động tới thương mại Hoa Kỳ (Japanese Antitrust Enforcement and Implication for United State Traderade), Tạp chí Luật Bắc Kentucky, 1982.

Tài liệu tham khảo:

1. Chalmers Johnson, MITI và sự thần kỳ Nhật Bản: Sự phát triển của chính sách phát triển công nghiệp, 1925-1975 [MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925-1975], Nxb Đại học Standford, 1982.

2. Chester Newland: Nhà nước phục vụ phát triển, sự lớn mạnh của quyền hành pháp và thách thức đối với hoạt động công vụ [The Facilitative State, Political Executive Aggrandizement, and Public Service Challenges], Tạp chí Quản trị và xã hội  [Administrtion and Society], năm 2003, số 35 (4).

3. Chuyển mạnh sang Nhà nước kiến tạo phát triển, http://www.mofahcm.gov.vn.

4. John Haley: Thực thi Luật Cạnh tranh ở Nhật Bản và những tác động tới thương mại Hoa Kỳ  [Japanese Antitrust Enforcement and Implication for United State Traderade], Tạp chí Luật Bắc Kentucky, 1982.

5. Nguyên Hà: Thủ tướng: “Sẽ là Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, http://vneconomy, 5-3-2017.

6. Ngân hàng Thế giới, Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi [World Bank, The State in a Changing World], năm 1997.

7. Mai Thị Thanh Xuân - Ngô Đăng Thành: Một số kinh nghiệm rút ra từ mô hình công nghiệp hóa của các nước Đông Bắc Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 8, tháng 8-2008.

8. Peter Hall and David Soskice: Các hình thái kinh tế thị trường: nền tảng thiết chế của lợi thế so sánh [Varieties of Capitalism: The Institutional Foundations of Comparative Advantage], Nxb Đại học Oxford, Oxford, năm 2001.

9. Yeon-hoho Lee: Giới hạn của toàn cầu hóa kinh tế tại các nhà nước kiến tạo phát triển Đông Á [The Limitation of Economic Globalisation in East Asian Developmental States], Tạp chí Thái Bình Dương [The Pacific Review], Số 3, 10-1997.

10. Moirshima Michio: Tại sao Nhật Bản thành công? - công nghệ phương tây và tính cách Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.

11. Đỗ Hoài Nam, Võ Đại Lược (2004): Sự thần kỳ Đông Á - Tăng trưởng kinh tế và chính sách công cộng, Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (1997); Hướng tới cộng đồng kinh tế Đông Á. 

TS LÊ THỊ THU MAI

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh