24/04/2024 lúc 21:48 (GMT+7)
Breaking News

'Ngoại giao tiếng nổ' của Triều Tiên

VNHN - Những động thái táo bạo của Bình Nhưỡng liệu có mang tới thay đổi đáng kể nào về cục diện trên bán đảo Triều Tiên?

VNHN - Những động thái táo bạo của Bình Nhưỡng liệu có mang tới thay đổi đáng kể nào về cục diện trên bán đảo Triều Tiên?

Ngày 16/6, Triều Tiên một lần nữa khiến cộng đồng quốc tế “giật mình” khi cho nổ văn phòng liên lạc chung liên Triều tại Kaesong, sau khi cắt đường dây nóng với phía Hàn Quốc trong tuần trước. Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết sẽ nối lại “mọi hình thức diễn tập quân sự thường xuyên” gần biên giới liên Triều và thiết lập các động thái nhằm hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng được hai miền Triều Tiên ký kết vào năm 2018.

Đáng chú ý, theo hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng cũng “thẳng thừng” từ chối lời để nghị của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên nhằm tháo ngòi căng thẳng.

Hình ảnh Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc chung liên Triều ngày 16/6. (Nguồn: KCNA)

Phía Hàn Quốc đã ngay lập tức phản ứng khi triển khai lực lượng tới các khu phi quân sự. Thiếu tướng Jeon Dong-jin, chỉ huy chiến dịch của Bộ Tổng Tham mưu Liên quân Hàn Quốc, cho biết: “Những động thái này đã cản trở hai thập kỷ nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm cải thiện quan hệ liên Triều và duy trì hòa bình trên Bán đảo”. Quân đội Hàn Quốc hiện đang theo dõi chặt chẽ mọi động thái của quân đội Triều Tiên và duy trì tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã lên án mạnh mẽ em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, bà Kim Yo-jong vì đã chỉ trích bài phát biểu về quan hệ liên Triều của Tổng thống Moon Jae-in trong tuần nhân dịp kỷ niệm tròn 20 năm thượng đỉnh lịch sử Seoul – Bình Nhưỡng, cũng như tiết lộ đề nghị kín của Hàn Quốc về cử đặc phái viên nhằm hạ nhiệt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul đã đệ đơn từ chức, cho rằng mình chịu trách nhiệm vì đã để quan hệ với Triều Tiên xấu đi, kêu gọi Bình Nhưỡng tránh leo thang căng thẳng.

Chuỗi động thái của Triều Tiên và phản ứng của Hàn Quốc đặt ra một số câu hỏi tương đối thú vị.

Thứ nhất, Triều Tiên đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Hàn Quốc và việc ngắt đường dây nóng Bình Nhưỡng – Seoul có lẽ là đủ. Như vậy, việc cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều có thực sự cần thiết? Hẳn là có, nếu cân nhắc đến “ngoại giao tên lửa” của Triều Tiên. Bình Nhưỡng mong muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh thế giới đang dành tâm trí để chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, im lặng không phải là cách hay và những tiếng nổ, dù đến từ động cơ tên lửa hay văn phòng liên lạc liên Triều, dễ khiến Hàn Quốc, Mỹ và cả Trung Quốc giật mình hơn.  

Thêm vào đó, động thái này thể hiện quyết tâm của Triều Tiên, không nối lại đường dây nóng nếu yêu cầu chưa được đáp ứng. Tương tự, những động thái triển khai lực lượng, thiết lập lại tiền trạm hay đe dọa diễn tập ở khu vực phi quân sự là một phần trong chuỗi động thái đó.

Thứ hai, tại sao Bình Nhưỡng lại tiết lộ đề nghị kín của Seoul về cử đặc phái viên đàm phán để hạ nhiệt tình hình? Như đã nêu trên, đây là một phần trong chuỗi động thái khẳng định quyết tâm của Triều Tiên, song mặt khác, nó là cách Bình Nhưỡng khiến Seoul “bẽ mặt” vì bí mật đề xuất tiến hành thương lượng hòa bình và mọi thứ chỉ bình thường trở lại nếu như Mỹ lên tiếng.

Tuy nhiên, phản ứng của Washington là khá hờ hững. Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục “phối hợp chặt chẽ” với Hàn Quốc, song không nói gì về nối lại đàm phán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Thực tế này dẫn đến câu hỏi thứ ba: Tình hình bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới sẽ chuyển biến theo hướng nào? Đối tượng chính Bình Nhưỡng muốn tác động không ai khác là Washington. Chừng nào Mỹ chưa phản ứng “tích cực” với áp lực trực tiếp từ Triều Tiên hay gián tiếp từ Hàn Quốc, Triều Tiên sẽ tiếp tục có động thái mới, táo bạo trong khuôn khổ vừa phải, với cân nhắc về thái độ của Trung Quốc, tránh làm thay đổi cục diện bán đảo Triều Tiên theo hướng bất lợi.

Câu chuyện về “ngoại giao tiếng nổ” của Bình Nhưỡng vì thế sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới.