19/03/2024 lúc 10:35 (GMT+7)
Breaking News

Ngành GD&ĐT Yên Bái: Thực hiện thành công 09 nhóm nhiệm vụ và 05 giải pháp chủ yếu năm học 2020 - 2021

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, tuy nhiên ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch thời gian năm học.

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021, tuy nhiên ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch thời gian năm học.

Bên cạnh việc thực hiện thành công 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2020 - 2021 toàn ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên cơ sở kế thừa những kết quả của Đề án giai đoạn 2016 - 2020, gắn với kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, đáp ứng các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kết quả toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 130 trường, giảm 478 điểm trường; tăng 29 lớp, tăng 24.687 học sinh, tăng 11.061 học sinh bán trú.

 
Đồng chí Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Giáo dục

phát biểu chỉ đạo trong đợt chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Yên Bái.

Cùng với sắp xếp trường lớp, trong năm học đã thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí, sử dụng đội ngũ, ở các môn học, cấp học theo hướng tinh gọn, hiệu quả đảm bảo ưu tiên bố trí đủ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày iđối với lớp 1 và giáo dục tiểu học theo quy định. Liên tục tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên 80% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên. Trong năm đã triển khai thực hiện công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng; Tổ chức phát động phong trào “Thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc” trong ngành giáo dục và đào tạo; liên tục bồi dưỡng nâng cao đạo đức nhà giáo, thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, đặc biệt trong công tác bồi dưỡng thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.

 
Đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Yên Bái báo cáo tóm tắt kết quả tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại tỉnh Yên Bái.

Toàn ngành nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích. Huy động các nguồn lực duy trì, nâng cao tỷ lệ trẻ được ăn bán trú và chất lượng bữa ăn cho trẻ; phối hợp gia đình nhà trường, xã hội trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động trẻ ra nhóm, lớp tăng hơn so với năm học trước. 178/179 trường mầm non được cấp chứng nhận trường học an toàn phòng tránh tai nạn thương tích (đạt 99,4%). 100% trẻ được đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần và được khám sức khỏe định kỳ, được cân đo, chấm biểu đồ theo dõi sự phát triển của trẻ theo quy định. Chất lượng giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến. Khối lớp 1 thực hiện theo Chương trình GDPT 2018 có trên 97% học sinh được đánh giá hoàn thành trở lên với môn Tiếng Việt và môn Toán. Với khối 2, 3, 4, 5 tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành trở lên đạt trên 99%. Giáo dục trung học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong CTGDPT hiện hành; hướng dẫn triển khai giáo dục STEM; đổi mới kiểm tra đánh giá, tiếp cận với CTGDPT 2018. Ở bậc THCS tỷ lệ xếp loại học lực khá, giỏi tăng hơn so với năm học trước với 44,5%. Ở THPT, 62,8% học sinh được xếp loại học lực khá giỏi, tăng hơn so với năm học trước trên 3%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được giữ vững. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới có nhiều kết quả tích cực. Ngành đã tích cực tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ngành, các địa phương chuẩn bị về cơ sở vật chất, đội ngũ; đảm bảo nhu cầu tối thiểu về phòng học, thiết bị, ưu tiên bố trí phòng học đảm bảo 1 phòng/lớp để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 100% học sinh lớp 1 đều có đầy đủ sách giáo khoa để học tập. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã tham mưu xây dựng Đề án “Triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018” để triển khai thực hiện 1 cách bài bản, có lộ trình, kế hoạch chi tiết. Trong đó, tập trung triển khai đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển hphẩm chất, năng lực của học sinh; tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học tập trung vào đổi mới PPDH và KTĐG học sinh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng các nguồn học liệu, giáo dục STEM... Đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học. Công tác giáo dục dân tộc được quan tâm, chú trọng. Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ chính sách đối với người dạy, người học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đặc biệt là chế độ chính sách đối với CBQL, GV, học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT; chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số rất ít người. Nhờ đó, chất lượng giáo dục tại các rường PTDTNT và PTDTBT trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ học sinh khá giỏi cao hơn năm học trước, giáo dục mũi nhọn có nhiều kết quả cao.

 
Đồng chí Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT, trưởng Đoàn kiểm tra, phát biểu chỉ đạo

về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT năm 2021 tại huyện Văn Yên.

Chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được nâng lên. Việc xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong nhà trường được đẩy mạnh, 100% trường phổ thông tổ chức thực hiện lồng ghép tiếng Anh trong giờ chào cờ đầu tuần và các hoạt động ngoại khóa; nhiều trường xây dựng phong trào “giáo viên và học sinh cùng học tiếng Anh”; 85% trường tạo được không gian Anh ngữ trong khuôn viên trường, lớp học; triển khai xây dựng bộ tài liệu  song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh giới thiệu về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa đặc sắc của địa phương; tổ chức cuộc thi Hùng biện tiếng Anh cho học sinh theo hình thức sân khấu hóa. Toàn tỉnh có 104/184 trường tổ chức dạy học môn tiếng Anh; tỷ lệ học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học tiếng Anh là 33,2%. Trong đó, chương trình thí điểm Tiếng Anh tiểu học được tổ chức tại 50 trường, 397 lớp, 13.215 học sinh học (trong đó tính cả các trường vừa dạy 2 tiết và 4 tiết/tuần). Đối với Trung học, toàn tỉnh có 74 trường, trong đó có 55 trường THCS và 19 trường THPT học chương trình tiếng Anh 10 năm, còn lại học chương trình tiếng Anh 7 năm. Triển khai dạy học bằng tiếng Anh đối với môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên và triển khai thực hiện thí điểm dạy học Ngoại ngữ 2 môn Tiếng Trung tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành với 1 lớp, 35 học sinh. Bên cạnh đó, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh, trong năm học đã tổ chức bồi dưỡng về sử dụng thiết bị dạy học công nghệ cao cho 152 giáo viên, bồi dưỡng về tổ chức lớp học không biên giới cho 30 giáo viên; 300 giáo viên tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và nghiệp vụ sư phạm theo chương trình của Đề án ngoại ngữ quốc gia năm 2020; 100% giáo viên tiếng Anh cấp THCS tham gia tập huấn sử dụng SGK tiếng Anh lớp 6 theo CT GDPT 2018.

Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT đã tích cực triển khai, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; cơ sở dữ liệu ngành đã được triển khai tập trung, đồng bộ thống nhất trong toàn tỉnh. Nhiều cơ sở giáo dục triển khai ứng dụng CNTT kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường. Sở GD&ĐT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Viettel Yên Bái, và VNPT Yên Bái trong việc hỗ trợ ngành xây dựng hạ tầng kết nối Internet trường học, xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn Ngành và triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai xây dựng một số phần mềm chuyên biệt phục vụ các lĩnh vực quản lý giáo dục. Trong thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh COVID-19 có 33,9% học sinh THCS, 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Chất lượng dạy học trực tuyến đã được nâng cao, các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến.

 
Công tác phòng, chống dịch Covid - 19 luôn được kiểm soát chặt chẽ. Trước khi vào dự thi các em học sinh

đều đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và sát khuẩn tay.

Trong năm học, Sở GD&ĐT đã tích cực đổi mới quản lí giáo dục theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục; đề cao tinh thần đổi mới và sáng tạo trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục. Tăng quyền chủ động của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục gắn với việc nâng cao năng lực quản lý nhà trường của đội ngũ cán bộ quản lý. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ và trách nhiệm giải trình của CBQL các cấp. Việc rà soát, công bố, công khai và tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện kịp thời; tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng theo các quy định của Nhà nước.

Các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức du học, tập huấn bồi dưỡng được tăng cường. Thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án hợp tác quốc tế; tiếp tục triển khai các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức phi chính phủ …vận dụng có chọn lọc, sáng tạo kinh nghiệm của các mô hình giáo dục tiên tiến; khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, trong năm học các đơn vị trường học được tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD&ĐT. Toàn ngành đã triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025; kế hoạch đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 gắn với kế hoạch xây dựng nông thôn mới. Năm học 2020-2021, có 263 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 59,4%; tăng 22 trường so với năm học trước.

 
Đồng chí Vương Văn Bằng- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại Trường TH&THCS Văn Phú Thành phố Yên Bái.

Với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Sở đã xây dựng và trình tỉnh phê duyệt Đề án phát triển trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt là bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo thông qua hợp tác với các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục có chất lượng cao của nước ngoài về trao đổi học sinh, giáo viên, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy, quản lý. Chỉ đạo một số cơ sở giáo dục phổ thông có điều kiện chủ động, mở rộng hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện để nhà giáo, học sinh tiếp xúc với môi trường đào tạo tiến tiến, hiện đại...

Để thực hiện thành công 09 nhóm nhiệm vụ của năm học, toàn ngành đã thực hiện nghiêm túc 05 giải pháp chủ yếu của năm học. Qua đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, thực hiện những bước chiến lược phát triển giáo dục dài hơi của tỉnh. Kết quả này là tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh, cho đất nước.