25/04/2024 lúc 05:55 (GMT+7)
Breaking News

Người Anh hùng của Việt Nam hội nhập

VNHN-Doanh nhân Lê Văn Kiểm - nhân vật đã trở thành hình tượng để theo đuổi của nhiều người làm kinh doanh, trở thành tấm gương từ thiện trên dọc dài đất nước và cũng là người con ưu tú đã được Tổ quốc vinh danh với danh hiệu Anh hùng Lao động.

VNHN - Doanh nhân Lê Văn Kiểm - nhân vật đã trở thành hình tượng để theo đuổi của nhiều người làm kinh doanh, trở thành tấm gương từ thiện trên dọc dài đất nước và cũng là người con ưu tú đã được Tổ quốc vinh danh với danh hiệu Anh hùng Lao động.

Có lẽ, những lời khen, lời ca tụng dành cho bản lĩnh, tầm nhìn, nghị lực và lòng nhân ái của doanh nhân Lê Văn Kiểm là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng ở một góc độ khác - chân thành và giản dị hơn - ông Lê Văn Kiểm đã vẽ lại chân dung cuộc đời mình qua những dấu mốc gian truân, để từ đó truyền thêm cảm hứng cho những ai đã biết đến ông hoặc chỉ tiếp xúc với ông qua những lời kể mộc mạc này.

Gia đình Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm

“ANH CẢ” CỦA KINH TẾ TƯ NHÂN THỜI ĐỔI MỚI

Dù thành công mỹ mãn ở vai trò của một người làm kinh tế, song, ông Lê Văn Kiểm chưa bao giờ quên xuất phát điểm của mình là một người lính. Vào ngày 15/4/1975, ông Kiểm được lệnh của Trung ương Cục tham gia đoàn công tác đặc biệt đi khảo sát vạch tuyến mở đường cho quân chủ lực của ta tiến công từ Tây Ninh về Long An cắt ngang Quốc lộ 4, chặn đường chi viện của Quân lực Việt Nam Cộng hòa của các tỉnh miền Tây Nam Bộ về ứng cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa tại Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Đoàn gồm một trưởng đoàn là ông Võ Thới Trung, Tổng công trình sư, Phó ban Giao thông Công chánh Trung ương cục và ba kỹ sư (trong đó có ông Kiểm là kỹ sư thủy lợi). Chỉ sau 2 ngày, đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Đến ngày 27/4, ông Kiểm được lệnh đi trong đoàn quân về tiếp quản Sài Gòn. Và ngày 30/4 lịch sử, ông đã có mặt tại Sài Gòn vào tiếp quản Bộ Giao thông Công chánh của chính quyền chế độ cũ và công tác tại Ủy Ban Quân Quản Thành phố Sài Gòn Gia Định.

Đó là những ký ức đẹp mà ông Kiểm không bao giờ quên. Theo đó, sau khi tiếp quản, ông Kiểm được bổ nhiệm làm Phó ban Kiến thiết cầu đường bộ miền Nam. Vận dụng tư duy điều hành, lãnh đạo vốn có của mình, kết hợp với quyết định mạnh dạn trong việc bảo lãnh cho các kỹ sư chế độ cũ được học tập tại chỗ, chỉ trong vòng một năm, ông Kiểm đã cùng các trí thức, kỹ sư chế độ cũ với các kỹ sư từ trên căn cứ về đã phục hồi xong 14 cầu bêtông trên Quốc lộ 1 từ Cam Ranh vào Sài Gòn và các cầu đường trên các Quốc lộ và liên tỉnh lộ ở miền Nam.

Có lần, trong quá trình xây dựng, phục hồi cầu đường thì công tác bị gián đoạn bởi sự cố hư xe máy ủi. Không thể chờ thời gian phải gọi xe từ Sài Gòn ra Phan Thiết chở xe máy ủi vào Sài Gòn chữa xong mới chở ra, như vậy cả công trường phải dừng hoạt động tối thiểu 5 ngày. Trước tình hình đó, ông chủ Công ty Mai Hà gọi các công nhân giỏi đến, cho tiền các công nhân đó để động viên mọi người phải cố gắng sửa xong xe ủi trong đêm và các công nhân đã miệt mài làm việc suốt đêm đến sáng thì máy đã sửa xong. Sáng hôm sau, cả công trường lại đi vào hoạt động tốt. Cũng từ đó, ông Kiểm nhận thấy cơ chế tư nhân linh hoạt, nhất là khen thưởng kịp thời, và hiệu quả hơn công ty nhà nước rất nhiều. Đến năm 1978, ông Kiểm bắt đầu thực hiện giấc mơ làm kinh tế tư nhân. Ông bán chiếc xe Honda trị giá tiền khoảng một lượng vàng để mua môtơ, chế máy xay làm thức ăn gia súc. Tiếp sau thành công đó, bà Trần Cẩm Nhung là kỹ sư hóa, vợ của ông Kiểm, đã có sáng kiến nghiên cứu hạt cao su khô ép ra dầu dùng làm trong sản xuất sơn thay cho dầu phải nhập khẩu, bã ép ra dùng làm phân bón trong nông nghiệp rất hiệu quả (trước đó hạt cao su toàn bỏ hoang phế ngoài rừng không ai biết sử dụng nó làm gì). Ông Kiểm chuyển hướng sang thu gom hạt cao su về ép lấy dầu cung cấp cho các hãng sơn. Với công việc kinh doanh độc đáo, đến tận năm 1981, ông Kiểm vẫn thu được lợi nhuận rất cao cho đến khi nhiều nhà kinh doanh khác nhảy vào thị trường này. Khi hiệu quả không còn cao, ông Kiểm lập tức chuyển hướng kinh doanh, tự nghiên cứu ra công thức làm bột màu xây dựng. Do độc quyền công nghệ sản xuất bột màu không bị phai màu nên thời điểm đó, chỉ tính riêng gia tài tích lũy, ông Kiểm đã sở hữu hơn nửa tấn vàng.

Cuộc đời kinh doanh của ông chưa dừng lại ở đó, dấu son đáng nhớ nhất của ông có lẽ gắn liền với thương hiệu Công ty may mặc Huy Hoàng. Ông được xem là người đầu tiên kinh doanh trong lĩnh vực may mặc đã mạnh dạn nhập thiết bị máy móc đồng bộ, hiện đại của Nhật và Ý để sản xuất hàng cao cấp xuất khẩu sang các nước tư bản và Đông Âu, nên Công ty may Huy Hoàng của ông, bà là công ty may tư nhân lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 1997 xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực đã khiến doanh nghiệp của ông Kiểm kề cận bờ vực bị phá sản. Để vượt qua khó khăn, ngoài việc bán dần vàng dự trữ để cầm cự kinh doanh, ông Kiểm còn viết bức tâm thư gửi Trung ương Đảng và Chính phủ, trình bày những nguyên nhân khách quan dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp, và đề ra kế hoạch xin giãn nợ từ 3 đến 5 năm để củng cố sản xuất giữ vững công ăn việc làm cho hơn 2,000 công nhân và 20,000 công nhân các đơn vị bạn. Sau khi nghiên cứu kỹ qua kiểm tra thực tế và họp bàn, Chính phủ và Bộ Chính trị đã quyết định cho công ty được giãn nợ 3 năm. Với sự phấn đấu và sự đồng thuận cao của gia đình vợ con và những người cộng sự, Công ty Huy Hoàng đã trả hết cả nợ gốc và lãi cho ngân hàng trước thời gian quy định. Tiếp đó, ông bà đã đưa công ty phát triển không ngừng, đến nay ông bà đã có 10 công ty trong nước và một đặc khu kinh tế tại Lào. Ngoài việc đóng góp vào ngân sách nhà nước của các công ty, ông bà còn làm công tác từ thiện trong và ngoài nước hàng trăm tỷ đồng.

TỶ PHÚ CỦA LÒNG NHÂN ÁI

Không chỉ được biết đến với nhiều danh hiệu cao quý trên thương trường, ông bà Lê Văn Kiểm còn được coi là người làm công tác từ thiện xã hội vào loại lớn nhất Việt Nam, tính đến nay số tiền đã lên đến hơn 700 tỷ đồng. Ông quan niệm: “Tôi sống được đến ngày nay là nhờ công ơn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhờ vào sự hy sinh của nhiều người trong đó có cả người cha yêu dấu của tôi và các đồng đội của mình. Vì vậy, việc làm từ thiện với tôi là trách nhiệm, là tình cảm thiêng liêng.” Ông Kiểm đã xây dựng quỹ học bổng giúp đỡ sinh viên nghèo hiếu học tại trường Đại học Thủy Lợi trị giá 10 tỷ đồng và quỹ khuyến học dành cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam 10 tỷ đồng. Ông còn ký thỏa thuận cam kết đóng góp 5 triệu USD vào quỹ Vietnam Health Fund với tỷ phú Mỹ Bill Gates để giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo ở Việt Nam và nhiều công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa ở trong và ngoài nước.

Tạm khép lại những thành công, những con số đáng kính trong kinh doanh. Hạnh phúc gia đình đối với ông Lê Văn Kiểm cũng là nền tảng giúp ông đạt đến thành công như hôm nay. Ông có người vợ giỏi giang, thông minh, luôn giúp ông trong điều hành các công ty và lo toan mọi việc trong gia đình là bà Trần Cẩm Nhung; có người con trai là Lê Huy Hoàng đã được đào tạo Đại học ở Hàn Quốc, luôn tận tâm với công việc, thường ở bên Lào để điều hành một Đặc khu kinh tế và một công ty thăm dò khai thác mỏ vàng. Và ông có người con gái là nữ doanh nhân thành đạt Lê Nữ Thùy Dương, từng du học ở Úc, có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và đang điều hành 10 công ty ở trong nước. Với những niềm hạnh phúc đó, ở tuổi 72, ông Lê Văn Kiểm và vợ là bà Trần Cẩm Nhung (71 tuổi) vẫn còn tận tụy với công việc kinh doanh và luôn chia sẻ những thành quả lao động của mình với xã hội giúp đỡ người nghèo trong và ngoài nước, đó là niềm vui lớn nhất của ông, bà và gia đình.

Với những đóng góp của ông bà trong thời gian đất nước còn chiến tranh, cũng như những đóng góp trong thời gian hòa bình xây dựng đất nước cũng như các nước bạn Lào, Campuchia, Cuba,… ông bà đã được tặng nhiều Huân chương các loại của Việt Nam và các nước.