19/04/2024 lúc 19:39 (GMT+7)
Breaking News

Người dân hài lòng hơn với công tác kiểm soát tham nhũng

VNHN - Chỉ số kiểm soát về tham nhũng trong khu vực công đã được cải thiện: Hiện trạng vòi vĩnh nhận hối lộ ở bệnh viện tuyến huyện và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cải thiện đáng kể; cải cách về quản trị và hành chính công được cải thiện ở các lĩnh vực… Thông tin được đưa ra tại buổi công bố trực tuyến Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019 ngày 28.4.

VNHN - Chỉ số kiểm soát về tham nhũng trong khu vực công đã được cải thiện: Hiện trạng vòi vĩnh nhận hối lộ ở bệnh viện tuyến huyện và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cải thiện đáng kể; cải cách về quản trị và hành chính công được cải thiện ở các lĩnh vực… Thông tin được đưa ra tại buổi công bố trực tuyến Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2019 ngày 28.4.

Ảnh minh họa

Nỗ lực kiểm soát tham nhũng khu vực công

Không phải là một sự tình cờ khi Việt Nam đã ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và đạt được những kết quả vượt xa nhiều nước khác trên thế giới. Kết quả này có được bởi trong nhiều năm qua, việc tăng cường công khai, minh bạch các quy trình hoạt động và chính sách, cũng như trách nhiệm giải trình và giảm tham nhũng vặt, nhất là trong ngành y tế đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này, chỉ số PAPI năm nay nhắc nhở chúng ta rằng những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc cải thiện quản trị công cho người dân đến tận cấp cơ sở đã bảo vệ được sinh mạng của người dân Việt Nam trong đại dịch này. 

Nhà nghiên cứu về cải cách kinh tế ở Việt Nam

Chỉ số PAPI năm 2019 khảo sát 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Từ năm 2009, có tới 131.501 công dân đóng góp tiếng nói trong các ấn phẩm báo cáo PAPI hằng năm. Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Cailtin Wiesen cho biết: Sau hơn 1 thập kỷ, Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam. Chỉ số PAPI lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với cấp chính quyền, bằng cách đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước… 

Cải thiện lớn nhất được ghi nhận PAPI 2019 là lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (có tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân) và nâng cao công khai, minh bạch trong ra quyết định. Kết quả này phù hợp với những nỗ lực cải cách thu hút sự quan tâm lớn của công luận với mũi nhọn là chiến dịch phòng chống tham nhũng liên quan tới một số lãnh đạo chủ chốt. Cụ thể, PAPI 2019 cho thấy, tác động rõ nét của chiến dịch phòng, chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã phường - với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018. 

Như vậy, người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền. Tham nhũng vặt đã giảm dựa trên cảm nhận hoặc trải nghiệm của người dân khi sử dụng một số dịch vụ công. Tuy nhiên, khoảng 20 - 40% người dân tiếp tục cho rằng, tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của khu vực công.

Khảo sát PAPI cũng cho biết, tỷ lệ người dân nhận xét phải chi thêm tiền để được quan tâm khám chữa bệnh, năm 2019 là 45% (năm 2018 là 46%); phải chi thêm tiền để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 31% (năm 2018 là 32%); phụ huynh phải chi thêm tiền để học sinh được quan tâm là 31% (năm 2018 là 31%); phải chi thêm tiền để làm xong giấy phép xây dựng là 30% (năm 2018 là 32%)…
Từ số liệu trên, PAPI nhận xét: “cảm nhận và trải nghiệm tích cực hơn của người dân về tham nhũng trong những năm gần đây không có nghĩa là tham nhũng đã được giải quyết triệt để ở tất cả lĩnh vực PAPI đo lường”. Do vậy, việc tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới là vấn đề cần được lưu ý.

Khắc phục định kiến giới và nghèo đói

Trước khi Việt Nam bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đói nghèo, tăng trưởng kinh tế và môi trường vốn là những vấn đề người dân quan ngại nhất. Cụ thể, trong 5 năm qua, đói nghèo luôn là mối quan ngại lớn nhất của người dân Việt Nam và năm 2019 cũng không là ngoại lệ đối với gần một phần tư người tham gia khảo sát PAPI. Bên cạnh đó, lao động và việc làm tiếp tục nằm trong nhóm bốn vấn đề người dân quan ngại nhất từ năm 2015, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tạo ra nhiều việc làm mới… Những quan ngại này có khả năng gia tăng trong những tháng tới khi có nhiều người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Kết quả PAPI 2019 cũng cho thấy, công dân không có bảo hiểm xã hội nhìn nhận đói nghèo là vấn đề cấp bách, thiếu chắc chắn về nguồn lực dự phòng trong tương lai dường như khiến người dân lo lắng hơn. Gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa có tiền lệ ước tính 2,6 tỷ USD được Ủy ban Thường Vụ Quốc hội nhất trí dự kiến hỗ trợ khoảng trên 10% dân số sẽ giúp giải quyết một số vấn đề này. Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực, buộc chúng ta phải thích nghi với cách làm mới và giao tiếp thông qua phương tiện khác nhau. Cách tiếp cận mới lạ này sẽ khuyến khích đối thoại và trao đổi quan điểm với tất cả lãnh đạo tỉnh, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu.

Liên quan đến vấn đề giới, Việt Nam sẽ tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong năm 2021, theo đó báo cáo PAPI 2019 đã tìm hiểu liệu định kiến giới của cử tri dẫn tới có ít lãnh đạo nữ được bầu chọn trong các cuộc bầu cử trước. Kết quả cho thấy, cử tri có định kiến mạnh mẽ đối với phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, đặc biệt ở cấp thôn/tổ dân phố - nơi được coi là một trong những cấp thẩm quyền có tác động quan trọng nhất đến đời sống của người dân. Định kiến giới đối với phụ nữ cho vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố cao hơn gấp 3 lần so với vị trí ĐBQH. 

Bình luận về vấn đề này, Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie cho rằng, “cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2021 sẽ mang đến cơ hội cho nhiều phụ nữ được bầu vào các vị trí lãnh đạo cơ quan dân cử và lãnh đạo điều hành. Nâng cao bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trọng tâm của Chính phủ Australia tại Việt Nam. Các phát hiện quan trọng về giới, lãnh đạo và cuộc bầu cử năm 2021 trong báo cáo 2019 nhấn mạnh còn nhiều việc cần làm để khắc phục định kiến giới đối với phụ nữ được bầu vào các vị trí lãnh đạo và bảo đảm rằng các ứng cử viên nữ đủ điều kiện được bầu chọn sẽ được đề cử nhằm có tiếng nói bình đẳng trong đời sống chính trị và kiến thiết phát triển của quốc gia”.