20/04/2024 lúc 08:17 (GMT+7)
Breaking News

Ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng 2,02%

VNHN - Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi họp báo thường kỳ quý III/2019.

VNHN - Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi họp báo thường kỳ quý III/2019.

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp; khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc thay đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc...

Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao. Toàn ngành duy trì tăng trưởng khá đạt 2,02%, đã góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước; trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%. Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng, như: Thịt trâu đạt 70,5 nghìn tấn, tăng 3,1%; thịt bò đạt 264,9 nghìn tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 931,4 nghìn tấn, tăng 13,5%; trứng đạt 9,2 tỷ quả, tăng 10,0%; sữa tăng 9,3%,...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo.

Về những khó khăn mà xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp phải, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Giá gạo 5% tấm xuất khẩu hiện đang ở mức 330 USD/tấn. Ngay từ cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã xác định năm nay xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn về thị trường. Khó khăn nhận thức rõ là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn trị giá. 

Với thị trường Trung Quốc, hiện nay có thêm các nước tham gia cung cấp gạo cho Trung Quốc. Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Ngoài ra, có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ. Bên cạnh đó, vấn đề còn là một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc chưa đạt được kiểm tra an toàn chất lượng.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo tại thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn. Tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350-360 USD/tấn. Khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo chủ yếu bắt nguồn từ khó khăn tại thị trường tỷ dân Trung Quốc, đặc biệt khi xuất khẩu qua đường biên mậu. Lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao. Gần đây, Trung Quốc liên tục xả kho gây khó khăn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo cho Trung Quốc, điển hình là thị trường Myanmar, Campuchia.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn thế giới chậm lại nên nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cũng giảm đi; đồng thời các quốc gia cũng cố gắng chủ động một phần. Ngoài ra, các hàng rào kỹ thuật, phải đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng là yếu tố gây khó khăn cho gạo Việt.

Về những lo ngại dịch tả lợn châu Phi hoành hành thời gian qua khiến cho nguồn cung thịt lợn giảm, đẩy giá thịt lợn lên cao, ông Nguyễn Đức Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả, do đó số lợn nhiễm bệnh và bị tiêu hủy giảm rõ rệt so với thời kỳ đầu phát dịch. Ở thời điểm này, dịch đã có xu hướng giảm và nhiều địa phương đã công bố hết dịch, đang triển khai tái đàn và thực hiện tái đàn áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Song song với đó, các địa phương cũng triển khai chuyển đổi, gia tăng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… để thay thế sản lượng thịt lợn bị thiếu hụt. Do đó, hoàn toàn không lo sẽ thiếu thịt từ nay đến cuối năm.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, cùng với nỗ lực của lực lượng chuyên ngành và địa phương, dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã giảm so với trước. Đến nay cả nước đã tiêu hủy 5,5 triệu con lợn, sản lượng thịt lợn giảm 8%. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo rất cụ thể, sát sao và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đã phát huy hiệu quả, dịch bệnh có xu hướng giảm trong 4 tháng qua, góp phần quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, duy trì sản xuất chăn nuôi lợn.

Về dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, ngay từ khi dịch bùng phát, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Bộ NN&PTNT đã ban hành hơn 60 văn bản nhằm triển khai thực hiện phòng chống dịch đồng thời thực hiện hoàn thiện các cơ chế chính sách triển khai xuống từng địa phương. Bộ NN&PTNT đã thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát xuống từng địa phương để kiểm soát công tác phòng chống dịch, đảm bảo các chính sách được triển khai một cách minh bạch.  Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt việc chống dịch và đang thực hiện tái đàn bằng an toàn sinh học. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu chắc chắn hậu quả lớn hơn rất nhiều”.