28/03/2024 lúc 23:57 (GMT+7)
Breaking News

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

VNHNO - Nhà trường quân đội (NTQĐ) là nơi đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng và cung cấp nguồn cán bộ cho toàn quân. Trong suốt chiều dài 73 năm, kể từ khi Trường Quân chính kháng Nhật-nhà trường đầu tiên của Quân đội ta được thành lập (tháng 4-1945) cho đến nay, hệ thống NTQĐ đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và hoàn thiện, với nhiều cấp học, bậc học, đào tạo cán bộ cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ (ĐNCB), nh

VNHNO - Nhà trường quân đội (NTQĐ) là nơi đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng và cung cấp nguồn cán bộ cho toàn quân. Trong suốt chiều dài 73 năm, kể từ khi Trường Quân chính kháng Nhật-nhà trường đầu tiên của Quân đội ta được thành lập (tháng 4-1945) cho đến nay, hệ thống NTQĐ đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và hoàn thiện, với nhiều cấp học, bậc học, đào tạo cán bộ cho các quân chủng, binh chủng, lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng đội ngũ cán bộ (ĐNCB), nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong toàn quân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các NTQĐ vừa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật vừa bám sát chiến trường, kịp thời bổ sung kiến thức, kinh nghiệm từ thực tiễn chiến trường vào nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, cùng với các đơn vị toàn quân làm nên những chiến thắng lẫy lừng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hiện nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các NTQĐ đã tích cực tìm hiểu, tiếp cận các phương pháp giáo dục, đào tạo (GD&ĐT) tiên tiến, không ngừng đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; tích cực nghiên cứu, biên soạn tài liệu, giáo trình, bổ sung những vấn đề mới của khoa học quân sự hiện đại và thực tiễn công tác tại các đơn vị vào giảng dạy. Quy mô và loại hình đào tạo trong quân đội được mở rộng, hệ thống NTQĐ được kiện toàn cả về chức năng, nhiệm vụ, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất; năng lực đào tạo của các NTQĐ ngày càng được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn cán bộ cho quân đội.

Ảnh minh hoạ

Trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đất nước ta cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân tiếp tục xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến lên hiện đại; thực hiện điều chỉnh tổ chức, lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, cơ động, bảo đảm số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời bình và sẵn sàng mở rộng lực lượng khi có yêu cầu. Tình hình trên đã đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực của ĐNCB, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác GD&ĐT và xây dựng NTQĐ. Vì vậy, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong toàn quân phải thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác GD&ĐT; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác GD&ĐT, bảo đảm nâng cao trình độ mọi mặt cho ĐNCB quân đội các cấp.

Đây là nội dung quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với công tác GD&ĐT. Nội dung giáo dục, quán triệt tập trung vào Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận số 16-KL/TW ngày 7-7-2017 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và những năm tiếp theo; Chiến lược phát triển GD&ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2523/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đề án về công tác nhà trường, nhiệm vụ GD&ĐT đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt. Các nghị quyết, chỉ thị, đề án nêu trên là “xương sống” bảo đảm cho công tác GD&ĐT trong quân đội luôn phát triển đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực. Các NTQĐ cần tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; giữ vững định hướng chính trị trong quá trình GD&ĐT; nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, xây dựng niềm tin vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng và sự lãnh đạo của Đảng; tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, các luận điệu phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng. Các nội dung trên cần phải được tiến hành sâu rộng, thường xuyên, liên tục để mọi cán bộ, chiến sĩ đều có nhận thức đúng, hành động quyết liệt và thống nhất, bảo đảm cho các nghị quyết được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn.

Hai là, tập trung làm tốt công tác quy hoạch hệ thống NTQĐ, xây dựng các học viện, nhà trường theo mô hình “nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc CMCN 4.0”.

Sắp xếp, quy hoạch hệ thống NTQĐ tinh gọn, chính quy, bảo đảm năng lực đào tạo cán bộ cho quân đội trong tình hình mới là việc làm cấp thiết theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Trong thời gian tới, toàn bộ hệ thống chính trị nói chung và Quân đội ta nói riêng, phải chủ động, tích cực vào cuộc quyết liệt, coi đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, cấp bách, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trước yêu cầu mới. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Trước mắt, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn các NTQĐ thực hiện tốt việc điều chỉnh quy trình, chương trình, nội dung, phương thức đào tạo theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Rà soát, sắp xếp, giải thể một số trung tâm dạy nghề-giới thiệu việc làm, trường dạy nghề có số lượng học viên ít, chất lượng còn hạn chế, hiệu quả đào tạo nghề còn thấp. Trong quá trình sắp xếp phải bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, không làm ảnh hưởng tới công tác GD&ĐT, nghiên cứu khoa học của các NTQĐ.

Việc tiếp cận và tận dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0 là một nhiệm vụ quan trọng của công tác đổi mới GD&ĐT trong quân đội. Với quan điểm NTQĐ là mũi nhọn xung kích trong việc tiếp nhận cái mới, khoa học công nghệ (KHCN) hiện đại phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quân đội, nên việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0 phải được thực hiện với quyết tâm cao và bằng phương pháp khoa học. Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo, hướng dẫn các học viện, nhà trường triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hành động theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, thực hiện hiệu quả việc thí điểm đào tạo các nội dung có tính mũi nhọn đã được xác định trong Kế hoạch hành động của hệ thống NTQĐ trước tác động của cuộc CMCN 4.0 giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung thực hiện các lĩnh vực thí điểm, như: Đào tạo tài năng quân sự; đào tạo chuyên gia giỏi những ngành mũi nhọn; đào tạo khoa học cơ bản các chuyên ngành, như: Công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh hệ thống thông tin, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, tự động hóa, công nghệ vật liệu mới... với phương châm: Đào tạo ít nhưng tinh, đào tạo chuyên gia, đào tạo từng bước, tiến tới làm chủ, hiểu sâu, nắm chắc tính năng của vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; phấn đấu có một số ngành đạt chất lượng khu vực và quốc tế.

Ba là, tích cực đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, bảo đảm tính khoa học, vừa đi trước, vừa có tính kế thừa, giúp cho người học có tư duy lý luận sâu sắc, khả năng thực hành phong phú.

Công tác đổi mới quy trình, chương trình nội dung đào tạo trong hệ thống NTQĐ được tiến hành thường xuyên trong thời gian qua. Hiện nay, chương trình đào tạo của các NTQĐ vẫn bảo đảm đáp ứng được phương châm “cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu”. Nội dung đào tạo vừa mang tính toàn diện, vừa có tính chuyên sâu đối với các chuyên ngành đặc thù, đồng thời từng bước tiệm cận với sự vận động, phát triển của KHCN quân sự hiện đại và mặt bằng chung của nền giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao và tốc độ phát triển như vũ bão của KHCN hiện nay, trong đó có KHCN quân sự, thì việc không ngừng đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo là một yêu cầu tất yếu khách quan. Việc đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo phải bảo đảm tính kế thừa nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được đúc rút, hình thành từ trong lịch sử đánh giặc, giữ nước và dựng nước của dân tộc, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu của các đơn vị và nghệ thuật quân sự thế giới hiện nay; phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị; Quân ủy Trung ương về tổ chức lực lượng và bảo đảm vũ khí trang bị cho Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và những năm tiếp theo. Cùng với hệ thống chương trình đào tạo đã xây dựng, phải chú trọng nghiên cứu, xây dựng một số chương trình đào tạo đối với các chuyên ngành đặc thù, lĩnh vực mũi nhọn mà quân đội có thế mạnh để đào tạo nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật và công nghệ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền công nghiệp quốc phòng cho đất nước.

Bốn là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội ngang tầm nhiệm vụ.

Đây là nhiệm vụ quan trọng, gắn bó mật thiết với công tác đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT, nghiên cứu khoa học trong quân đội. Những năm qua, các cơ quan, đơn vị và hệ thống NTQĐ đã tích cực kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nên Quân đội ta đã có được đội ngũ nhà giáo có uy tín, có năng lực, trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ GD&ĐT. Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của quân đội hiện nay chất lượng chưa đồng đều; số lượng nhà giáo trưởng thành từ trong chiến đấu ngày càng ít; trình độ ngoại ngữ, tin học của một số cán bộ, giảng viên còn có những hạn chế nhất định... Vì vậy, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống NTQĐ thực hiện tốt việc kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm có đủ về số lượng, cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành và có lực lượng kế cận phù hợp, đồng thời chuẩn hóa về chất lượng theo tiêu chuẩn của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Tổ chức thực hiện tốt Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2018-2025 và định hướng những năm tiếp theo”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong quân đội giai đoạn 2015-2020 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số 89/CT-BQP ngày 9-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống NTQĐ. Tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo, nhất là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên, giáo viên dạy giỏi, giảng viên, giáo viên trẻ; tăng cường hơn nữa việc mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và cán bộ quản lý giáo dục, phấn đấu sớm hoàn thành chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội.

Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với quy mô, yêu cầu, nhiệm vụ GD&ĐT và nghiên cứu khoa học.

Cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng, cần thiết để nâng cao chất lượng GD&ĐT, nghiên cứu khoa học của quân đội. Sau nhiều năm đầu tư, nỗ lực khắc phục khó khăn, hiện nay các NTQĐ đã có được hệ thống cơ sở vật chất khá khang trang, hiện đại, đáp ứng cơ bản yêu cầu nhiệm vụ GD&ĐT của quân đội. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ GD&ĐT, nghiên cứu khoa học đã được các học viện, nhà trường khai thác hiệu quả, phục vụ đắc lực việc nâng cao chất lượng GD&ĐT, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đào tạo trong tình hình mới thì hệ thống cơ sở vật chất cần tiếp tục được đầu tư, đổi mới theo hướng tích hợp, hiện đại hóa. Các cơ quan chức năng cần phối hợp với Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu, tiến hành nghiên cứu, rà soát hệ thống cơ sở vật chất trong các học viện, nhà trường, từ đó tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phương hướng, giải pháp đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị trong các NTQĐ bảo đảm luôn phù hợp với mục tiêu, yêu cầu GD&ĐT. Trước mắt, các học viện, nhà trường cần làm tốt việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin; việc tích hợp hóa, tin học hóa, hiện đại hóa công tác quản lý và đào tạo trong quân đội, bảo đảm thống nhất, hiệu quả, an toàn; hoàn thiện và khai thác hiệu quả mạng truyền số liệu quân sự gắn với triển khai hình thức học tập trên mạng trong các NTQĐ; tập trung xây dựng, bổ sung và khai thác sử dụng có hiệu quả kho bài giảng, kho học liệu số phục vụ nhu cầu tự học. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Tập trung ưu tiên ứng dụng công nghệ mô phỏng phục vụ huấn luyện, đào tạo, nhất là đối với các nhà trường trọng điểm; đồng thời, phải tích cực rà soát, củng cố, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, thao trường tổng hợp, bảo đảm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu GD&ĐT cho từng đối tượng.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở GD&ĐT trong và ngoài nước, tiếp cận mô hình, phương pháp GD&ĐT tiên tiến, hiện đại.

Hợp tác trong nước và quốc tế về GD&ĐT là một xu hướng tất yếu trong thời đại KHCN phát triển và cũng là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Do đó, các cơ quan, đơn vị và các NTQĐ cần bám sát sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác về GD&ĐT với các trường đại học trong nước và nước ngoài, cần tập trung nghiên cứu một số mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới, vận dụng phù hợp vào điều kiện của các nhà trường trong quân đội, nhất là đối với các học viện, nhà trường đào tạo chuyên ngành sâu, như: Quân y, kỹ thuật, ngoại ngữ... Trong đó, cần ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế ở một số chuyên ngành trong quá trình xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ chỉ thị của Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ trong hệ thống NTQĐ, cần ứng dụng, sử dụng tiếng Anh giảng dạy một số chương trình tiên tiến và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo lộ trình để đạt chuẩn ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới. Việc hợp tác đào tạo nhân lực cho quân đội các nước có quan hệ truyền thống, các nước trong khối ASEAN và một số nước khác, cần được tiến hành theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng.

GD&ĐT là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội ta, góp phần bồi dưỡng ĐNCB có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ nghiệp vụ, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng, các NTQĐ cần phát huy các thành tích đã đạt được, tích cực nghiên cứu, cụ thể hóa thành các giải pháp để thực hiện hiệu quả các vấn đề nêu trên, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ĐNCB, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.