19/04/2024 lúc 15:56 (GMT+7)
Breaking News

Nâng hạng các sản phẩm OCOP ở Đồng Hỷ

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2019-2020, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên có 18 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3-4 sao. Từ kết quả này, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đang tiếp tục nỗ lực để nâng hạng các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn của địa phương phát triển.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2019-2020, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên có 18 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn từ 3-4 sao. Từ kết quả này, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đang tiếp tục nỗ lực để nâng hạng các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn của địa phương phát triển.

Sản xuất Trà hòa tan Matcha Latte 4 in 1, sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao theo Chương trình OCOP tại Công ty CP Ntea Thái Nguyên, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ).

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: Trong 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, huyện Đồng Hỷ có tới 14 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, 2 sản phẩm Trà ướp hoa mộc (của HTX Thái Minh, xã Văn Hán) và Miến Việt Cường tỏi đen (của HTX miến Việt Cường, xã Hóa Thượng) đủ điều kiện đề nghị lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao. Năm 2021, trên địa bàn huyện có thêm 25 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, 3 sản phẩm đăng ký nâng hạng từ 4 lên 5 sao, 1 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Để đạt được kết quả này, huyện Đồng Hỷ đã quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đổi mới quy trình, dây chuyền sản xuất theo hướng an toàn, hiện đại. Đồng thời, liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua việc mở các gian trưng bày hàng hóa, đưa sản phẩm đi tham dự các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tăng cường tập huấn, tư vấn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP theo đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... 

Trong số các sản phẩm OCOP của huyện Đồng Hỷ, miến dong của HTX miến Việt Cường là một trong những sản phẩm được phát triển từ quy hoạch nông sản đặc trưng của huyện Đồng Hỷ khi nghề làm miến đã phát triển ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng từ gần 50 năm nay. Bình quân mỗi năm, người dân Việt Cường xuất bán 600-700 tấn miến ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, ngoài có mặt ở các siêu thị lớn trên cả nước (như: Coo.op Mart T.P Hồ Chí Minh, Intermax Hà Nội, Dabaco Bắc Ninh...), một số sản phẩm của HTX đã xuất khẩu sang các thị trường Lào, Thái Lan,… và được người tiêu dùng ưa chuộng. Với những nỗ lực không ngừng nhằm cải tiến dây chuyền sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, từ năm 2019 đến nay, lần lượt 5 sản phẩm của HTX được công nhận là đạt 4 sao và 3 sao theo Chương trình OCOP, trong đó, 1 sản phẩm được lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao.

Năm 2020, sản phẩm miến tỏi đen của HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ) đạt 89 điểm theo Chương trình OCOP (tương đương với tiêu chuẩn 4 sao), được lập hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá xếp hạng 5 sao. 

Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX miến Việt Cường chia sẻ: Các tiêu chí để sản phẩm đạt 5 sao - hạng cao nhất của Chương trình OCOP khá cầu kỳ, khắt khe, như: Sản phẩm có tính cộng đồng cao khi sử dụng 100% nguyên liệu trong tỉnh, chủ yếu sử dụng lao động là người địa phương, đã xây dựng được chuỗi liên kết… Do đó, để đạt các tiêu chí trên, HTX đã và đang đầu tư thêm hệ thống máy móc sản xuất, chế biến, nhà xưởng… đảm bảo toàn bộ quy trình sản xuất đều đạt chuẩn, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài miến dong, các sản phẩm trà, chè của huyện Đồng Hỷ được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá cao. Đặc biệt, sản phẩm Trà ướp hoa mộc của HTX Thái Minh, ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán, là sản phẩm tiêu biểu được chứng nhận 4 sao, có tiềm năng đạt 5 sao của tỉnh. Có được thành quả này là sự nỗ lực không nhỏ của đội ngũ quản lý và các thành viên HTX. 

Chị Trần Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc HTX Thái Minh cho hay: Để đạt được chứng nhận OCOP 4 sao, các sản phẩm trà Thái Minh phải vượt qua nhiều lần đánh giá theo các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Quốc gia. Các sản phẩm phải đáp ứng 3 nhóm tiêu chí, đó là: Các tiêu chí đánh giá về sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất, sức mạnh cộng đồng); các tiêu chí đánh giá về khả năng tiếp thị; tiêu chí đánh giá về chất lượng sản phẩm. Từ khi được chứng nhận OCOP, giá bán chè búp khô của HTX đã tăng từ 500 nghìn đồng/kg lên 2 triệu đồng/kg. Mục tiêu của HTX là tiếp tục lập hồ sơ đề nghị nâng hạng sản phẩm Trà ướp hoa mộc từ 4 lên 5 sao trong thời gian tới. Để làm được điều này, ngoài đầu tư xây dựng nhà xưởng, HTX đang chuyển hướng từ sản xuất chè theo quy trình VietGAP sang sản xuất hữu cơ, nghiên cứu thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Từ thực tế cho thấy, sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Đồng Hỷ đã được nâng cao giá trị, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Song song với đó, Chương trình OCOP còn góp phần thay đổi tư duy của người dân trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ những kết quả đã đạt được, huyện Đồng Hỷ đang tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm OCOP, tăng cường quảng bá, liên kết tiêu thụ để mở rộng thị trường; hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm OCOP đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng cao hơn. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất kinh doanh đầu tư, bổ sung máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.