16/04/2024 lúc 20:54 (GMT+7)
Breaking News

Nâng “chất” dòng vốn ngoại

VNHN - Sau hơn 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), nguồn vốn này luôn giữ vai trò quan trọng và hoàn thành cơ bản mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.

VNHN - Sau hơn 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), nguồn vốn này luôn giữ vai trò quan trọng và hoàn thành cơ bản mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, ngày 20-8-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030" (Nghị quyết 50). Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, mở ra một kỷ nguyên mới trong thu hút vốn ĐTNN của Việt Nam.

FDI đang tồn tại như “một ốc đảo”

Sau 30 năm thực hiện thu hút ĐTNN, đến nay, hoạt động ĐTNN ngày càng sôi động. Vốn ĐTNN vào Việt Nam đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng hơn 20%/năm, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế, góp phần nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế của vốn ĐTNN cũng bộc lộ. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thông tin, theo khảo sát của VCCI, 14% doanh nghiệp (DN) nội địa nói rằng có quan hệ mua bán với DN FDI. Về phía DN FDI, chỉ có 28% mua hàng DN nội. "Sự kết nối với DN trong nước không tốt tạo nên hiện tượng khu vực FDI đang tồn tại như một “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam, không “bén rễ” sâu trong nền kinh tế. Do đó, khi có những biến động, dòng vốn này hoàn toàn sẽ có thể rút ra khỏi Việt Nam", ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Nâng “chất” dòng vốn ngoại

Thực tế cũng cho thấy, do phát sinh nhiều vấn đề mới, thể chế, chính sách về ĐTNN chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Theo đó, số lượng dự án ĐTNN quy mô nhỏ, công nghệ thấp, thâm dụng lao động còn lớn. Tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước có xu hướng giảm. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư "chui", đầu tư "núp bóng" ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Một số DN, dự án sử dụng lãng phí tài nguyên; vi phạm chính sách, pháp luật về lao động, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường; phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp… Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, trong tổng số gần 350 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, mới có khoảng 180 tỷ USD giải ngân vào nền kinh tế, còn đến 170 tỷ USD chưa được thực hiện. Lý do khách quan là bởi độ trễ của dự án đầu tư, song có một phần khác đến từ những dự án “ảo”, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án đăng ký vốn lớn song lại giải ngân rất thấp.

Chuyển từ thu hút sang chủ động hợp tác

Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị lần này đã đưa ra những định hướng, chủ trương rất quan trọng để thu hút dòng vốn ĐTNN trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn quan trọng này và hạn chế những rủi ro mà dòng vốn ĐTNN có thể mang lại. Nghị quyết 50 trước hết đã định vị lại vị trí, vai trò của khu vực ĐTNN là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác và phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Song nghị quyết cũng định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN. “Hợp tác chứ không phải là thu hút và sử dụng nguồn vốn ĐTNN. Điều này thể hiện sự bình đẳng, chủ động của Việt Nam trong làm việc với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà ĐTNN khi họ hoạt động ở Việt Nam”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh. Nghị quyết 50 cũng chỉ rõ, thời gian tới, Việt Nam ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Theo đó, Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng rất rõ ràng, ngoài việc khuyến khích các DN nước ngoài mua hàng hóa của DN trong nước, còn chỉ ra những biện pháp hỗ trợ các DN trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị của nhà ĐTNN.

Bên cạnh đó, quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh" trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với dự án đầu tư mới, hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần cũng là điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 50. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, quy định này là rất bình thường, tất cả các nước đều có quy định này, cộng đồng DN rất hoan nghênh. “Trong bối cảnh vấn đề an ninh có nhiều biến đổi, không còn là vấn đề truyền thống, mà sang cả vấn đề phi truyền thống từ môi trường, văn hóa, tôn giáo… Việc có cơ chế rà soát điều kiện về quốc phòng, an ninh trước khi tiếp nhận dòng vốn ĐTNN là rất cần thiết”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nêu rõ.

Đánh giá cao những định hướng mới về thu hút ĐTNN trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN Nguyễn Mại cho rằng, Nghị quyết 50 tiếp tục khẳng định việc thu hút ĐTNN phải đúng định hướng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, kiên quyết không đánh đổi tất cả vì số lượng nguồn vốn ĐTNN. “Ưu thế của Việt Nam hiện nay rất lớn, do đó, chúng ta có nhiều lựa chọn hơn trong việc chọn đối tác đầu tư. Điều này cho thấy ở thời điểm hiện nay, Đảng và Nhà nước chủ trương coi trọng chất lượng hiệu quả nguồn vốn ĐTNN hơn bao giờ hết”, ông Nguyễn Mại nhấn mạnh. Cùng với đó, theo ông Nguyễn Mại, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam luôn coi trọng an ninh quốc phòng, an ninh xã hội. Trong nghị quyết, Bộ Chính trị vẫn ưu tiên nhà ĐTNN, và có nhiều định hướng bảo hộ quyền của họ. Vì vậy, với những nhà đầu tư chân chính, có chiến lược đầu tư rõ ràng, muốn tìm kiếm lợi nhuận và gắn bó với Việt Nam, họ sẽ không e sợ gì cả. Còn ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: Trái ngược với lo ngại dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam sẽ “nhỏ giọt” do tâm lý e ngại của giới đầu tư, nhiều DN chân chính hoan nghênh quy định này vì sẽ tạo ra không gian phát triển mới, thuận lợi hơn, chất lượng hơn để phát triển.

Gấp rút sửa đổi, hoàn thiện thể chế

Theo các chuyên gia kinh tế, nghị quyết không chỉ vạch ra mục tiêu về số lượng mà còn nhấn mạnh về chất lượng cũng như yêu cầu bức thiết trong đổi mới tư duy, hệ thống, thể chế. Do đó, để chọn lọc dòng vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm có chiến lược về thu hút ĐTNN, cụ thể hóa định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 50. Ông Nguyễn Mại nêu quan điểm, điều quan trọng là Chính phủ và các bộ, ngành phải vào cuộc và phối hợp chặt chẽ để thay đổi rất nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý Nhà nước đối với ĐTNN, nhất là về thuế, DN, đầu tư, sử dụng đất đai... và các nghị định hướng dẫn thi hành luật. Bổ sung vào quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc chúng ta thu hút ĐTNN chưa đạt hiệu quả như mong muốn ngoài nguyên nhân do chính sách, thể chế còn do chính năng lực của DN Việt Nam. Do đó, muốn chuyển sang thế hệ đầu tư mới phải gắn liền với sự chuẩn bị về cả thể chế và thực lực của DN trong nước theo lộ trình cụ thể, bởi đây là nhu cầu cộng sinh tất yếu trên thị trường.

Để thúc đẩy các DN trong nước kết nối sâu hơn với DN ĐTNN, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Thành cho rằng, cần có cả lực “kéo” và lực “đẩy”. Cụ thể, cần xem lại việc đặt ra các chính sách ưu đãi, phải có sự công bằng trong các thành phần kinh tế, hài hòa chính sách ưu đãi ĐTNN và đầu tư trong nước. Cùng với đó, cần thay đổi nhận thức của người quản trị DN trong nước, như vậy mới có thể kỳ vọng DN trong nước sẽ lớn lên trước dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam.