18/04/2024 lúc 09:48 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường giai đoạn 2018-2020

VNHN - Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường giai đoạn 2018-2020. 

VNHN - Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường giai đoạn 2018-2020. 

Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định 300.000 ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn, năng suất mía bình quân đạt 68-70 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 11-12 CCS, năng suất 7 tấn đường/ha. Việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu sản xuất, thu hoạch mía tăng 30% so với năm 2018.

Ảnh minh họa

Sản lượng đường đạt trên 2 triệu tấn, tỷ lệ đường tinh luyện đạt 60% trở lên; trên 70% nhà máy (cụm nhà máy) có công suất trên 4.000 tấn mía/ngày. Sử dụng trên 80% các phụ phẩm (bã mía, mật rỉ) để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm cạnh đường khác.

Như vậy, Bộ NN&PTNT sẽ cơ cấu lại ngành sản xuất mía đường đồng bộ trên cả 3 mặt: Cơ cấu lại vùng nguyên liệu, cơ cấu lại sản phẩm theo yêu cầu thị trường; cơ cấu lại hệ thống các nhà máy đường, đảm bảo hiệu quả tổng hợp của chế biến đường.

Cụ thể, với cơ cấu lại vùng nguyên liệu, sẽ phân bổ vùng nguyên liệu theo quy mô công suất nhà máy, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp của từng vùng sinh thái và địa phương. Chuyển đổi vùng đất không phù hợp với cây mía sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, khuyến khích người dân liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa, tạo cánh đồng lớn liền vùng, liền khoảnh gắn với các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ mía.

Mặt khác, bố trí nguồn kinh phí ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống giống ba cấp. Tuyển chọn, phục tráng giống tốt hiện có, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất giống mía nhập khẩu phù hợp với các vùng sinh thái.

Bên cạnh đó, sẽ cơ cấu lại sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, cân đối tỷ trọng giữa đường thô và đường luyện phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đồng thời, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ phế phụ phẩm của ngành đường: điện, giấy, ván ép (từ bã mía); cồn, ethanol (từ mật rỉ); phân bón hữu cơ vi sinh (từ bã bùn) bằng việc tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc để nâng cao công suất và hiệu quả sản xuất nhóm sản phẩm này.

Đối với cơ cấu lại nhà máy mía đường, Bộ NN&PTNT khuyến khích hình thành các doanh nghiệp sản xuất đường quy mô lớn, nâng công suất bình quân đạt trên 6.000 tấn mía/ngày; nâng tổng công suất thiết kế các nhà máy đường hiện có lên 174.000 tấn mía/ngày…

Từ đó, Bộ NN&PTNT giao Cục Trồng trọt trong giai đoạn 2019-2020 xây dựng chương trình giống mía trọng điểm có năng suất, chữ đường cao, nhất là giống mới, chín rải vụ; đôn đốc các địa phương rà soát, xây dựng phát triển vùng nguyên liệu mía…

Đối với Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông để nâng cao nhận thức, năng lực của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mía đường, người trồng mía về thực thi cam kết hội nhập quốc tế.

Trước đó, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường đến hết năm 2019. Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ bắt đầu từ năm 2020.

Theo cam kết ATIGA, thuế quan cho mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ từ mức 5% giảm về 0% kể từ ngày 1/1/2018. Việc Chính phủ quyết định giãn thời hạn thực hiện cam kết ATIGA đối với ngành đường đến hết năm 2019 đã giúp các doanh nghiệp nội địa có thêm thời gian chuẩn bị để nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ ngoại./.