19/04/2024 lúc 18:17 (GMT+7)
Breaking News

Nét đẹp truyền thống văn hóa Lễ hội Lam Kinh năm 2019 trên mọi miền xứ Thanh

Nhằm tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sỹ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Thanh. Lễ hội Lam Kinh năm 2019 Khai mạc chính Lễ được tổ chức vào sáng ngày 20-9-2019 (tức 22-8 năm Kỷ Hợi) tại sân rồng, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa

VNHN - Nhằm tôn vinh Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các tướng sỹ và nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Thanh. Lễ hội Lam Kinh năm 2019 Khai mạc chính Lễ được tổ chức vào sáng ngày 20-9-2019 (tức 22-8 năm Kỷ Hợi) tại sân rồng, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Lễ hội Lam Kinh năm 2019, kỷ niệm 601 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 591 năm vua Lê đăng quang và 586 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, là sự kiện văn hóa được tổ chức với quy mô cấp tỉnh tại khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh diễn ra trong thời gian 3 ngày 19, 20 và 21/9.2019 (tức ngày 21,22,23/8 ÂL năm kỷ Hợi). Nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, trong các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh . Đây cũng là dịp để tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút các nhà đầu tư về với Thanh Hóa.

Sân khấu lớn của buổi lễ

Bên cạnh phần lễ tại lăng mộ khu di tích, các đền thờ, các tòa miếu ở Thanh Hóa, phần hội có ý nghĩa cao về nội dung và nghệ thuật, gắn với tuyên truyền, giáo dục lịch sử, đồng thời giảm thiểu sân khấu hóa, tăng cường các hoạt động nghệ thuật dân gian truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; các trò chơi, trò diễn dân gian như: diễn trò Xuân Phả - Di sản phi vật thể quốc gia, múa Pồn pông, nhảy sạp, trò đánh mảng; thi đấu các môn thể thao dân tộc.

Rất đông đảo du khách đến tham quan và dâng hương cho Anh hùng dân tộc Lê Lợi

Nhân dịp này, vào sáng ngày 18/9/2019 (tức ngày 20/8 năm kỷ Hợi), UBND Thành phố Thanh Hóa long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm tại thái Miếu nhà Hậu Lê, phố Kiều Đại 2, P.Đông Vệ, Tp.Thanh Hóa và tổ chức lễ dâng hương tại Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi, P.Lam Sơn, Tp.Thanh Hóa. Từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2019 (tức ngày 20,21,22/8 năm kỷ Hợi), sau hoạt động kỷ niệm, tổ chức các hoạt động Văn hóa, văn nghệ, trò chơi, trò diễn, dân gian, các hoạt động văn hóa cộng đồng tâm linh để tuyên truyền, quảng bá, thu hút nhân dân và du khách thập phương đến với Di tích thái Miếu nhà Hậu Lê, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của Thành phố Thanh Hóa.

Tại Thái miếu nhà Lê UBND TP Thanh Hóa cũng long trọng tổ chức lễ dâng hương 

Cũng trong dịp này, sáng ngày 19/9/2019 (tức ngày 21/8 năm kỷ Hợi) , tại làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc đã long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ công lao của Trung Túc Vương Lê Lai.

Lê Lai là một trong những dũng tướng đầu tiên sát cánh cùng Lê Lợi, khi Bình Định vương phất cờ khởi nghĩa chống giặc Minh tại Lam Sơn (năm 1418). Ông là người có công lớn giúp Lê Lợi gây dựng sự nghiệp, đặc biệt, ông đã hy sinh thân mình để cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của giặc Minh và được hậu thế ngợi ca là tượng đài về lòng trung quân ái quốc, đồng thời được vua Lê Thánh Tông gia phong là Trung Túc Vương (năm 1484). Lê Lai cũng đã được vua Lê Thái Tổ phong là công thần hạng nhất và tặng là “Suy trung đồng đức Hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần”. Công lao của Trung Túc Vương Lê Lai đã được lịch sử tôn vinh, được nhân dân nước Việt đời đời ghi nhớ.

Lễ rước kiệu tại đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai

Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (đền Tép) được xây dựng tại quê hương ông (làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ) là nơi hậu thế tỏ lòng thành kính, ngưỡng vọng bậc danh tướng nhà Lê – tấm gương sáng về lòng trung quân báo quốc, đồng thời để tưởng nhớ công đức của ông. Việc tổ chức lễ dâng hương hằng năm là dịp để nhân dân bản địa và du khách thập phương tìm về tham quan, vãn cảnh, tri ân và tưởng niệm vị danh nhân này, nhằm tôn vinh sự hi sinh cao cả của Trung Túc Vương Lê Lai, các vua Lê, tướng sĩ và nhân dân có công trong lịch sử xây dựng và giữ nước.

Lễ hội Lam Kinh năm 2019 mang không gian văn hóa đa màu sắc và thưởng thức nhiều đặc sản đến từ các vùng quê của xứ Thanh, đặc biệt là đặc sản của vùng đất Thọ Xuân như bánh gai Tứ Trụ, bánh lá răng bừa, nem chua, nem nướng Thọ Xuân, bưởi Bắc Lương, cam Xuân Thành... Từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, vững bước trên con đường hội nhập Đất nước./.