29/03/2024 lúc 17:33 (GMT+7)
Breaking News

nCoV vẫn có thể sống sót ở 60 độ C

VNHN - Giáo sư Remi Charrel và đồng nghiệp ở Đại học Aix-Marseille tại miền nam nước Pháp nung virus gây Covid-19 tới 60 độ C trong một giờ và nhận thấy một số biến thể vẫn có khả năng nhân lên. Kết quả nghiên cứu có nhiều ý nghĩa đối với việc bảo đảm an toàn cho kỹ thuật viên phòng thí nghiệm làm việc với virus.

VNHN - Giáo sư Remi Charrel và đồng nghiệp ở Đại học Aix-Marseille tại miền nam nước Pháp nung virus gây Covid-19 tới 60 độ C trong một giờ và nhận thấy một số biến thể vẫn có khả năng nhân lên. Kết quả nghiên cứu có nhiều ý nghĩa đối với việc bảo đảm an toàn cho kỹ thuật viên phòng thí nghiệm làm việc với virus.

Nhóm nghiên cứu ở Pháp cho một biến thể nCoV phân lập từ bệnh nhân ở Berline, Đức, lây nhiễm sang tế bào thận của khỉ xanh châu Phi, vật chủ tiêu chuẩn để kiểm tra hoạt động của virus. Các tế bào được chia vào ống nghiệm đại diện cho hai loại môi trường, một loại là môi trường "sạch" và loại kia là môi trường "bẩn" có lẫn protein động vật để mô phỏng nhiễm khuẩn sinh học trong những mẫu bệnh phẩm thực tế như bông ngoáy họng. Sau khi nung nóng, biến thể virus ở môi trường sạch bị vô hiệu hóa.

Tuy nhiên, một số virus ở môi trường bẩn vẫn sống sót. Quá trình nung nóng dẫn tới sự sụt giảm rõ rệt ở khả năng lây nhiễm nhưng vẫn còn đủ virus sống để bắt đầu vòng lây nhiễm mới. Nhu cầu xét nghiệm nCoV đang gia tăng nhanh chóng trên khắp thế giới. Nhưng một số công đoạn xét nghiệm diễn ra trong những phòng thí nghiệm có độ an toàn kém. Kỹ thuật viên ở phòng thí nghiệm có thể tiếp xúc trực tiếp với mẫu bệnh phẩm, do đó virus cần được bất hoạt trước khi tiếp tục xử lý.

nCoV bị tiêu diệt hoàn toàn dưới nhiệt độ sôi. Ảnh: SCMP.

Nhiều phòng xét nghiệm áp dụng nung nóng virus ở nhiệt độ 60 độ C trong một giờ để ức chế nhiều loại virus nguy hiểm như Ebola. Đối với nCoV, con số trên tạm đủ đối với mẫu bệnh phẩm chứa tải lượng virus thấp bởi nhiệt độ đó có thể tiêu diệt lượng lớn virus. Nhưng kỹ thuật viên có thể gặp rủi ro với mẫu bệnh phẩm chứa lượng virus cực cao. Nhóm nghiên cứu ở Pháp nhận thấy nhiệt độ cao hơn có thể giải quyết vấn đề. Ví dụ, nung nóng mẫu bệnh phẩm tới 92 độ C trong 15 phút có thể khiến virus ngừng hoạt động hoàn toàn.

Tuy nhiên, nhiệt độ cao như vậy cũng có thể làm ARN của virus vỡ thành nhiều đoạn và làm giảm độ nhạy của xét nghiệm. Do đó, các nhà nghiên cứu đề xuất sử dụng chất hóa học thay vì nhiệt để tiêu diệt virus, đảm bảo cân bằng giữa sự an toàn của kỹ thuật viên ở phòng xét nghiệm và hiệu quả trong công tác phát hiện bệnh. "Kết quả trình bày trong nghiên cứu này sẽ giúp lựa chọn quy trình phù hợp nhất để bất hoạt virus nhằm ngăn nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh của nhân sự trong phòng thí nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp phụ trách chẩn đoán phát hiện nCoV", nhóm tác giả nghiên cứu cho biết.

Một nhà vi sinh vật học giấu tên nghiên cứu nCoV ở Viện Hàn lâm Khoa học tại Bắc Kinh cho biết các cơ sở xét nghiệm của Trung Quốc rất quan tâm tới nguy cơ của kỹ thuật viên và tiến hành thêm biện pháp phòng ngừa. Mọi nhân viên phải trang phục bảo hộ toàn thân chống chất nguy hiểm ngay cả sau khi bất hoạt virus. Thí nghiệm của Pháp cung cấp thông tin hữu ích nhưng tình huống trong thực tế có thể phức tạp hơn nhiều so với mô phỏng trong phòng thí nghiệm. Virus thể hiện khác biệt khi có sự thay đổi trong môi trường.

Nhiều dự án nghiên cứu vẫn đang tìm cách lý giải vấn đề này. Một số nghiên cứu gần đây phát hiện tín hiệu đáng báo động cho thấy Covid-19 có thể tiếp tục lây lan trong mùa hè. Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Network Open hồi đầu tháng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc báo cáo một cụm lây nhiễm ở nhà tắm công cộng tại thành phố Hoài An phía đông tỉnh Giang Tô. Một bệnh nhân tới nhà tắm hôm 18/1 để tắm hơi, sau đó lây nhiễm cho 8 người trong hai tuần. Nhà tắm có nhiệt độ trên 40 độ C và độ ẩm trung bình 60%.