29/03/2024 lúc 21:28 (GMT+7)
Breaking News

Ngải Thầu – Biển mây vùng biên cương

Ngải Thầu là một địa điểm săn mây lý tưởng cho những người đam mê khám phá; thuộc xã vùng cao biên giới A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Ngải Thầu là một địa điểm săn mây lý tưởng cho những người đam mê khám phá; thuộc xã vùng cao biên giới A Lù, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Với những tiềm năng và thế mạnh vốn có, UBND huyện và người dân Bát Xát đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch để đưa huyện Bát Xát trở thành một trong những điểm du lịch trọng điểm của tỉnh Lào Cai. 

Theo Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của UBTV Quốc hội; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 -2021; UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lấy ý kiến của cử tri trên địa bàn xã Ngải Thầu và xã A Lù về việc sáp nhập 02 xã của huyện Bát Xát thành 01 xã, lấy tên đơn vị hành chính mới là xã A Lù.

A Lù cách trung tập huyện 100km về phía Tây Bắc, phía Đông giáp với xã A Mú Sung, phía Tây và phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Nam giáp xã Y Tý. Khí hậu ôn đới, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ - kỳ vĩ, biển mây vờn quanh những dãy núi trập trùng dưới thung lũng Thiên Sinh mờ ảo, chính là điểm đặc biệt của riêng Ngải Thầu. 

Ngải Thầu nằm trên núi Ma Cha Va, là một trong những thôn cao nhất của tỉnh Lào Cai, cách khoảng 2100m so với mực nước biển, tập chung tại đây chủ yếu là người H’Mông, người Hà Nhì... Ngải Thầu không chỉ gây ấn tượng bởi những gam màu đa sắc của những thửa ruộng bậc thang, mà còn gây vương vấn với ánh nắng sớm nhẹ nhàng xuyên qua biển mây để chiếu rọi khắp bản làng. 

Biển mây Ngải Thầu - Ảnh sapakitetravel.com

Hiện, Ngải Thầu vẫn đang trên con đường phát triển du lịch, nơi đây chưa có sự tác động của con người vào cảnh quan thiên nhiên; chính vì vậy, tất cả cảnh quan nơi đây cũng như những nếp sống, nét văn hóa và phong tục vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. 

Đến với Ngải Thầu, du khách chắc chắn sẽ phải trầm trồ trước nét đẹp của những biển mây trắng bồng bềnh lấp đầy các thung lũng; thêm vào đó là cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh những đám mây di chuyển về bản như những con sóng tiến đến, nhẹ nhàng cuốn bản làng vào lòng, tất cả tạo nên khung cảnh một vùng núi biên cương đẹp như một bức tranh thủy mặc - vẻ đẹp nao lòng với bất kì du khách nào đặt chân tới.

Nhà Trình Tường - Ảnh kinhnghiemditour.com

Mùa đông ở Ngải Thầu tương đối khắc nghiệt, nhiệt độ có khi xuống âm độ, tại đỉnh Ma Cha Va còn có xuất hiện tuyết rơi có khi dày đến hơn 1m; Mặc dù điều kiện khí hậu mùa đông tương đối khắc nghiệt nhưng cũng như con người nơi đây- Tống quá sủ một loại cây đại diện cho Ngải Thầu vẫn âm thầm, chậm rãi, bền bỉ sức sống để vươn nên. Vì đặc điểm khí hậu đặc trưng nên người Mông ở Ngải Thầu Thượng không cấy được lúa mà chỉ trồng được một vụ ngô mỗi năm; họ chăn nuôi theo hướng thả rông trong rừng các loại dê, lợn, gà.

Mùa săn mây lý tưởng ở Ngải Thầu là mùa Đông và mùa Xuân, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Săn mây trên đỉnh trời Tây Bắc là hoạt động thu hút đông đảo những người đam mê xê dịch; mỗi khoảnh khắc tại đây thay đổi liên tục, không lúc nào giống lúc nào khiến cho những ai chưa đến thì thèm thuồng, đến rồi thì lại ước ao được quay lại lần nữa.

Các nhiếp ảnh gia hay các dân phượt đi săn mây, săn tuyết, chụp ruộng bậc thang mùa nước đổ hay mùa gặt đều không thể bỏ qua Ngải Thầu; một địa điểm lý tưởng để tạo nên những tác phẩm xuất sắc và những trải nghiệm thú vị. Người dân bản địa nơi đây luôn tự hào với Ngải Thầu 03 nhất: Mây Ngải Thầu đẹp nhất, tuyết Ngải Thầu rơi dày nhất và ruộng bậc thang Ngải Thầu đẹp nhất. Bên cạnh đỉnh Ngải Thầu Thượng, Ngải Thầu Hạ cũng gây ấn tượng mạnh với những thung lũng ruộng bậc thang, ruộng bậc thang mùa nào cũng đẹp đến nao lòng; mùa nước đổ, những ngày nắng cả thung lũng như được dát bạc; mùa gặt thì bậc nối bậc, miên man một màu vàng óng ả.

Ngải Thầu mùa vàng - Ảnh dulich.tuoitre.vn

Điều níu chân mỗi du khách khi đến Ngải Thầu không chỉ là những cảnh đẹp mà còn là vì bản tính chân chất, thật thà, nhiệt tình và vô cùng nồng hậu mến khách của người dân tộc H’Mông nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ, mỗi khi có du khách phương xa ghé thăm, họ đều luôn được chào đón bằng những tình cảm chân thành, nồng hậu nhất đã tạo nên một bản sắc riêng của con người vùng cao nơi đây.

Đường đến săn mây Ngải Thầu tương đối quanh co khó đi, nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đường đã được đầu tư bê tông hóa, phát triển nông thôn mới đẹp và thuận lợi hơn cho bà con đi lại cũng như du khách đến với Ngải Thẩu sẽ dễ dãng, thuận lợi cho việc di chuyển, trải nghiệm tại nơi đây. Mỗi dịp xuân về, đường đến nơi đây hoa đào luôn nở rực sắc hồng, đẹp tựa bức tranh chào đón du khách đến với Ngải Thầu.

Đường đi Ngải Thầu, Bát Xát - Ảnh wwwflickr.com

Khi đến với Ngải Thầu, du khách ắt hẳn sẽ muốn trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, giản dị nơi biên ải, nhưng cũng mang đậm nét văn hóa truyền thống và nếp sống trân tình của người dân tộc H’Mông bản địa. Du lịch Ngải Thầu tuy chưa được nổi tiếng như những địa điểm khác, nhưng vùng đất này hứa hẹn sớm sẽ là một địa danh thu hút đông đảo du khách đến tham quan và trải nghiệm.

Với tất cả tiềm năng vốn có, cùng với Y Tý đây là hai điểm du lịch tiềm năng và trọng điểm của huyện Bát Xát được Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá 2020-2025 thông qua về việc phát triển du lịch tuyến Thành phố Lào Cai - Ngải Thầu - Y Tí - Sapa.

Săn mây Y Tý - Ảnh vtbay.vn

Với chiến lược phát triển và tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy kinh tế và biến các tiềm năng, lợi thế của Bát Xát thành nguồn thu ngân sách cho địa phương, nhiều dự án quan trọng đang được triển khai đồng bộ tại Bát Xát như: Chợ trung tâm huyện, xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực Biên giới Bát Xát (Việt Nam) – Bá Sái (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc)...Với quyết tâm cao nhất cùng sự đoàn kết, đồng lòng giữa các cấp chính quyền và người dân các dân tộc trong huyện, Bát Xát xác định phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc vùng miền kết hợp với thế mạnh là những lễ hội văn hoá truyền thống của các dân tộc như: Lễ hội xuống đồng của dân tộc Giáy, lễ hội Pút Tồng và Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc Mông, lễ hội Khô Già và lễ Gạ Ma Do của người Hà Nhì,.. sẽ sớm đưa Bát Xát trở thành một điểm du lịch lý thú và hấp dẫn đối với các du khách trong và ngoài nước sau khi đại dịch Covid- 19 được khống chế toàn diện./.