29/03/2024 lúc 07:45 (GMT+7)
Breaking News

Nghịch lý thuế xuất nhập khẩu

VNHN - Nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng mà các ngành cơ khí, công nghệ cao, dệt may phải nhập khẩu đang chịu mức thuế cao hơn hàng nhập khẩu thành phẩm đã và đang là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không tự đầu tư sản xuất mà nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc.

VNHN - Nguyên phụ liệu, linh kiện, phụ tùng mà các ngành cơ khí, công nghệ cao, dệt may phải nhập khẩu đang chịu mức thuế cao hơn hàng nhập khẩu thành phẩm đã và đang là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không tự đầu tư sản xuất mà nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc.

Rào cản không nhỏ

Ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc chuyên sản xuất các sản phẩm khuôn mẫu - cho hay, thuế nhập khẩu linh kiện máy móc, phụ tùng phục vụ cho ngành cơ khí, khuôn mẫu và nhiều ngành khác lên tới 25%, trong khi nhập khẩu thành phẩm thì thuế suất chỉ 0%. Đây là một nghịch lý lớn, dẫn đến tình trạng không ít DN đã nhập sản phẩm thành phẩm về cho rẻ, các DN tự sản xuất phải chịu thiệt thòi do không cạnh tranh được. Chẳng hạn, thuế suất nhập khẩu máy công cụ phục vụ ngành cơ khí như máy khoan, máy tiện, máy bào… cũng 0% nhưng thuế suất nhập khẩu phụ tùng sửa chữa các thiết bị đó lại rất cao, có những chi tiết phải đóng thuế nhập khẩu 25%. Do vốn thiếu, các DN cơ khí thường mua những máy đã qua sử dụng của Nhật về sửa chữa để dùng.

Khi các bộ phận trong hệ điều hành bị hư, thị trường trong nước không có, DN buộc phải nhập các bộ phận này về thay thế và chịu thuế suất nhập khẩu đến 25%. Hay với nguyên phụ liệu may mặc nhập khẩu chịu thuế 25%, trong khi nhiều sản phẩm may mặc thành phẩm nhập về thuế 0% vì thế nhiều DN trong nước nhập ngay sản phẩm thành phẩm cho nhanh, giá rẻ. Thậm chí, không ít DN làm ăn gian dối, nhập nguyên sản phẩm từ Trung Quốc về thay nhãn mác “Made in Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng.

Thuế nhập khẩu linh kiện cao chưa khuyến khích DN đầu tư sản xuất.

Giải tỏa vướng mắc

Nghịch lý về thuế nhập khẩu được ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế lý giải rằng nhiều linh kiện, phụ tùng là đầu vào để sản xuất thiết bị, máy móc, sản phẩm này nhưng lại là đầu ra của một sản phẩm khác nên có mức thuế cao. Ông Hưng cho biết, để giải tỏa vướng mắc này cho các DN, đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, máy móc cho ngành cơ khí từ tháng 4/2019 đã được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125 sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ- CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Dự thảo nhằm điều chỉnh hệ thống thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị cho chế tạo máy móc cơ khí, tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN trong nước. Cụ thể vật tư, thiết bị, linh kiện, phụ tùng trong nước chưa sản xuất được thì quy định mức thuế suất bằng 0%. Đối với những linh kiện, phụ tùng trong nước đã sản xuất được hoặc chưa sản xuất được, nhưng có định hướng khuyến khích đầu tư nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, được quy định mức thuế suất phù hợp nhằm bảo hộ, khuyến khích các DN đầu tư sản xuất ngay trong nước.