23/04/2024 lúc 17:54 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ sĩ Nhân dân phải được nhân dân ghi nhận

VNHN – Khi xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú được xây dựng, cần tránh tình trạng phong danh hiệu rất sang trọng nhưng không để lại ấn tượng gì trong lòng công chúng.

VNHN – Khi xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú được xây dựng, cần tránh tình trạng phong danh hiệu rất sang trọng nhưng không để lại ấn tượng gì trong lòng công chúng.

Bộ VH-TT&DL vừa đưa ra Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và Nghệ sĩ Ưu tú, để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội. Đây là một động thái tích cực, nhằm giảm thiểu những tiếng bấc tiếng chì mỗi lần trao tặng danh hiệu. Từ năm 1984 đến nay đã có 9 đợt phong tặng danh hiệu. Chỉ tính riêng Nghệ sĩ Nhân dân đã có 452 người. Trường hợp đặc cách nhận được sự tán thưởng của công chúng là Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan.

Danh hiệu trong nghệ thuật giống như miếng thơm giữa làng. Người đã được Nghệ sĩ Ưu tú đều muốn nâng lên thành Nghệ sĩ Nhân dân cũng là chuyện dễ hiểu. Có hai điểm mới mẻ đáng ủng hộ ở Dự thảo sửa đổi. Thứ nhất, là cách tính huy chương khi phong tặng. Thứ hai, là uy tín cá nhân trong quá trình hành nghề. Vì sao phải quy định “trong tổng số giải thưởng mà cá nhân đạt được tính, phải có ít nhất 1 giải thưởng dành riêng cho cá nhân để khẳng định uy tín cá nhân của nghệ sĩ được xét danh hiệu”.

Huyền thoại Tây Nguyên - Y Moan được đặc cách phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân không bao lâu trước khi qua đời vì bạo bệnh. Ảnh: Internet

Vì rất nhiều lãnh đạo các đoàn nghệ thuật đã thừa hưởng thành quả tập thể để có danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khá nhẹ nhàng. Vì sao phải xem xét uy tín cá nhân trong quá trình hành nghề? Vì có những nghệ sĩ cao niên cả đời đóng góp cho nghệ thuật truyền thống, nhưng không có cơ hội thi thố ở các hội diễn để sưu tầm huy chương. Ngoài ra, còn có những nghệ sĩ tự do khuông thuộc biên chế đơn vị nghệ thuật nào, mà sức ảnh hưởng với cộng đồng rất sâu rộng. Dự thảo xác định đó là những đối tượng chưa đủ tiêu chuẩn về huy chương, nhưng có tài năng đặc biệt xuất sắc.

Thực tế đã phơi bày, có không ít Nghệ sĩ Nhân dân chỉ thấy danh hiệu mà mờ mịt về giá trị, nếu ngồi cạnh diễn viên cỡ Thành Lộc thì họ cũng tự cảm thấy xấu hổ. Ví dụ, đoàn A mỗi kỳ hội diễn được tổng cộng 7 huy chương vàng, thì bỗng dưng vị trưởng đoàn cũng ghi vào hồ sơ cả thảy 7 huy chương vàng.

Cái khái niệm “chỉ đạo nghệ thuật” hoặc “chỉ huy đêm diễn” đôi khi chỉ mang tính hình thức, nhưng cũng nhận lãnh trọn vẹn thành tựu thì phi lý quá. Trớ trêu hơn, có những vị trưởng đoàn chẳng có chuyên môn gì về trình diễn được chính quyền giao phụ trách đoàn nghệ thuật, kết quả là nhân vật không biết ca, không biết múa, không biết đàn nhưng sau vài năm đã thấy ngất ngưởng danh xưng Nghệ sĩ Nhân dân. Trong một cuộc hội thảo, ca sĩ Thanh Hoa đã gọi những trường hợp ấy là “Nghệ sĩ Nhân dân mà nhân dân không biết mặt, biết tên”.