25/04/2024 lúc 17:53 (GMT+7)
Breaking News

Ngoại giao phục vụ phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp

VNHNO - Ngoại giao phục vụ phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo. Đó là chủ đề cuộc Tọa đàm giữa các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp diễn ra ngày 10-8, tại Hà Nội.

VNHNO - Ngoại giao phục vụ phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo. Đó là chủ đề cuộc Tọa đàm giữa các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp diễn ra ngày 10-8, tại Hà Nội.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, hơn 90 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cùng đại diện khoảng 300 doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước.

Ngoại giao duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho doanh nghiệp

Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho DN phát triển luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII. Bộ Ngoại giao cũng luôn xác định các cơ quan đại diện cần chú trọng đóng góp thúc đẩy thương mại, đầu tư, hợp tác lao động, ưu tiên hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hội nhập quốc tế; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, chính sách phòng vệ thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng hóa của Việt Nam. 

"Đóng góp then chốt nhất của ngoại giao thời gian qua là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn với các đối tác nước ngoài. Ngoại giao đã phối hợp cùng các bộ, ngành thiết lập và nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với 27 đối tác; thúc đẩy đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. Đây là những tiền đề chính trị, kinh tế và pháp lý đặc biệt giá trị để doanh nghiệp Việt Nam có thể kinh doanh bình đẳng, có lợi và được ưu đãi đáng kể trên thị trường quốc tế", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu đề dẫn tại tọa đàm - Ảnh: Phương Linh.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, nhiều Đại sứ, Tổng lãnh sự đích thân đi tiếp thị nông sản và du lịch Việt Nam đến bạn bè quốc tế; đồng hành cùng doanh nghiệp tại những phiên điều trần, phán quyết liên quan đến doanh nghiệp, sản phẩm Việt tại địa bàn. Các cơ quan đại diện đã giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp khi hỗ trợ xác minh hàng trăm đối tác nước ngoài.  

Doanh nghiệp cần "xông lên" nắm bắt cơ hội

Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ với các đại biểu tham dự nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế thế giới và xu hướng phát triển kinh tế trong nước, những thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cho biết, Nhật Bản là một thị trường rất khắt khe, do vậy đưa nông sản Việt Nam vào thị trường này là rất khó. 

"Khó tính nhưng không phải là không vào được. Minh chứng là chúng ta đã đưa được xoài Cát Chu, thanh long vào các siêu thị của Nhật Bản", Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh. Tuy nhiên, khi đã được thị trường bạn chấp nhận, điều quan trọng là hàng nông sản của Việt Nam không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn đáp ứng được cả số lượng, nhất là vào dịp trái vụ. 

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tiết lộ thêm, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là một trong những nước tham gia, có hiệu lực thì các mặt hàng nông sản, thủy sản vào Nhật Bản sẽ được giảm thuế 0% ngay lập tức. Đây là cơ hội lớn mà DN Việt Nam cần phải nắm bắt.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cảnh báo về tác động của chiến tranh thương mại với Việt Nam - Ảnh: Phương Linh.

Chung quan điểm với Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, song các DN cần "xông lên" để kết nối với các DN nước ngoài.

Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như TH True Milk, Tập đoàn Viettel, FPT Software… đã chia sẻ về sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt thành của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ nói riêng và chính phủ nói chung trong quá trình các tập đoàn này mở rộng thị trường ra nước ngoài. Đại diện của Tập đoàn TH True Milk - ông Ngô Minh Hải đã chia sẻ về sự giúp đỡ của ngành ngoại giao đối với quá trình phát triển của tập đoàn, vào thời kì ban đầu là giúp đỡ TH True Milk tiếp cận công nghệ cao từ nước ngoài, như công nghệ của Israel, đến việc đưa thương hiệu, sản phẩm ra nhiều thị trường thế giới, như Nga, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc….

Các diễn giả tham gia tọa đàm - Ảnh: Phương Linh.

Là một doanh nghiệp quân đội hoạt động khá thành công ở trong nước và nước ngoài, Viettel hiện nay đã mở rộng thị trường ở 10 nước trên thế giới, trong đó châu Á có 4 nước, châu Phi có 4 nước và châu Mỹ có 2 nước. Đại diện của Viettel cho biết, trong tương lai tập đoàn sẽ tìm kiếm những thị trường lớn hơn như Philippines, Indonesia, thậm chí là châu Âu. "Nói như vậy để thấy, cơ hội kinh doanh có thể tìm thấy không chỉ ở những nước giàu có mà ở những nước đang phát triển, chúng ta vẫn có thể tìm kiếm được cơ hội và thành công", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương nhận xét.

Cũng trong buổi Toạ đàm, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ nhiều nhận định về tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Theo ông, thế giới đang diễn ra 5 cuộc chiến tranh, trong đó có căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh (Liên minh châu Âu, Canada, Mexico), các nước phương Tây và Nga (bùng phát năm 2014, đang tiếp tục và ngày càng gia tăng), Mỹ -  Iran (đang bùng phát trở lại và sẽ tác động mạnh với thế giới).

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức buổi tọa đàm khẳng định tính đúng đắn của "Ngoại giao kiến tạo", trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Thông qua trao đổi, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần nghiên cứu một số nội dung trong thời gian tới. 

- Thứ nhất, DN hãy tận dụng thế mạnh đặc thù của cơ quan đại diện một cách "hiệu quả" nhất. Với nguồn lực có hạn, cơ quan đại diện mong muốn mang đến sự hỗ trợ có "giá trị gia tăng" lớn nhất cho DN. 

- Thứ hai là câu chuyện thông tin. "Thương trường là chiến trường, thông tin là vũ khí". Hiểu rõ thế giới, nắm vững tiềm năng hợp tác, sâu sát địa bàn sẽ giúp DN xây dựng chiến lược, kế hoạch thâm nhập thị trường hiệu quả. 

- Thứ ba, hỗ trợ DN quảng bá, xúc tiến và kết nối. 

- Thứ tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và vướng mắc. 

- Thứ năm, tạo môi trường, khuôn khổ hợp tác, mạng lưới hậu thuẫn thuận lợi nhất cho DN vươn ra thế giới…/.

Theo Qdnd.vn