19/04/2024 lúc 01:15 (GMT+7)
Breaking News

Người thổi luồng sinh khí mới cho mảnh đất Nguyên Bình

VNHN - Với mong muốn khoác chiếc áo mới cho vùng đồi núi hoang sơ, nghèo khó - huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, anh Hoàng Mạnh Ngọc (sinh năm 1971), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư,

VNHN - Với mong muốn khoác chiếc áo mới cho vùng đồi núi hoang sơ, nghèo khó - huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, anh Hoàng Mạnh Ngọc (sinh năm 1971), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kolia đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư, dành nhiều tâm sức gây dựng nên một trung tâm sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái trên đỉnh Phja Đén, được nhiều người thán phục.

Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng, được các tỉnh trong Cụm thi đua các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc tham quan thực tế và đánh giá cao.

Đại diện Đoàn đại biểu Cụm thi đua 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc tặng quà lưu niệm cho anh Hoàng Mạnh Ngọc (bên phải)

Đưa cây chè Kolia đi khắp thế giới

Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ đều là nông dân quanh năm lam lũ với ruộng đồng mà không đủ ăn, Hoàng Mạnh Ngọc đã sớm nuôi trong mình mong ước được thoát khỏi đói nghèo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giống mình.

Sau khi xuất ngũ, anh bươn chải đủ mọi nghề để kiếm sống và rất thành công trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng vì luôn đau đáu về ước mơ phát triển nông nghiệp trên mảnh đất quê hương, nên anh thường xuyên mày mò tìm đọc các tài liệu liên quan đến nông nghiệp sạch, rồi mời các chuyên gia Trung Quốc và Đài Loan đến tìm hiểu, khảo sát các điều kiện tự nhiên của huyện Nguyên Bình.

Qua đó, anh nhận thấy, đất Phja Đén khá màu mỡ vì chưa từng canh tác. Ngoài ra, với điều kiện sương mù, độ ẩm cao, chênh lệch ngày đêm lớn là một trong những yếu tố rất thích hợp với phát triển cây chè ô-long – một loại chè đang được ưa chuộng trên thế giới.

Kể từ đó, Hoàng Mạnh Ngọc càng củng cố thêm quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, đầu tiên là tập trung vào phát triển cây chè.

Nghĩ là làm, năm 2011, anh cùng một số bạn bè thành lập công ty TNHH Kolia – cái tên gợi nhớ đến một địa danh xinh đẹp của nơi đây được người Pháp khai phá từ thế kỷ trước, để hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp nông nghiệp, anh Ngọc đã gặp phải rất nhiều khó khăn vì nơi đây chưa được đầu tư nhiều về cơ sở sản xuất. Vốn liếng trong tay có giá trị nhất với anh chỉ là niềm tin có thể khai thác được ở Nguyên Bình tiềm năng kinh tế để làm giàu mà chưa ai dám thực hiện.

Khó khăn đầu tiên là vốn đầu tư đã khiến anh cùng các cộng sự không ngừng trăn trở và lo lắng vì với nguy cơ rủi ro cao của nông nghiệp, nhiều ngân hàng thường e ngại cho các doanh nghiệp mới thành lập được vay vốn hoặc nếu có vay thì phải chịu áp lực lãi suất hàng tháng rất cao.

Chính vì vậy, trước khi bắt tay vào thực hiện dự án, Hoàng Mạnh Ngọc cùng những người có cùng đam mê làm nông nghiệp sạch của Kolia đã tự góp được 50% vốn đầu tư để quyết tâm đầu tư sản xuất.

Từ đó, tự tay anh cùng mọi người dẫn nước từ đầu nguồn về, lắp các trạm điện hạ thế, khai phá, vỡ đất để mở đường, trồng rau tự cung cấp, ươm từng giống cây trong những chiếc lán nhỏ để trồng thử nghiệm, thu gom những mẻ phân hữu cơ của các hộ dân dưới bản để bón cho cây.

Sau nhiều năm xây dựng thành công mô hình khép kín, anh còn đầu tư thêm khu nuôi bò, thỏ, ngựa để có nguồn phân ủ dồi dào. Đồng thời, vừa trồng chè, anh Ngọc vừa xây xưởng chế biến, chỗ ở cho công nhân, để chè hái về được chế biến ngay. Trong thời gian đó, anh cũng đào thêm ao nuôi cá và trữ nước suối dẫn về.

Những ngày đầu đầy gian nan đó không làm phai nhạt đi ý chí của Ngọc mà ngược lại, ngày càng thôi thúc anh vượt qua khó khăn, tiếp tục chặng đường làm giàu mà mình luôn ấp ủ.

Sau khoảng thời gian trồng chè thử nghiệm thành công, anh bắt đầu phổ biến và kêu gọi người dân trồng chè. Mỗi một vụ chè, anh kiên trì đồng hành cùng người dân bằng cách mời các chuyên gia đến tập huấn về cách thức trồng trọt, cung cấp giống, chuyển giao công nghệ hiện đại và tìm thị trường bao tiêu đầu ra ổn định cho người dân yên tâm sản xuất.

Đến nay, diện tích trồng chè của Kolia ngày càng được mở rộng. Hiện, công ty đang trồng 10 loại chè nổi tiếng của thế giới. Các sản phẩm chè của Kolia đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Anh, châu Âu, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Kết hợp phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái

Sau khi thành công bước đầu với mô hình trồng chè, công ty TNHH Kolia còn mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái Phja Đén, biến nơi đây thành điểm đến du lịch thiên nhiên lý tưởng cho các du khách ưa chuộng nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng và thưởng thức những loại trà hảo hạng của thế giới được trồng từ đất Nguyên Bình như Ô long và Đông Phương mỹ nhân.

Anh tiếp tục thực hiện dự án trồng rau và hoa ôn đới như: Hoa ly, tuy lip, lay ơn, súp lơ, đậu Hà Lan. Các sản phẩm này được trồng quanh năm, một mặt để tiêu thụ ở các cửa hàng thực phẩm sạch ở TP Cao Bằng, một mặt để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch trong mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái của anh.

Doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc cũng chủ động đầu tư hệ thống điện và nước hiện đại để đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất và phục vụ du lịch một cách tốt nhất, tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi du khách khi tới vùng đất xinh đẹp, nguyên sơ này.

Sự đầu tư thông minh ấy đã góp phần thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm tại huyện Nguyên Bình.

Ông Nông Văn Trường, Phó Chủ tịch huyện Nguyên Bình phấn khởi cho biết, mô hình kinh tế làm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái của Công ty Kolia đã góp phần thu hút số lượng lớn khách du lịch đến với Nguyên Bình, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Chỉ tính riêng năm 2018, đã có tới khoảng 38000 lượt khách tới huyện tham quan. Riêng số lượng khách đến với Kolia khoảng từ 6000 – 10000 lượt khách (năm 2017) và hơn 10.000 lượt (năm 2018).

Đặc biệt, với mong muốn biến nơi đây trở thành vùng đất giàu có, trù phú, Hoàng Mạnh Ngọc đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Cao Bằng đến làm việc tại cơ sở sản xuất cũng như tự sản xuất tại vườn, ruộng của mình theo tiêu chuẩn đã cam kết với công ty: Tuân thủ đúng quy trình và công nghệ, kỹ thuật sản xuất, không sử dụng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật khi không có sự hướng dẫn của công ty.

Mảnh đất hoang vu Nguyên Bình với khoảng 85% là người dân tộc thiểu số đang ngày một thay da đổi thịt, người dân làm giàu trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của mình, khiến cuộc sống ngày một được ổn định và khấm khá hơn.

Nối dài những hy vọng phát triển

Doanh nhân Hoàng Mạnh Ngọc chia sẻ: Chúng tôi đang tiếp tục thực hiện đề tài bảo vệ các giống lan rừng và trồng cây dược liệu. Thời gian tới, Kolia sẽ nhanh chóng triển khai dự án này và mời các chuyên gia đến làm việc cùng người dân để đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất.

Giữa một vùng đất quanh năm có mây mù bao phủ, ít ai có thể ngờ rằng chỉ với ý chí của một người xuất thân từ chính quê nghèo ấy, Nguyên Bình lại đang nhanh chóng cựa mình để phát triển.

Lần đầu tiên tại huyện miền núi này xuất hiện mô hình nông nghiệp sạch được triển khai một cách bài bản, nghiêm túc khi có cả những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chè của thế giới và Việt Nam đến cùng nghiên cứu, khảo sát và tập huấn cho bà con nông dân sản xuất.

Có mặt tại nơi đang thay đổi từng ngày ấy, ông Nông Văn Trường phấn khởi cho biết: “Đầu tư vào nông nghiệp là điều ít người có đủ bản lĩnh và tự tin để làm được. Chính vì vậy, địa phương hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho Kolia có cơ hội tiếp tục mở rộng và phát triển để nhân lên cơ hội được đổi đời, thoát nghèo cho người dân nơi đây”.

Trong thời gian tới, huyện Nguyên Bình dự định sẽ triển khai thêm mô hình du lịch homestay; đồng thời đang tiến hành hợp tác với huyện Ba Bể (Bắc Kạn) để xây dựng những tuyến đường mới, thuận tiện cho việc đi lại và kết nối các điểm du lịch giữa hai tỉnh, nhằm tăng thêm lượng du khách đến với Cao Bằng nói chung và huyện Nguyên Bình nói riêng.

Theo đó, huyện đã kêu gọi, báo cáo với tỉnh để có những chính sách ưu tiên trong thuế đất cho các doanh nghiệp như Kolia. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp được sử dụng đất trong thời gian dài, khuyến khích bà con có đất canh tác chưa đem hiệu quả nên hợp tác với doanh nghiệpmở rộng diện tích sản xuất, hạn chế việc trồng nhỏ lẻ mà trồng thành vùng tập trung, có doanh nghiệp hỗ trợ thu mua, tiêu thụ theo cam kết ban đầu.

Với lòng quyết tâm muốn làm giàu cho quê hương bằng chính tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của mình, Hoàng Mạnh Ngọc đang ngày càng chứng tỏ được sự đúng đắn khi dám đầu tư vào một lĩnh vực mới mẻ và gian khổ như nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái.

Ý chí mạnh mẽ và quyết đoán ấy cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, những chính sách khuyến khích kịp thời và hợp lý của Đảng và Nhà nước cũng như sự tin tưởng của bà con nơi đây sẽ là nguồn động lực giúp anh tiếp tục thành công và trở thành cánh chim đầu đàn làm giàu cho quê hương bằng chính tiềm năng sẵn có của vùng đất này.