19/04/2024 lúc 18:22 (GMT+7)
Breaking News

Người “tiếp lửa” cho phong trào thể dục, thể thao Việt Nam

VNHN-Thể thao Việt Nam trong những năm gần đây đã gặt hái những kết quả ngoài mong đợi từ những đấu trường châu lục và thế giới. Có những “trái ngọt” đó là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự vào cuộc của các cấp ngành liên quan đã nỗ lực trong việc phát triển tổng thể thể dục, thể thao nước nhà. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của vị “thủ lĩnh” Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng.

VNHN-Thể thao Việt Nam trong những năm gần đây đã gặt hái những kết quả ngoài mong đợi từ những đấu trường châu lục và thế giới. Có những “trái ngọt” đó là nhờ vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng sự vào cuộc của các cấp ngành liên quan đã nỗ lực trong việc phát triển tổng thể thể dục, thể thao nước nhà. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của vị “thủ lĩnh” Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng.

Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa và chứng nhận cho các VĐV có thành tích cao

Với suy nghĩ “Thành công trong thể thao không chỉ là tấm huy chương mà chính là những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa xã hội của thể thao đem lại”, gần 40 năm qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội (TT HLTT QGHN) đã dành rất nhiều tâm huyết trong việc “cải tổ”, tạo “làn gió” mới để thể thao nước nhà ngày càng phát triển.

Xuất phát từ đam mê thể thao

Vốn xuất thân trong gia đình nghèo khó nhưng Nguyễn Mạnh Hùng lại được trời phú cho một tố chất thể thao hiếm có. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Hùng đã được theo học môn đấu kiếm tại trường Văn hóa Thể thao Hà Nội sau khi được thầy giáo Đặng Ngọc Giao phát hiện ra tài năng.

Tuy nhiên, ngay tại mái trường năng khiếu này, ông Hùng lại thể hiện khả năng của mình ở môn quyền Anh một cách nổi bật. Chính từ thời điểm đó, cơ duyên đã đưa ông gắn bó và cống hiến cho thể thao nước nhà ở môn quyền Anh.

Để được học tập và theo đuổi môn thể thao mình yêu thích, ông Hùng đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt lên trên chính nghịch cảnh của cuộc đời mình. Tuổi thơ của ông, bên cạnh việc hoàn thành các bài tập quyền Anh trên lớp, ông phải bắt cua, ốc, làm bốc vác để mưu sinh và nuôi sống gia đình.

Ấy thế mà mọi khó khăn không làm ông chùn bước. Không chỉ hoàn thành được các giáo án mà giáo viên yêu cầu, sau 2 năm kiên trì tập luyện, mỗi tháng ông được cấp 11kg gạo để mang về giúp gia đình. Đó chính là niềm hạnh phúc và động viên lớn lao để ông quyết tâm theo thể thao đến cùng và đạt được nhiều đạt thành tích ấn tượng trong nước và quốc tế: Vô địch quyền Anh Hà Nội và quốc gia năm 1985, 1986; vô địch Giải Karatedo quốc tế năm 1992.

Do không có điều kiện học văn hóa nên vừa học, vừa làm và phải mất đến 3 năm ông mới thi đỗ vào Trường đại học Thể dục - Thể thao Bắc Ninh. Đứng trước cơ hội được đi học nước ngoài nhưng nhân duyên với mảnh đất Kinh Bắc đã níu chân ông ở lại để rồi trở thành sinh viên xuất sắc của ngôi trường đi đầu cả nước về đào tạo thể thao.

Những năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, ông vẫn chăm chỉ bươn trải để phụ giúp gia đình bằng đủ các nghề lao động phổ thông. Khi học năm thứ hai tại trường đại học, kinh tế gia đình ổn định đã giúp ông có điều kiện để theo đuổi đam mê thể thao.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông Hùng được giữ lại trường làm giảng viên karatedo. Trong suốt những năm là giảng viên ở trường, ông đều dùng số tiền lương của mình để giúp đỡ sinh viên nghèo.

Từ năm 2001, ông Nguyễn Mạnh Hùng về công tác trưởng bộ môn Judo, rồi sau đó là quyền Anh của Ủy ban Thể dục - Thể thao. Tại đây, ông Hùng mạnh dạn cải tiến đưa Judo ra phía Bắc để chuẩn bị cho SEA Games 22.

Nhờ sự nỗ lực tập luyện của các vận động viên (VĐV), Judo từ chỗ không có huy chương vàng đã giành 6 huy chương vàng tại SEA Games 22 năm 2003. Ông Hùng cũng là người có công khôi phục lại phong trào quyền Anh và được bạn bè quốc tế ủng hộ.

“Thủ lĩnh” dám nghĩ, dám làm

Ông Trần Ích Quân, Phó Giám đốc TT HLTT QGHN cho biết: “Kể từ khi về công tác tại Trung tâm (năm 2005), anh Hùng luôn ngày đêm trăn trở tìm cách giúp cán bộ, công nhân viên của trung tâm và VĐV có điều kiện tốt nhất trong sinh hoạt và tập luyện, yên tâm cống hiến cho thể thao nước nhà. Trong suốt thời gian ở vị trí Phó Giám đốc rồi Giám đốc Trung tâm, anh thực hiện quyết liệt việc xóa bỏ bao cấp, tôn trọng quyền lợi chính đáng của các VĐV, tạo ra môi trường làm việc lý tưởng để các VĐV và huấn luyện viên (HLV) giỏi đến huấn luyện và làm việc ở trung tâm, góp phần làm nên nhiều thành công của thể thao nước nhà”.

Năm 2005, ông Nguyễn Mạnh Hùng chuyển đến công tác tại TT HLTT QGHN. Tại đây, chứng kiến cảnh các VĐV luyện tập và sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, nhiều thiếu thốn, ông rất đồng cảm nên đã tìm nhiều cách nhằm tạo môi trường tốt nhất cho các VĐV, HLV.

Với suy nghĩ, lợi ích của tập thể, quyền lợi của VĐV và HLV được đặt lên trên hết, những năm qua, dù trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng đã cố gắng tạo ra môi trường xanh, sạch đẹp, trang bị điều hòa để các HLV, VĐV được tập huấn trong điều kiện tốt nhất và xây dựng được nhà hồi phục vận động viên; nâng cao chất lượng bữa ăn của VĐV; nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên Trung tâm.

Thức ăn cho các VĐV, HLV phải tươi ngon, bổ dưỡng, hợp vệ sinh, đúng mùa, mỗi ngày VĐV được 3 bữa sữa, hoa quả. Hàng ngày, Trung tâm tổ chức hồi phục sau mỗi buổi tập, các đội tuyển đều có bác sĩ chăm sóc. Trung tâm quản lý kỷ luật chặt chẽ với VĐV nhưng lại không quá căng thẳng.

Ở môi trường này phải luôn khơi dậy lòng yêu nước để cho các VĐV có quyết tâm, sự đam mê nghề nghiệp. Trung tâm thường xuyên tổ chức các kỳ đi thăm viếng nghĩa trang, nâng cao tinh thần uống nước nhớ nguồn, tạo sức mạnh cho các VĐV. Trước các kỳ thi đấu SEA Games, ASIAD một tháng, Trung tâm đều tổ chức “cấm trại” đối với VĐV.

Ông cũng là người nhiều năm tổ chức Lễ xuất quân và xin tiền tài trợ cho các VĐV  để tạo thêm động lực thi đấu đạt thành tích.

Các cán bộ, HLV phải tích cực quản lý VĐV, tạo nhiều chương trình bổ ích, giúp VĐV quên đi nỗi nhọc nhằn trong tập luyện bằng các hoạt động văn hóa, chăm lo học văn hóa cho VĐV. Chính vì vậy các HLV, VĐV các đội tuyển luôn tin tưởng, chấp hành tốt các quy định đề ra, hăng say luyện tập ngày đêm.

Bởi vậy, không chỉ các VĐV, HLV giỏi trên cả nước ngày càng dồn về TT HLTT QGHN như một địa chỉ đỏ trong đào tạo nhân tài thể thao quốc gia mà mỗi cán bộ, nhân viên, người lao động cũng tin tưởng, gắn bó công tác với mong muốn đồng hành cùng “thủ lĩnh” Nguyễn Mạnh Hùng phát triển thể thao nước nhà.

Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục - thể thao, đẩy lùi cái xấu

Trước sự phát triển của thể thao nước nhà với nhiều cái tên vàng đã mang về không ít vinh quang cho Tổ quốc nhưng cũng còn tồn tại rất nhiều những bức xúc và hạn chế, ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn luôn băn khoăn, trăn trở để giúp thể thao Việt Nam đạt được nhiều thành tích vẻ vang hơn nữa trong thời gian tới.

Xuất phát từ một VĐV thể thao, phải rèn luyện cực khổ nên hơn ai hết ông nhận thấy rất rõ những giá trị mà thể dục, thể thao mang lại cho con người. Ông bảo

rằng: Thành công trong thể thao không chỉ là tấm huy chương mà chính là những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa xã hội của thể thao đem lại.

Các VĐV luôn được quan tâm, tạo điều kiện tập luyện tốt nhất

Rèn luyện bất kỳ môn thể thao nào từ bơi lội, đá bóng, chạy, nhảy… ngoài yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật cao còn dạy cho người ta tính kỷ luật cao; giáo dục cho người ta tinh thần yêu nước, sự đoàn kết thống nhất cao.  Thành tích thể thao luôn thay đổi, ranh giới giữa vinh quang và thất bại chỉ trong gang tấc nên đòi hỏi VĐV luôn phải luyện tập hai trăm phần trăm sức lực, qua đó tôi luyện cho người ta thêm nỗ lực, ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ – Đó là cái đáng quý của thể thao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng trăn trở: Đối với thể thao thành tích cao đã có thông tư hướng dẫn cho VĐV được đóng bảo hiểm đây là điều đáng mừng để các em yên tâm tập luyện. Những năm gần đây, chế độ tiền ăn, tiền công của VĐV được nâng lên, song điều kiện tập luyện của các VĐV tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia còn chưa đáp ứng được về cơ sở vật chất. Các trang thiết bị máy móc tập luyện, thi đấu còn thiếu, lạc hậu.

Công tác xã hội hóa cho thể thao mới dừng lại ở bóng đá, còn các môn thể thao khác rất hạn chế. Làm sao phải phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục - thể thao trong toàn dân, nhất là đối tượng người nghèo và người lao động.

“Thể thao không chỉ giáo dục về tinh thần, trí tuệ, tầm vóc mà còn giáo dục cả đạo đức sống và truyền thống yêu nước của dân tộc. Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển các môn thể thao, nhằm đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đồng thời, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng cần có giải pháp đột phá từ tổ chức bộ máy, xây dựng chế độ chính sách tốt cho VĐV, HLV và người làm công tác thể thao; quy hoạch lại cơ sở vật chất thể thao trên cả nước để thể thao thành tích cao phát triển, tạo tinh thần cho mọi người tích cực tập luyện, tạo uy tín quốc gia thông qua thi đấu quốc tế. Hoạt động thể dục - thể thao để quảng bá du lịch, văn hóa đến các nước, đồng thời cũng là món ăn tinh thần cho nhân dân hàng ngày được hưởng thụ.”  - ông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn.

 “Còn duyên nghiệp, còn sức khỏe tôi còn đóng góp hết mình cho thể thao nước nhà”  - Ông chia sẻ.