29/03/2024 lúc 14:26 (GMT+7)
Breaking News

Ngăn chặn việc mua bán chất phụ gia không bảo đảm chất lượng

VNHN - Mặc dù đã có nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động mua bán, sử dụng hóa chất, chất phụ gia không bảo đảm chất lượng trong chế biến thực phẩm, nhưng hiện nay trên thị trường Hà Nội, nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí bị cấm vẫn được bày bán. Công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng thiếu triệt để, thậm chí bị buông lỏng…

VNHN - Mặc dù đã có nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động mua bán, sử dụng hóa chất, chất phụ gia không bảo đảm chất lượng trong chế biến thực phẩm, nhưng hiện nay trên thị trường Hà Nội, nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí bị cấm vẫn được bày bán. Công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng thiếu triệt để, thậm chí bị buông lỏng…


Ảnh minh họa

Tại một số chợ của Hà Nội như: chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Nghĩa Tân, chợ Hà Đông có rất nhiều các sản phẩm hóa chất, phụ gia trôi nổi bày bán. Mặc dù, tại các chợ đều treo băng-rôn, khẩu hiệu hưởng ứng các hành động bảo đảm an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… tuy nhiên những mặt hàng phụ gia không rõ nguồn gốc, hàng cấm vẫn được bày bán.

Cầm trên tay gói bột vừa mua tại chợ Đồng Xuân, chị Lê Thanh Phương, trú tại quận Long Biên (Hà Nội) cho chúng tôi biết, đây là loại phụ gia bảo quản các loại thịt, cá tươi ngon trong thời gian dài và là mặt hàng được phép sử dụng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chất phụ gia đó thực chất là bột diêm tiêu, một loại hóa chất độc hại đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Hiện nay, trên thị trường phổ biến hai loại bột diêm tiêu là bột diêm trắng và bột diêm vàng.

Trong đó, bột diêm trắng với giá 100 nghìn đồng/kg có thể sử dụng làm tươi thịt, giữ mầu hồng, đỏ cho thịt. Chất phụ gia này thường được dùng trong chế biến xúc xích, lạp xưởng, giăm bông… để sản phẩm bảo quản lâu hơn. Còn bột diêm vàng với giá 60 nghìn đồng/kg thường sử dụng để làm trắng sản phẩm, sấy sản phẩm tránh nấm mốc… Tất cả các sản phẩm nêu trên đều không có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng theo quy định.

Không chỉ bày bán các phụ gia độc hại tại các chợ lớn ở Hà Nội mà tại các vùng nông thôn, trong các chợ dân sinh, sản phẩm phụ gia thực phẩm được bày bán công khai, phổ biến nhất như mỳ chính, đường hóa học, chất làm nhừ, gia vị lẩu, cho đến những phụ gia, hương vị, phẩm mầu độc hại để chế biến các loại thức ăn đường phố. Đáng chú ý trên các trang bán hàng trực tuyến (online), những hóa chất, chất phụ gia thực phẩm cũng được rao bán tràn lan. Người mua hàng chỉ cần click vào trang web đó là đã có thể đặt hàng mua những chất mình cần, kể cả hóa chất dùng trong công nghiệp hay trong chế biến thực phẩm cũng đều có sẵn.

Thực tế cho thấy, hầu hết các chất phụ gia độc hại được thẩm lậu vào Việt Nam bằng nhiều hình thức, nhưng chủ yếu thông qua đường tiểu ngạch. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện xử lý nhưng tình trạng vận chuyển, mua bán các chất phụ gia độc hại vẫn diễn ra. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, lượng hàng hóa bị thu giữ nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng đang hằng ngày thẩm lậu vào Việt Nam.

Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, việc sử dụng các loại phụ gia trong chế biến thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là dùng phụ gia công nghiệp trong chế biến thực phẩm gây tác hại khôn lường cho sức khỏe con người. Mặc dù liều lượng rất nhỏ nhưng khi sử dụng thường xuyên và liên tục, một số phụ gia thực phẩm sẽ tích lũy trong cơ thể gây tổn thương lâu dài. Việc sử dụng phụ gia thực phẩm bị cấm có thể gây chứng ngộ độc mãn tính như: sút cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mãn tính, trí tuệ giảm sút, có nguy cơ hình thành khối u, ung thư, đột biến gien…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian qua, tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nhiều vụ ngộ độc tập thể. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.300 người mắc, trong đó có chín người tử vong. Bộ Y tế cảnh báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, nhu cầu chế biến thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân tăng cao, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao.

Để xử lý tình trạng mua bán, sử dụng hóa chất, phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm. Tăng chế tài xử phạt những hành vi vi phạm, thậm chí xử lý hình sự đối với những trường hợp mua bán số lượng lớn, các trường hợp sử dụng chất phụ gia độc hại gây hậu quả nghiêm trọng, tạo sức răn đe, ngăn chặn hành vi vi phạm.