29/03/2024 lúc 17:17 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao giá trị và thương hiệu trà Việt

VNHN-Việt Nam là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới. Minh chứng sinh động cho nhận định chắc nịch này là cánh rừng chè cổ thụ bạt ngàn khoảng 40.000 cây trải dài suốt một dải Suối Giàng thuộc Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái), trong đó có 3 cây chiều cao 8m, đường kính 3 người ôm không xuể.

Hương vị độc đáo của nền văn hóa ẩm thủy ngàn năm tuổi

Việt Nam là một trong những chiếc nôi cổ nhất của cây chè thế giới. Minh chứng sinh động cho nhận định chắc nịch này là cánh rừng chè cổ thụ bạt ngàn khoảng 40.000 cây trải dài suốt một dải Suối Giàng thuộc Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái), trong đó có 3 cây chiều cao 8m, đường kính 3 người ôm không xuể. Đây là niềm tự hào rất lớn của người dân đất Việt về trà. Bởi những cây chè cổ thụ như thế, trên thế giới có thể dễ dàng đếm hết trên mấy đầu ngón tay. Theo tài liêu khảo cứu của Uỷ ban khoa học xã hội thì người ta đã tìm thấy dấu tích của lá và thân cây chè hoá thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ). Xa hơn nữa, họ còn nghi ngờ cây chè có từ thời đồ đá Sơn Vi (tức văn hoá Hoà Bình), cách đây khoảng 10 vạn năm.

Sự xuất hiện sớm của cây chè đã đưa người Việt Nam lên hàng những dân tộc biết uống trà sớm nhất thế giới. Phương ngôn còn lưu truyền những lời dạy về cách uống trà như: “Trà dư tửu hậu”, “ Rượu ngâm nga, trà liền tay”, “Bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà”… Tục uống trà ở Việt Nam rất phong phú. Từ cách uống cầu kỳ cổ xưa của tầng lớp vua chúa, phong lưu quyền quý đến cách uống bình dân, hiện đại. Thường một bộ đồ trà có 3 chén quân, 1 chén tống để chuyên trà. Nước pha trà phải là thứ nước mưa trong hoặc thứ sương đọng trên lá sen mà người đi thuyền hứng từng giọt vào buổi sớm.

Nói đến nghệ thuật thưởng trà Việt Nam là người ta lại nhắc đến thú uống trà của người Hà Nội. Vẻ thanh lịch, trang nhã, sự cầu kỳ trong ẩm thực của người Hà Nội đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao. Nếu người dân vùng khác thích uống trà “mộc” (trà không ướp hương) thì nhiều gia đình Hà Nội xưa lại thích uống trà ướp sen, trà nhài, trà ngâu, trà cúc, trà sói… Đặc biệt trà sen là một thứ trà quí chỉ dùng để tiếp khách tri âm hoặc làm quà biếu. Trà sen tựa thứ trà mạn Hà Giang, mỗi cân ướp từ 1000 – 1200 bông sen Tây Hồ và phải là thứ sen chưa bóc cánh với “độ” hương cao nhất. Trà sen loại đặc biệt giá lúc nào cũng ở mức 2 – 3 chỉ vàng. Ở Hà Nội hiện còn khoảng 6 gia đình làm loại trà này.

Với người Hà Nội, uống trà là một thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha trà mời khách, người ta phải để vào đó nhiều công phu. Những công phu đó, dần trở thành lễ nghi. Trong ấm trà ngon, người ta thấy phảng phất một mùi thơ và một vị triết lý. Các chân trà nhân từ xưa đã rất chú ý đến nghệ thuật thưởng trà với nhiều loại trà cụ cần thiết để làm sao cho người uống cũng có thể cảm nhận và thể nghiệm giống như các thiền sư. Dùng thìa gỗ múc trà cho vào ấm đất nung nhỏ, được gọi là “Ngọc diệp hồi cung”. Để có được chén trà ngon thì bình trà và tách uống trà phải được làm nóng lên bằng nước sôi. Trà cụ dùng để xúc trà, lấy bã trà đều bằng tre khô hoặc gỗ thơm. Khi châm nước lần một gọi là “cao sơn trường thuỷ” rồi chắt ngay ra. Đây là thao tác “tráng trà” nhằm loại hết bụi bẩn và cho trà khô kịp thấm không nổi lềnh bềnh. Lần thứ hai đổ nước vào ấm gọi là “hạ sơn nhập thuỷ” nên đổ nước cao, tràn miệng bình để khi đậy nắp lại, bụi trà tràn ra hết, rồi dội nước sôi lên nắp để giữ nhiệt độ cao nhất cho ấm trà. Nước hai chính là nước ngon nhất được tạo ra trong vòng 1 – 2 phút, có hương vị đượm đà, thơm tho níu quyến . Khi rót trà phải chuyên đều các chén sao cho nồng độ trà như nhau bằng cách kê khít miệng chén lại và đưa vòi ấm quay vòng. (Cách phổ biến trong truyền thống là rót ra “chén tống” rồi chia đều ra các “chén quân”).

Dâng chén trà theo đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón chỏ và cái đỡ miệng chén gọi là “Tam long giá ngọc”. Người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu. Trước khi uống, đưa chén trà sang tay trái, mắt nhìn theo, sau đó đưa sang phải “du sơn lâm thuỷ”. Khi uống, cầm chén trà quay lòng bàn tay vào trong, dâng chén trà lên sát mũi để thưởng thức hương trà trước, sau đó tay che miệng nháp nháp từng ngụm nhỏ nhẹ. Người uống cũng phải chậm rãi mím miệng nuốt khẽ cho hương trà thoát ra đằng mũi và đồng thời đọng trong cổ họng, nuốt tý nước bọt lần một, lần hai, lần ba để cảm nhận.

Ở nông thôn, người bình dân hay uống trà xanh. Đó là những lá chè tươi, rửa sạch, hâm trong nước sôi sủi tăm cá, nước trà thơm dịu, xanh ngất. Uống trà bằng bát sành, hút thuốc lào và nếu sang hơn, có chiếc chè lam hoặc kẹo “cu đơ” xứ Nghệ. Ở Nghệ An còn có tục uống “chè gay”, hái cả cành lẫn lá hâm trong nước sôi. Trà được ủ nóng trên bếp than, lúc khát, chắt nước trong nồi ra uống.

Song trà dù được chế biến, được uống bằng cách nào (độc ẩm, đối ẩm, quần ẩm) vẫn biểu thị một thứ “đạo”. “Đạo trà” Việt Nam thật trân trọng ở cách dâng mời đầy ngụ ý. Dù lòng vui hay buồn, dù trời mưa hay nắng, khách cũng không thể từ chối một ly trà nóng khi chủ nhà trân trọng dâng mời bằng hai tay. Dâng trà đã là một ứng xử văn hoá phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một ứng xử văn hoá. Uống từng ngụm nhỏ nhẹ để cảm nhận hết cái thơm ngọt của trà, cái hơi ấm toát ra từ 2 bàn tay dâng chén hoặc ủ nóng bàn tay khi mùa đông lạnh giá. Uống để đáp lại lòng mến khách của người dâng trà, để bắt đầu một tâm sự, một nỗi niềm, để bàn chuyện gia đình, xã hội, nhân tình thế thái, để cảm thấy trong trà có cả hương vị của trời đất, cỏ cây. Dâng trà và dùng trà cũng là một biểu hiện phong độ văn hoá, sự thanh cao, tình tri âm, tri kỷ, lòng mong muốn hoà hợp và sự giảm bớt, xoá đi những đố kỵ, hận thù. Uống trà là một cách biểu thị mức độ tâm đắc cùng người đối thoại, tình yêu, học vấn.

Những khía cạnh cuả văn hoá ứng ứng xử Việt Nam rất phong phú và biểu hiện tập trung nhất ở tục uống trà. Người ta có thể uống trà một cách im lặng và nhiều khi, im lặng là “nói” rồi. Người ta có thể xét đoán tâm lý người đối thoại khi dùng trà. Khi đã trở thành một cái thú thì người ta không thể quên nó, vì trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Tuy nhiên, trà cũng rất cần sự tiết độ. Người Việt Nam không uống trà ừng ực, đặc quá và cũng không thể uống liên tục suốt ngày. Vì trà là một triết học về sự tế nhị, nhạy cảm, thanh tao, sự suy ngẫm và óc tỉnh táo. Trà là một sự giao hoà với thiên nhiên, sự ứng xử hợp lý với thời gian, sự tiếp cận đầy nhân tính với không gian, với môi trường và con người. Ở Việt Nam luôn tồn tại một nền văn hoá trà thanh lịch và toả hương.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nền văn hoá độc đáo này đang đứng trước nguy cơ bị mai một, bị tuyệt diệt. Trà Việt Nam đang trở nên xa lạ đối với người Việt, đặc biệt là lớp trẻ. Cuộc “đổ bộ” ào ạt của những “chàng” ngoại quốc khổng lồ từ Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu… với những chiêu tiếp thị siêu việt đã đánh bạt trà Việt, chinh phục hoàn toàn giới trẻ, tung hoành ngang dọc khắp thị trường. Bởi thế, lớp trẻ bây giờ thích uống rượu bia, thích uống trà ngoại hơn trà Thái Nguyên, trà sen, trà nhài… Một nền văn hoá ẩm thuỷ độc đáo đậm nét Á Đông đã từng muôn hồng ngàn tía đang bị người đời lãng quên, bị lớp bụi thời gian phủ mờ. Đã đến lúc chúng ta phải gióng hồi chuông khẩn thiết báo động về sự suy sụp này. Nhớ lại hôm tuyển người hầu trà cho Hiên trà Trường Xuân (13 Ngô Tất Tố, Hà Nội), đứng trước câu hỏi của tôi: “Theo anh chị, ở Việt Nam có những loại trà đặc sản nào?” thì có đến 18/24 thí sinh (đều là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp cử nhân) đều dõng dạc kể tên nào Quý phi trà, Dũng sĩ trà, Ô-long trà… Thật nực cười và xót xa!

Vì đâu trà nội ngâm ngùi khóc than?

Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này có nhiều.

Thứ nhất, do định hướng chiến lược của ngành chè Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua là đẩy mạnh xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài nhằm tăng thu ngoaị tệ. Chiến lược này bắt nguồn từ trong cơn “bĩ cực” của ngành chè những năm 80 – 90 của thế kỷ 20, đặc biệt là “cái đận” 1991 – 1995, khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Hai thị trường lớn nhất, dễ tính nhất của ta bị mất tiêu. Trà làm ra không biết bán đi đâu. Thế là sản xuất trà đình đốn. Người trồng chè méo mặt. Xưa, cứ một cân chè tươi bán đi là mua được một cân thóc, nay không mua nổi nửa cân. Nhiều người đã cầm dao đốn chè, tính trồng cái khác lấy cái ăn trước mắt. “Cái khó ló cái khôn”. Cuối năm 1995, Tổng công ty chè Việt Nam được thành lập. Ông Nguyễn Kim Phong là Tổng giám đốc. Với tư duy của “ông vua chè” đã hiểu và thấm cái gian nan, đắng đót của “nghiệp trà”, ông Kim Phong đã thực hiện hàng loạt biện pháp năng động. Thị trường chủ yếu là Trung Cận Đông được mở ra bền chắc và dài lâu. Giá mua chè nguyên liệu trở lại mức cũ và còn tăng hơn. Người làm chè lại yên tâm. Chè Việt Nam lại dần trở về thế thượng phong. Trước đây, chè Việt Nam chỉ xuất khẩu đến 25 nước và khu vực, nay đã thâm nhập 61 nước thuộc 5 châu. Song, một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường đầy khắc nghiệt, “vọng ngoại” quá thì “nội suy”. Do bị thả nổi, trà Việt Nam đã bị đè bẹp bởi “sức vóc lực lưỡng” của trà ngoại ngay tại chính quê hương mình.

Thứ hai, các doanh nghiệp làm chè Viêt Nam hầu hết đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính có hạn nên việc đầu tư nghiên cứu thị trường, đổi mới trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn. Họ không có khả năng mở rộng các hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tạo nên những thương hiệu nổi tiếng. Khâu đấu trộn, đóng gói bao bì và tổ chức các kênh, mạng lưới tiêu thụ bán lẻ tại các siêu thị và cửa hàng còn yếu, thiếu tính hệ thống. Và như một quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường cạnh tranh đầy khắc nghiệt, sản phẩm của họ trở nên “nhợt nhạt” trước trăm ngàn thương hiệu ngoại nổi tiếng với sức vóc lực lưỡng, với những chiêu tiếp thị siêu việt làm mê mẩn lòng người. Và niềm tự hào “người Việt Nam uống trà Việt Nam” đã lặng lẽ ra đi trong nỗi nuối tiếc ngẩn ngơ xen lẫn niềm chua xót.

Thứ ba, các hoạt động truyền bá văn hoá trà từ nhiều năm nay đã bị coi nhẹ. Trà là một sản phẩm đặc biệt của trời đất ban cho con người. Nó là sự hài hoà, kết tinh của nền văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Ở nước ta, các bậc nho sĩ xưa đã coi việc thưởng trà như một nghệ thuật tu thân tĩnh dưỡng, bồi đắp tâm hồn. Đặc biệt, ở Nhật Bản, trà đã được nâng lên thành một thứ “đạo” với đầy đủ hệ thống giáo lý đậm đà triết lý nhân sinh, triết lý thẩm mỹ. Bởi vậy, ở nhiều nước có truyền thống lâu đời về trà như Trung Quốc, Nhật Bản, Ân Độ, Srilanka…, những hoạt động về văn hoá trà được coi là một trong những nội dung quan trọng của Hiệp hội chè và được chính phủ hết sức ủng hộ. Trong khi đó, ngành chè Việt Nam, suốt cả một chặng đường dằng dặc, do bị câu thúc bởi “miếng cơm manh áo” mà văn hoá trà đã bị thả nổi. Mãi gần đây, tuy đã được chú ý, song các chương trình, hình thức và nội dung hoạt động chưa phong phú, hấp dẫn, chưa thể hiện hết các cung bậc, sắc màu nghệ thuật nên trà chưa trở thành nhu cầu thẩm mỹ của nhiều người uống trà. Với họ, trà vẫn đơn thuần là một thứ giải khát bình dân, rẻ tiền. Rồi sự nông nổi “ăn xổi ở thì” của những người trồng chè đã có thời kỳ khiến dư lượng thuốc trừ sâu trong trà quá cao, làm người tiêu dùng sợ hãi. Rồi sức ép kinh tế. Rồi sự băng hoại những “thuần phong mỹ tục”… Tất cả, tất cả như những trận cuồng phòng muốn nhấn chìm con thuyền văn hoá trà vốn đã mỏng manh, yếu ớt. Trong khi đó, những anh láng giềng bên cạnh như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… thì họ lại quảng bá quá tốt cho nên văn hóa trà Việt bị lép vế, trà Việt bị “thua ngay trên sân nhà” là điều không tránh khỏi.

Làm thế nào để trà việt “dậy” hương?

Câu hỏi đó đã và vẫn đang là nỗi niềm thao thức của những người làm chè, những người tâm huyết, say mê với hương trà đất Việt. Tôi nghĩ, hành trình phục hưng nền văn hoá ẩm thuỷ độc đáo này là chặng đường dằng dặc những mịt mùng gian nan. Bởi mảnh đất văn hoá trà Việt Nam tuy có bề dày truyền thống nhưng thời gian đã phủ mờ rong rêu, trở nên hoang tàn, cằn cỗi. Đảng, chính phủ lại bận trăm công, nghìn việc. Các tổ chức, hiệp hội còn quay cuồng trong cơn ba động của thời buổi kinh tế thị trường. Bát cơm, manh áo vẫn là sự câu thúc hàng đầu. Rồi sức ép kinh tế. Rồi sự băng hoại đạo đức, văn hoá của một lớp người chịu ảnh hưởng của lối sống Phương Tây. .. Và vì thế, cái đích chấn hưng nền văn hoá trà vẫn còn ở mịt mù khơi xa lắm. Song theo tôi, việc đưa trà Việt Nam trở về vị trí xứng đáng của nó trong vườn văn hoá dân tộc không hẳn là bất lực. Bởi ngành chè Việt Nam sau những năm tháng bươn bả đi tìm kiếm, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài đã “ngộ” ra một điều: muốn “bình thiên hạ” thì bắt buộc phải “tề gia, trị quốc”. Nghĩa là bằng mọi cách, phải gia tăng mức tiêu dùng trà trong nước nhằm điều tiết thị trường cung ứng, hạn chế sức ép hàng hoá dư thừa làm cho giá chè giảm, trên đà đó mà phất cao ngọn cờ văn hoá. Chiến lược này, thực ra không có gì mới. Thiên hạ đã đi trước chúng ta từ lâu lắm rồi. Hiện nay, tỷ lệ trà xuất khẩu so với tổng lượng trà sản xuất ra bình quân trên thế giới là 40%. Ở Trung Quốc chỉ còn 30%, ở ấn Độ là 27%. Bài toán đặt ra là nếu chúng ta tăng mức tiêu dùng bình quân đầu người từ 0,25 kg lên 0,5 kg thì đầu ra cho ngành chè Việt Nam đã được mở rộng thêm nhiều.

Tôi nghĩ, muốn phục hưng nền văn hoá trà Việt Nam mà chỉ trông cậy vào sức vóc, tâm huyết của những người làm trà như chúng tôi không thì chưa đủ. Trọng trách lớn thuộc về Tổng công ty chè và Hiệp hội chè Việt Nam với một trong nhiều chiến lược hàng đầu, cần nhiều tâm huyết là quảng bá văn hoá trà. Muốn làm được việc đó cần phải có sự giúp sức của nhà nước. Chúng ta cần tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động truyền bá văn hoá trà, tổ chức tuần văn hoá trà, các cuộc thi chất lượng tay nghề, các cuộc hội thảo chuyên đề, các cuộc vận động sáng tác về ngành chè. Xây dựng nhiều hơn các phòng trà truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá VN. Thành lập các “Câu lạc bộ những người yêu thích trà”. Và điều rốt ráo là Đảng, Chính phủ, Tổng công ty chè Việt Nam hãy quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của những người làm trà trên những cánh đồng chè đang dầu dãi một nắng hai sương. Có như thế, trà Việt nam mới không phải ngậm ngùi phiêu dạt trong những quán cóc vỉa hè nhường chỗ cho trà ngoại thoả sức tung hoành ngang dọc khắp chốn. Và chúng ta, những người làm trà, tâm huyết với trà khỏi phải ngậm ngùi nuối tiếc khi một ngày nào đó, chợt thảng thốt nhận ra rằng: cả một nền văn hoá trà đậm đà hương sắc tự ngàn năm đã vụt cánh bay đi không còn lưu lại dấu vết gì trên cõi đời này nữa./.