29/03/2024 lúc 06:34 (GMT+7)
Breaking News

Ngành tài chính ghi nhiều dấu ấn, đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

VNHN - Năm 2019 là một năm có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm để các ngành, các cấp cùng tăng tốc, bứt phá, vươn tới gần hơn các mục tiêu đề ra của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Đến thời điểm này, có thể khẳng định nỗ lực của ngành tài chính đang tiếp tục ghi nhiều dấu ấn, đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

VNHN - Năm 2019 là một năm có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm để các ngành, các cấp cùng tăng tốc, bứt phá, vươn tới gần hơn các mục tiêu đề ra của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Đến thời điểm này, có thể khẳng định nỗ lực của ngành tài chính đang tiếp tục ghi nhiều dấu ấn, đóng góp cho nền kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Nhân dịp Xuân Canh Tý 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, người đã 6 năm giữ trọng trách tư lệnh ngành tài chính và đã cùng với toàn ngành thực hiện đổi mới, cải cách nền tài chính công, đã trao đổi với phóng viên về những dấu ấn của ngành tài chính cũng như việc triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách thời gian tới.

Xin Bộ trưởng đánh giá về những dấu ấn đáng chú ý nhất của ngành tài chính trong năm 2019 và những đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế đất nước?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2019 là năm thứ 2 tiếp tục hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ kinh tế-xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về tài chính-ngân sách. Đặc biệt, đây là năm thứ 4 liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, tốc độ tăng thu ngân sách cao hơn tăng trưởng kinh tế.

Nhờ chủ động triển khai, kết hợp với sự phát triển khả quan của nền kinh tế, tính đến ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN vượt 9,8% so với dự toán. Trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán; 63/63 địa phương hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán tổng thu nội địa. Đây là năm thứ hai, trong bối cảnh nhiều nguồn thu sụt giảm, thu ngân sách Trung ương vẫn đạt và vượt dự toán.

Ở chiều ngược lại, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; bội chi được kiểm soát trong phạm vi Quốc hội quyết định và nợ công được quản lý chặt chẽ, cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững.

Bộ Tài chính đã quản lý điều hành chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả theo dự toán được giao và khả năng thu ngân sách. Điều hành bội chi trong phạm vi dự toán, bội chi NSNN năm 2019 ước khoảng 3,4% GDP thực hiện. Các chỉ tiêu nợ công nằm trong giới hạn an toàn được Quốc hội cho phép. Đến cuối năm 2019 tỉ lệ nợ công giảm còn khoảng 55% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, thấp hơn kế hoạch đầu năm (nợ công khoảng 61,3%, nợ Chính phủ khoảng 52,2%).

Năm 2019 cũng là năm ghi dấu ấn khi ngành tài chính hoàn thành xây dựng khối lượng lớn văn bản được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao chủ trì thực hiện; thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và thúc đẩy tái cơ cấu DN nhà nước; đẩy mạnh rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Xin Bộ trưởng đánh giá về công tác quản lý nợ công trong năm 2019 và nhận định trong năm tới?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, do nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, chúng ta vẫn phải bội chi và vay nợ, nhưng công tác quản lý nợ công giai đoạn 2016-2019 đã đạt nhiều kết quả tích cực, nợ công được kiểm soát tốt. Tốc độ tăng dư nợ công giảm hơn một nửa, chỉ khoảng 7,9%/năm trong giai đoạn 2016-2019 so với giai đoạn 2011-2015 là 18,1%/năm. Vì thế, tỉ lệ nợ công so với GDP các năm qua đều giảm và giảm rất sâu, duy trì trong ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt. Năm 2016 tỉ lệ nợ công là 63,7% GDP, nhưng đến cuối năm 2019 dự kiến là khoảng 55% GDP.

Ngành tài chính đã rất nỗ lực cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ. Nợ Chính phủ chủ yếu là các khoản phát hành trái phiếu tại thị trường vốn trong nước và các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Cơ cấu vay chuyển dịch dần theo hướng tăng vay trong nước giảm rủi ro tỉ giá, hỗ trợ phát triển thị trường vốn trong nước. Nếu năm 2011 dư nợ vay nước ngoài chiếm hơn 61% dư nợ Chính phủ thì đến nay đã đảo chiều, tỉ trọng vay trong nước dự kiến cuối năm 2019 đạt 62,3% tổng dư nợ của Chính phủ (năm 2016 là 60,1%). Kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) bình quân tăng áp lực vay đảo nợ giảm mạnh.

Lãi suất đi vay đã giảm sâu. Nếu như những năm 2011-2013 có những khoản vay 12-13%/năm, kỳ hạn vay 3 năm, thì bình quân 12 tháng đầu năm 2019 là 4,51%/năm, giảm mạnh từ mức 12,01% bình quân năm 2011. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Nhà đầu tư trái phiếu đã đa dạng hơn, chúng ta có quyền lựa chọn nhà đầu tư. Nếu như giai đoạn trước vay từ ngân hàng thương mại chiếm 78-80% thì đến nay chỉ còn khoảng 40%, còn lại là các nhà đầu tư dài hạn khác như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… Việc nhiều nhà đầu tư tham gia sẽ tăng tính cạnh tranh, hạ lãi suất, góp phần ổn định, phát triển thị trường TPCP cả chiều rộng và chiều sâu.

Nợ công được kiểm soát tích cực hơn và dường như không còn là “vấn đề đau đầu”. Với những kết quả đạt được, hứa hẹn trong thời gian tới, nợ công sẽ tiếp tục giảm, cơ cấu nợ bền vững hơn, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh Doing Business 2020, chỉ số nộp thuế đã tăng điểm. Xin Bộ trưởng đánh giá về những kết quả cải cách hành chính của ngành?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bộ Tài chính luôn coi cải cách thể chế là khâu đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), việc này gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính.

Tôi đã quán triệt chủ trương cải cách theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thủ tục hành chính (TTHC) mới, giảm bớt bước trung gian không cần thiết, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân, DN. Bộ đã triển khai vận hành hiệu quả bộ phận một cửa, đảm bảo giải quyết 100% hồ sơ đúng hạn. Năm 2019, đã bãi bỏ 49 thủ tục, đơn giản hoá 23 thủ tục; cắt giảm 129 điều kiện kinh doanh thuộc 16 ngành nghề lĩnh vực quản lý.

Công tác hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng CNTT được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Bộ Tài chính luôn là Bộ dẫn đầu trong khối các bộ, ngành về ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, hiện nay đã thực hiện cung cấp 504 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4.

Đặc biệt, đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong lĩnh vực thuế, hải quan. Khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử tại 100% Cục Thuế, Chi cục Thuế với trên 99% DN tham gia; trên 93% DN hoàn thuế điện tử; thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Đã kết nối 188 TTHC của 13 bộ, ngành trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia với trên 2,74 triệu hồ sơ của gần 34.000 DN tham gia; đồng thời trao đổi thông tin C/O mẫu D với 6 nước ASEAN; nâng cấp hệ thống VNACCS/VCIS và các hệ thống xử lý tập trung ngành hải quan, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại các cảng biển.

Về chỉ số CCHC do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố, Bộ Tài chính xếp thứ 2/18 bộ, cơ quan ngang bộ. Về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT, Bộ Tài chính 7 năm liên tiếp (từ năm 2013-2019) dẫn đầu bảng xếp hạng khối các bộ, ngành do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam đánh giá; chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh năm 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố đã có sự cải cách mạnh mẽ và tăng bậc xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số (tăng 22 bậc từ thứ 131 lên 109/190 quốc gia). Mức độ hài lòng của DN về TTHC thuế năm 2019 đạt gần 78% (tăng 3 điểm % so với cuộc khảo sát năm 2016 và tăng 7 điểm % so với năm 2014)…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những điểm tồn tại hạn chế. Với vai trò người đứng đầu, xin Bộ trưởng chia sẻ về những trăn trở của mình. Ngành tài chính cần làm gì thời gian tới để hoàn thành các mục tiêu cơ bản của nhiệm kỳ và thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia trong giai đoạn tới?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Quả thực không thể phủ nhận một số hạn chế và khó khăn như: Tỉ lệ huy động từ thuế, phí, lệ phí vẫn cần phải cố gắng để đạt yêu cầu; thu ở một số địa bàn trọng điểm còn khó khăn. Tỉ trọng chi thường xuyên đang giảm nhưng còn chậm; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN nhà nước còn nhiều khó khăn, tiến độ thực hiện chậm; giải ngân vốn đầu tư công chưa mấy cải thiện, ảnh hưởng tới hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế; thiên tai, dịch bệnh phát sinh “tiêu tốn” không ít nguồn lực của ngân sách… Đây là những rào cản lớn đòi hỏi sự nỗ lực tập trung của toàn ngành tài chính và sự ủng hộ, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương để từng bước khắc phục.

Trên cơ sở Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, đánh giá kết quả thực hiện NSNN năm 2019 và giai đoạn 2016-2019, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2020, với tinh thần phấn đấu tích cực, khả thi, Chính phủ trình dự toán NSNN năm 2020 và Quốc hội thông qua. Theo đó, dự toán thu NSNN năm 2020 là 1.512,3 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN là 22,2% GDP, từ thuế, phí là 19,4% GDP. Dự toán chi NSNN là 1.747,1 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi là 3,44% GDP. Đến cuối năm 2020, dự kiến nợ công là 54,3% GDP, nợ Chính phủ là 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5% GDP.

Để đạt được mục tiêu đề ra, năm 2020, Bộ Tài chính ưu tiên tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, ưu đãi về đất đai, tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động, đặc biệt các lĩnh vực thuế, hải quan, KBNN, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước mắt cũng như lâu dài, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về NSNN, từng bước cơ cấu lại thu-chi NSNN, tăng tỉ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công; kiểm soát chặt chẽ và từng bước cơ cấu lại nợ công; tăng cường thanh kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, bảo đảm thu đầy đủ các khoản thuế, phí, lệ phí vào NSNN; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế...

Năm 2020 là năm có nhiều ngày lễ, kỷ niệm và các sự kiện chính trị quan trọng. Đây cũng là dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống ngành tài chính, năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020). Tôi tin tưởng rằng, với kết quả đạt được, với bề dày truyền thống và sự đồng lòng, quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, toàn ngành tài chính sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!