20/04/2024 lúc 05:24 (GMT+7)
Breaking News

Nên cương quyết xử lý dự án nhà ở tiến độ “rùa bò”

Trước tình trạng hàng loạt dự án bỏ hoang, chung cư, nhà tái định cư chậm tiến độ, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội ra "tối hậu thư" với các dự án có tiến độ "rùa bò" trên địa bàn.

Trước tình trạng hàng loạt dự án bỏ hoang, chung cư, nhà tái định cư chậm tiến độ, mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký văn bản thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát, lập hồ sơ xử lý đối với các dự án đã được gia hạn sử dụng đất 24 tháng theo quy định của Luật Đất đai nhưng vẫn chưa đưa đất vào sử dụng. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội ra "tối hậu thư" với các dự án có tiến độ "rùa bò" trên địa bàn.

Theo các chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, các dự án chậm trễ nhiều năm, xây dựng xong nhưng bỏ hoang, UBND TP Hà Nội nên mạnh tay thu hồi hoặc chuyển đổi mục đích bằng việc cho các doanh nghiệp có năng lực khác đấu thầu chứ không chỉ xử lý hành chính rồi để đấy.

Nhiều dự án tiến độ “rùa bò”

Quận Cầu Giấy là một trong những địa phương của Hà Nội có một số dự án, nhà TĐC chậm tiến độ hoặc xây dựng xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì một số lý do. Dự án nhà tái định cư (TĐC) N01-D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) là một điển hình.

Được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013 với quy mô 2 tầng hầm để xe và 15 tầng nổi, trong đó có 1 tầng thương mại và 14 tầng căn hộ được chia làm 4 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên bao gồm 50 căn hộ; 2 thang máy cao tốc và 1 thang thoát hiểm... với tổng vốn đầu tư lên đến 223,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đang trong tình trạng "đắp chiếu" chưa thể hoàn thiện. 

Dự án nhà TĐC N01-D17 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy sau hơn 10 năm thi công vẫn chưa hoàn thiện gây lãng phí đầu tư và bức xúc dư luận.

Ông Bùi Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho biết: “UBND phường đã nhiều lần làm đề xuất kiến nghị UBND quận Cầu Giấy, UBND Thành phố Hà Nội có phương án hoàn thiện để đảm bảo người dân đến sinh sống được an toàn. Nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa được hoàn thiện”, ông Thành đặt vấn đề.

Ông Trần Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết: "Dự án nhà TĐC N01-D17 Duy Tân do UBND Thành phố làm chủ đầu tư, giao cho UBND quận là đơn vị triển khai thực hiện. Hiện dự án còn thiếu hơn 50 tỷ đồng để tiếp tục hoàn thiện và bàn giao nhà cho người dân về ở. UBND quận đã nhiều lần kiến nghị cả trực tiếp, cả bằng văn bản với các sở Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cũng như UBND Thành phố tiếp tục bàn giao nốt phần vốn còn thiếu để hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, đến nay quận vẫn chưa nhận được nguồn vốn rót về”, ông Cường nói.

Không chỉ có quận Cầu Giấy, mà ở nhiều quận thuộc TP. Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự như: Khu tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa); thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm); Nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); 3 tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên)…

Không chỉ có các dự án nhà TĐC, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng trăm dự án thương mại quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất bỏ hoang lãng phí. Trong đó, huyện Mê Linh là nơi có số dự án chậm triển khai nhiều nhất với 47 dự án bất động sản quy mô tới 10 - 100 ha/dự án, tổng diện tích khu dự án là gần 2.000 ha nhưng hơn chục năm nay vẫn trong tình trạng dở dang, gây lãng phí lớn tài nguyên.

Trong số 47 dự án nói trên có 4 dự án “ôm đất xí phần” chậm triển khai hơn 10 năm, bị UBND TP Hà Nội yêu cầu thanh, kiểm tra, bao gồm: Dự án khu đô thị tại xã Tiền Phong rộng 94ha; Dự án Khu nhà ở Thanh Lâm của Công ty Thương mại và dịch vụ du lịch Phương Viên (xã Đại Thịnh, Thanh Lâm); Dự án Khu đô thị Việt Á của Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á (xã Thanh Lâm) và dự án Khu đô thị Cienco 5 của Công ty CP Xây dựng công trình 507 (xã Đại Thịnh).

Ngoài ra, một loạt dự án chậm triển khai khác như: Dự án khu đô thị Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) của Tổng Công ty phát triển nhà và đô thị (HUD) chậm triển khai 16 năm; dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Cty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư, kéo dài suốt 16 năm; Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Sông Đà SUDICO rộng 10,6 ha chậm tiến độ 11 năm...

Nên để doanh nghiệp có năng lực đấu thầu lại dự án

Qua rà soát của các cơ quan chức năng, Hà Nội hiện có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Các chuyên gia cho rằng, UBND TP Hà Nội nên mạnh tay xử lý, thu hồi hoặc sớm chuyển giao  hay cho doanh nghiệp khác đầu thầu, thi công lại dự án chậm tiến độ nhiều năm.

Trước thực trạng này, UBND Thành phố Hà Nội đã đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế bất động sản bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Nếu sau 1 năm, bất động sản vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị. Việc đánh thuế sẽ giúp gây áp lực để buộc chủ dự án phải sớm đưa dự án vào khai thác, nhưng cũng không thể nói thu thuế là thu được ngay nếu không dựa trên cơ sở pháp luật.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, qua giám sát gần đây nhất của HĐND TP thì người ta cũng đều thấy có nhiều dự án không thực hiện được và đã có trao đổi lấy ý kiến rộng rãi để thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt đầu tư xử lý 29 dự án (tổng diện tích 1.844,3ha).

“Những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua cho thấy, rõ ràng nếu được sử dụng, triển khai tốt thì là động lực rất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, trường hợp trên đất bỏ hoang đã có tài sản được hình thành hợp pháp, Nhà nước có thể thu hồi đất nhưng không thể tịch thu tài sản đầu tư trên đất vì như vậy sẽ trái với pháp luật và không đúng với Hiến pháp. Cơ quan quản lý có thể xử phạt nặng với chủ đầu tư, nếu chủ đầu tư không nộp bồi thường vào ngân sách có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác.

Trên thực tế, dù Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nhiều văn bản pháp luật về đất đai khác quy định rất rõ dự án chậm triển khai phải bị thu hồi... Nhưng một điều rõ ràng là nếu các dự án này chỉ bị bêu tên hoặc không bị thu hồi thì sẽ khó thay đổi được hiện trạng. Điều quan trọng là cần phải chỉ rõ ai sẽ chịu trách nhiệm, và chịu như thế nào thì lại chưa được quy định rõ ràng. 

Do vậy, Nhà nước cần quy định rõ hơn trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc về ai, cơ quan nào. Nếu cá nhân, đơn vị có trách nhiệm nhưng không thực thi trách nhiệm thì phải chịu kỷ luật, hoặc nặng hơn thì bị truy tố trước pháp luật. Và để người dân có thể giám sát, ngành chức năng nên công khai chi tiết về các dự án đã được cấp phép, tiến độ thực hiện và thời gian dự án phải hoàn thành. Với các dự án chậm quy hoạch cả chục năm có thể cho doanh nghiệp đấu thầu lại để dự án sớm được thực hiện.

“Theo Luật Đất đai 2013, những dự án chậm tiến độ, mà đã được gia hạn 24 tháng nhưng vẫn không triển khai. Cơ quan chức năng có thể thu hồi mà không phải đền bù tài sản trên đất. Việc thu hồi lại dự án bỏ hoang trên đất công cần phải thực hiện nghiêm khắc nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên phát triển các dự án, đặc biệt là bất động sản, nhất là những dự án đã đắp chiếu 10 – 20 năm, dự án chưa hoàn thiện”. Luật sư Lê Văn Thiệp phân tích.