17/04/2024 lúc 02:13 (GMT+7)
Breaking News

Ngành nông nghiệp đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng

VNHN – Năm 2019 ngành nông nghiệp đã cán mốc 3 (trong 4) mục tiêu lớn, đó là: Tiêu chí về xuất khẩu, tỉ lệ che phủ rừng, các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng tăng trưởng GDP chỉ 2,2% “chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

VNHN – Năm 2019 ngành nông nghiệp đã cán mốc 3 (trong 4) mục tiêu lớn, đó là: Tiêu chí về xuất khẩu, tỉ lệ che phủ rừng, các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng tăng trưởng GDP chỉ 2,2% “chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.


Cần tháo gỡ các vướng mắc về đất đai để có vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa nông nghiệp 


Các giải pháp tập trung tái cơ cấu nông nghiệp

Chiều ngày 23/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết ngành NN&PTNT năm 2019. Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đổi mới cơ chế chính sách hỗ trợ thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng ưu tiên tháo gỡ chính sách đất đai, phát triển thị trường quyền sử dụng đất tạo thuận lợi hơn cho tích tụ, tập trung đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Riêng vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn quy định “Ngân sách trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hằng năm cho ngành nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hằng năm cho ngành nông nghiệp”.

Tuy nhiên, thực tế đến nay ngân sách Trung ương cũng như địa phương hầu như chưa được phân bổ hoặc rất ít để hỗ trợ cho doanh nghiệp; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương có kế hoạch cân đối bố trí nguồn lực thực hiện theo quy định của Nghị định...

Chủ động rà soát, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, cơ cấu sản xuất phù hợp, dựa trên lợi thế, thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng để thặng dư thương mại nông lâm thủy sản tăng cao.

Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với với năm 2018, riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11 tỷ USD, tăng gần 20%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 9,9 tỷ USD, tăng 14%, cao hơn 1,12 tỷ USD so với năm 2018.

Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 5 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; cà phê; hạt điều).

Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hong Kong; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ.

Lô sữa đầu tiên được xuất vào Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hong Kong (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hong Kong.

Đối với lĩnh vực thủy sản, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng cá da trơn Việt Nam, giảm thuế nhập khẩu cá tra, tôm từ nước ta vào Mỹ hầu hết ở mức 0%; Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu chính ngạch 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến từ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc phê chuẩn và triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đạt mục tiêu xuất khẩu

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Năm 2019, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; vượt qua thách thức, khai thông thị trường xuất nhập khẩu; môi trường đầu tư được cải thiện, sức cạnh tranh quốc gia của nông sản hàng hóa có nhiều tiến bộ…

Cụ thể, toàn ngành đã hoàn thành và vượt 3/4 chỉ tiêu gồm: Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản (NLTS) ước đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt mức cao 10,4 tỷ USD, tăng 19,3%; tỉ lệ che phủ của rừng đạt 41,85%; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 54%, có 111 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

“Chỉ tiêu đạt thấp là tăng trưởng GDP 2,2%, chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm khoảng 1,1% tăng trưởng toàn ngành”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói. Dù vậy, vị “tư lệnh” ngành cũng thừa nhận còn những hạn chế, khó khăn và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo…

Thứ hai, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm...

Thứ ba, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt dịch tả lợn châu phi đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp.

Thứ tư, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền khá lớn. Nhiều vùng thấp hơn mặt bằng chung cả nước, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả...

Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: Kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Theo đó, toàn ngành đặt chỉ tiêu năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS khoảng 2,9-3,05%; kim ngạch xuất khẩu NLTS trên 42 tỷ USD; thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp; cả nước có 17.000 hợp tác xã nông nghiệp…