20/04/2024 lúc 23:00 (GMT+7)
Breaking News

Nghĩa cử cao đẹp của "Vua muối sấy Việt Nam"

VNHN - Khi đã trở thành tỷ phú nhờ nghề… trộn muối ớt ông đã dang tay giúp đỡ nhiều người nghèo như ông trước đây vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông là hiện thân của những con người có ý chí vươn lên trong cuộc sống và có tấm lòng nhân ái bao la, ấm áp tình người.

VNHN - Đầu năm 2020, ông Huỳnh Văn Bé (Ba Bé) đã được Hiệp hội Trang trại Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ tôn vinh sau khi ông được Hội đồng Khoa học cấp quốc gia bình chọn là “Vua muối sấy Việt Nam” ...

Từ một hộ nghèo, ông Ba Bé đã đưa gia đình vượt qua bao sóng gió cuộc đời để cập được bến bờ hạnh phúc, vinh quang. Khi đã trở thành tỷ phú nhờ nghề… trộn muối ớt ông đã dang tay giúp đỡ nhiều người nghèo như ông trước đây vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông là hiện thân của những con người có ý chí vươn lên trong cuộc sống và có tấm lòng nhân ái bao la, ấm áp tình người.

Bén duyên với muối sấy vì… quá nghèo !

Đến xưởng chế biến muối Ngọc Yến ở khóm Tân Đông B (thị trấn Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) đúng vào thời điểm nhà xưởng đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tham gia các hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao trong và ngoài tỉnh. Ông Bé cho biết, ông đã tự mày mò, sáng chế thành công hệ thống máy sấy muối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ với 100 triệu đồng, ông đã nghiên cứu chế tạo máy sấy muối sử dụng hiệu quả không thua máy sấy “chuyên dụng” đang bán trên thị trường có giá trên 1 tỷ đồng. Cơ sở đã lắp đặt được 12 chiếc máy sấy hoạt động hết công suất, nhưng vẫn chưa đủ cung cấp sản phẩm trên thị trường. Hàng ngày, cơ sở chế biến muối của ông sản xuất được từ 3-5 tấn muối sấy thành phẩm, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng.

Ông Bé kể, ông đến với nghề làm muối sấy này trong một trường hợp rất đặc biệt. Chuyện là, năm 1998, ông nuôi 5.000 con chim cút đẻ nhưng thất bại nặng do chim bị bệnh chết và thua lỗ 200 triệu đồng nên phải bán nhà, bán đất để trả nợ tiền vốn vay nuôi chim. Đang từ một hộ khá giả trong vùng, ông được chính quyền cấp cho… sổ hộ nghèo.

Ông Huỳnh Văn Bé (ngoài cùng bên trái) tặng quà các hộ nghèo xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).

Trong lúc sạt nghiệp, ông được một người bà con ở Tây Ninh gọi lên làm muối sấy để bán. Sau hai năm làm muối, ông đã hình thành được công thức mới phù hợp với khẩu vị đại đa số khách hàng và được nhiều lời khen ngợi. Sau hơn 6 năm làm ăn trên mảnh đất Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh, năm 2006 ông trở về quê gây dựng cơ sở chế biến muối với thương hiệu Ngọc Yến và đã thành công.

Nhìn cuốn sổ ghi số lượng và doanh số hàng năm của ông, không khỏi giật mình. Từ chỗ chỉ sản xuất được 40 tấn/năm (2007), đến năm 2014, cơ sở muối sấy Ngọc Yến đã cán mốc 500 tấn với doanh thu hơn 15 tỷ đồng, trong đó riêng thị trường miền Bắc đã tăng trưởng 100%. Năm 2015, cơ sở đã sản xuất và tiêu thụ hơn 500 tấn muối sấy, đưa doanh thu lên hơn 20 tỷ đồng, đạt lợi nhuận gần 4 tỷ đồng. Năm 2019, cơ sở đã sản xuất và tiêu thụ gần 2.000 tấn muối sấy, đưa doanh thu lên hơn 75 tỷ đồng, đạt lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng…

Sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng, cuối năm 2014, ông Bé đầu tư xây dựng thêm cơ sở 2 với sân phơi muối đạt tiêu chuẩn y tế quốc gia trên diện tích 1.000m2 tại khóm Tân Thuận, thị trấn Thanh Bình. Hỏi về số lãi đã thu được, ông Bé chia sẻ: “Sau 10 năm làm muối, trừ chi phí gia đình tôi lãi hơn 14 tỷ đồng. Cơ sở đã giải quyết việc làm ổn định cho hơn 70 lao động, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, chưa kể phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hàng năm cho người lao động”.

Chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn

Làm có "của ăn của để", ông Ba Bé không giữ hưởng thụ cho riêng mình mà dành phần đáng kể đóng góp, hỗ trợ người nghèo ở địa phương, từ tham gia xây dựng nhà tình thương, xây cầu, làm đường đến trao quà, tiền giúp hộ nghèo, neo đơn, không nơi nương tựa; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, vượt khó học giỏi. Em Lê Thị Kim Ngọc là một trong nhiều học sinh nghèo ở huyện Thanh Bình được ông Bé giúp đỡ vượt qua khó khăn để tiếp tục đến trường. Ông Lê Văn Ẩm, cha em Ngọc, trước đây làm nghề bốc vác cực nhọc nhưng thu nhập không đáng kể nên không thể lo cho con ăn học tới nơi tới chốn. Từ mấy năm nay, cuộc sống gia đình ông Ẩm có nhiều thay đổi. Ông Ẩm xúc động nói: “Tôi được chú Ba Bé nhận vào làm công nhân tại cơ sở sản xuất muối sấy Ngọc Yến với việc làm và thu nhập ổn định ở mức cao. Chú Ba còn tận tình giúp đỡ học bổng cho con tôi nên tôi rất mừng và mang ơn chú. Nếu không có chú Ba Bé giúp, chắc tôi không nuôi nổi con ăn học”.

Ông Huỳnh Văn Bé trao học bổng tặng em Ngọc.

Nhiều năm qua, ông Bé thường xuyên hỗ trợ cho hơn 520 hộ nghèo trong huyện, mỗi hộ 200.000 đồng/tháng và tài trợ 1 triệu đồng/tháng/đơn vị cho 14 đơn vị như: Hội Người mù, Hội Ðông y huyện để khám chữa bệnh cho người dân... Hơn 10 năm qua, tổng giá trị tiền và vật chất mà ông Bé đã giúp hộ nghèo và những mảnh đời bất hạnh là hơn 7 tỷ đồng. Ông Bé tâm sự: “Ðời tôi từng khổ nhiều, nên tôi rất hiểu và muốn chia sẻ với những cảnh khổ của người khác. Tôi có mơ ước là làm sao cho khá-giàu lên để giúp lại những người cùng cảnh khổ như mình trước đây. Tôi nghĩ mình đã 65 tuổi đời rồi, nếu chờ cho khá-giàu thì biết chừng nào, sợ làm không kịp nên bây giờ có bao nhiêu giúp bấy nhiêu. Trước đây giúp có vài chục triệu đồng/năm; từ năm 2010 là khoảng 500 triệu đồng, và từ năm 2016 tới nay, mỗi năm trên cả tỷ đồng…”.

Không chỉ có vậy, ở vào độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Bé vẫn dành nhiều thời gian, công sức cho công tác vận động uốn nắn các thanh thiếu niên “lệch đường”.

Trở thành "Chiến sĩ an ninh địa phương"

Những năm gần đây, thị trấn Thanh Bình đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế-xã hội, nhưng bên cạnh đó cũng kéo theo nhiều nỗi lo về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.  Để có được địa bàn ổn định, lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã tập trung xây dựng, củng cố mạng lưới tổ chức quần chúng làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Nổi bật là hoạt động Tổ dân phòng khuyến học số 17, khóm Tân Đông B mà vai trò Tổ trưởng Huỳnh Văn Bé là rất quan trọng, đã góp phần đáng kể trong việc chăm lo công tác khuyến học-khuyến tài và bảo vệ an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Ông Huỳnh Văn Bé tài trợ 200 triệu đồng xây dựng cầu dây văng xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp).

Ông Bé luôn thể hiện là một công dân tốt, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước; vận động mọi người luôn đề cao cảnh giác trước mọi thủ đoạn của kẻ xấu và tích cực phát hiện, tố giác tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội. Ông Bé bày tỏ: “Tệ nạn xã hội, nhất là số đề diễn ra rất phổ biến. Bằng uy tín của mình, tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phải từ bỏ nạn chơi số đề. Bởi vì, khi tham gia vào tệ nạn này thì rất nguy hại như: Vi phạm pháp luật, thiệt hại về kinh tế gia đình và ảnh hưởng đến uy tín, không ai dám giúp đỡ vốn liếng để làm ăn… Với những lời khuyên nhủ có lý, có tình nên hầu hết những người đã từng chơi số đề hiện giờ không ai còn tham gia nữa mà lo chí thú làm ăn,

Ông Huỳnh Văn Bé còn giúp đỡ cho nhiều thanh niên (vốn là những người thường xuyên uống rượu say rồi gây rối, chơi bời lêu lỏng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương) vào làm việc tại cơ sở sản xuất của mình, với mức thu nhập ổn định hàng tháng. Nhờ đó, nhiều thanh niên không rơi vào cảnh ăn chơi hư hỏng và có việc làm ổn định. Trước những tệ nạn xã hội, nhất là số đề diễn ra rất phổ biến, ông Ba Bé thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con phải từ bỏ nạn chơi số đề. Với những lời khuyên nhủ có lý, có tình, hầu hết những người được ông vận động đều đã từ bỏ số đề để lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Điền Dân - Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thanh Bình, nhớ lại lúc còn làm Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình, cho biết: cơ sở sản xuất muối sấy của ông Ba Bé đã thu nhận nhiều lao động địa phương mà trước đây có nguy cơ vi phạm pháp luật vào làm việc. Nhờ vậy, những người này đã trở thành lao động tốt. Hằng tháng, ông còn giúp đỡ học bổng, tập sách cho những học sinh nghèo khó không phải bỏ học nửa chừng... “Tôi rất tâm đắc vì địa phương có được người như anh Ba Bé” – ông Nguyễn Điền Dân nói.

Với những cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, xã hội, từ năm 2010 đến nay, cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến của ông Huỳnh Văn Bé được trao tặng hàng trăm Cúp Vàng, Huy chương Vàng, Biểu tượng Vàng, Kỷ niệm chương... từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương và quốc tế, cùng nhiều bằng chứng nhận cấp Quốc gia về chất lượng sản phẩm; ông Bé trở thành tấm gương sáng, tiêu biểu được bà con ở địa phương yêu mến, kính trọng, noi theo và học tập../