20/04/2024 lúc 19:17 (GMT+7)
Breaking News

Ngân hàng và doanh nghiệp phối hợp tích cực cùng phát triển

VNHN - Điểm sáng xuyên suốt hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua là tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

VNHN - Điểm sáng xuyên suốt hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua là tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Giao dịch tại  một chi nhánh Ngân hàng Agribank

Theo các chuyên gia mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp là cộng sinh. Bởi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là gỡ khó cho nhà băng.

Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp tìm đến ngân hàng mà các ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt, tìm hiểu nguyên nhân khó khăn trong sản xuất kinh doanh, trong trả nợ ngân hàng, từ đó cùng tìm giải pháp tháo gỡ để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp sử dụng vốn vay hiệu quả.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Cần Thơ) cho biết, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2010 với quy mô rất nhỏ, ban đầu hoạt động chủ yếu là thu mua và bán lại. Đến năm 2015 công ty mới bắt đầu mở rộng quy mô, đầu tư nhà máy nhằm mục đích khép kín quy trình từ thu mua đến chế biến nông sản xuất khẩu. Đó là thời điểm công ty khó khăn nhất do phải đầu tư mua sắm tài sản khá lớn, dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.

“Lúc đó, tôi rất cần tìm nguồn tài trợ cho dự án của mình nhưng các ngân hàng cũng khá dè dặt trước tình hình của công ty vì khi đó chúng tôi chẳng có gì ngoài tâm huyết làm nghề. Tuy nhiên, nhờ VietinBank, tôi đã thực hiện được dự định là đầu tư hoàn chỉnh nhà máy. Sau 5 năm gắn bó với ngân hàng này, doanh thu Ngọc Quang Phát từ chỉ vài chục tỷ đồng thì đến hết năm 2018 đã đạt gần 2.000 tỷ đồng,” bà Huyền chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có được kết quả tốt đẹp khi đến với ngân hàng. Một lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội cho biết, dù đã có nhiều doanh nghiệp đã được ngân hàng hỗ trợ từ vốn vay đến phương thức quản lý nhưng hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn vướng tài sản thế chấp. Nguyên nhân là vì khối doanh nghiệp này có doanh số không cao, tài sản ít...

Chính vì vậy, ngân hàng cần cởi mở vấn đề này. Chẳng hạn, đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu đàn, có sản phẩm tốt, năng lực tốt thì nên cho vay tín chấp. Với doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ, cũng cần có chính sách riêng cho vay ngoại tệ để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thế giới. Vì để mang những sản phẩm Việt vào những thị trường có tiêu chuẩn cao như Mỹ, EU, Nhật Bản… rất khó, doanh nghiệp nào làm được cần phải khuyến khích.

Trên thực tế, trong thời gian qua Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại đã có rất nhiều chương trình ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất từ 6% - 6,5%/năm.

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố góp phần quan trọng trong việc triển khai các chương trình cho vay, tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng là rất cần thiết.

Cũng theo ông Hùng, đối với các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước, cần tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng cường triển khai các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá và giá cả hàng hóa nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu phòng ngừa rủi ro trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.