19/04/2024 lúc 20:20 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Hàng loạt cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ hoạt động “chui”? – Bài 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

VNHN – Sau khi có phản ánh của Việt Nam Hội nhập về hàng loạt các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ hoạt động khi chưa đủ điều kiện, chính quyền thành phố Nam Định đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu tạm dừng với các cơ sở. Việc các cơ sở hoạt động khi chưa đủ điều kiện, trách nhiệm thuộc về ai?

VNHN – Sau khi có phản ánh của Việt Nam Hội nhập về hàng loạt các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ hoạt động khi chưa đủ điều kiện, chính quyền thành phố Nam Định đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu tạm dừng với các cơ sở. Việc các cơ sở hoạt động khi chưa đủ điều kiện, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 07/3/2019, UBND Tp Nam Định đã có Văn bản số 218/UBND–VX chỉ đạo các phường, xã trên địa bàn thành phố khẩn trương lập Đoàn kiểm tra, xác minh và yêu cầu tạm dừng hoạt động của các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ trên địa bàn.

Ngày 21/3/2019, UBND Tp Nam Định có Văn bản số 308/UBND-VX  gửi Tòa soạn Việt Nam Hội nhập, thông tin về kết quả kiểm tra về các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ trên địa bàn.

Theo nội dung văn bản phản hồi, trên địa bàn thành phố Nam Định có 6 cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ hoạt động. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở đều chưa có đủ Giấy phép theo quy định, chủ các cơ sở đã được yêu cầu ký cam kết chỉ hoạt động trở lại khi được các cơ quan chức năng cấp phép.

 

Các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ trên địa bàn Tp Nam Định đã được yêu cầu tạm dừng đóng cửa cho đến khi có đủ giấy phép theo quy định

 

Trong 6 cơ sở được yêu cầu tạm dừng có 2 cơ sở hoạt động theo hình thức doanh nghiệp là  cơ sở tại số 100 Trần Bích San (P. Trần Quang Khải) và Cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ của Công ty TNHH giáo dục và trị liệu tâm lý Thiên Trường (số 14 Nguyễn Đức Thuận – phường Hạ Long)

 

Văn bản phản hồi của UBND Tp Nam Định

 

Trước đó, khi phóng viên đi thực tế tại các cơ sở, một số đơn vị khẳng định, hoạt động của cơ sở đã được cấp phép và giấy phép của họ do… Chủ tịch UBND phường cấp (?). UBND Tp Nam Định liệu có biết việc này?

Như vậy, suốt một thời gian dài (có cơ sở đã hoạt động 7 năm, cơ sở khác hoạt động 4-5 năm), các cơ sở dù chưa đủ điều kiện nhưng vẫn “ngang nhiên” hoạt động giữa lòng thành phố. Vậy “thế lực” nào phía sau “bảo kê”, che chắn cho hoạt động của các cơ sở này? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sai phạm của các cơ sở?

Việc thành phố Nam Định yêu cầu tạm dừng đóng cửa với những cơ sở này liệu đã đủ? Các cơ sở liệu có phải chịu biện pháp xử lý hành chính nào hay không? Số tiền thu được trong cả quá trình hoạt động mà không phải chịu bất cứ mức thuế nào sẽ được “cho qua” hay áp dụng biện pháp khắc phục nào?

Nếu như các cơ sở không bị áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật nào, hoàn thiện thủ tục cấp phép thì rất có thể tạo ra tiền lệ cho các cơ sở khác, cứ “ngang nhiên” hoạt động, khi nào bị kiểm tra, nhắc nhở mới xin cấp phép?

Theo thông tin Tòa soạn nhận được, doanh thu từ hoạt động can thiệp trẻ tự kỷ hết sức hấp dẫn. Phải chăng đây cũng là lý do chính thúc đẩy dịch vụ này “nở rộ”? Doanh thu “khổng lồ” đã khiến nhiều cơ sở bất chấp các quy định, áp dụng nhiều biện pháp chiêu mộ học viên đến với đơn vị mình? Ai sẽ là “nạn nhân” trực tiếp? Thiệt hại của phụ huynh sẽ chỉ là tiền bạc và thời gian? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm bù đắp “giai đoạn vàng” can thiệp đối với những trẻ tự kỷ thực sự?

Trong những bài tiếp theo, Việt Nam Hội nhập sẽ tiếp tục “lật tẩy” thông tin về các cơ sở can thiệp chưa được cấp phép can thiệp trẻ tự kỷ, về doanh thu “khổng lồ” từ hoạt động này./.

Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH quy định điều kiện và thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức lại, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, quy định tại Điều 8 (Điều kiện hoạt động của Trung tâm), Trung tâm được phép hoạt động khi có đủ các điều kiện sau:

1. Quyết định thành lập hoặc Quyết định cho phép thành lập của Chủ tịch UBND cấp tỉnh;

2. Cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật:

a) Trụ sở, phòng làm việc của lãnh đạo, giáo viên, nhân viên;

b) Phòng học, phòng chức năng tương ứng để thực hiện các hoạt động của Trung tâm;

c) Khu nhà ở cho học sinh đối với Trung tâm có người khuyết tật nội trú;

d) Phương tiện, thiết bị, công cụ sử dụng cho đánh giá, can thiệp, dạy học, hướng nghiệp, dạy nghề;

e) Tài liệu chuyên môn, tài liệu hỗ trợ bảo đảm thực hiện các hoạt động của Trung tâm.

3. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật

a) Giám đốc Trung tâm phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt hoặc tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, có hiểu biết về đặc điểm phát triển của người khuyết tật, về nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục cho người khuyết tật;

b) Giáo viên có trình độ trung cấp trở lên, có chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục người khuyết tật;

c) Nhân viên hỗ trợ giáo dục được tập huấn về giáo dục người khuyết tật.

4. Nội dung chương trình giáo dục và tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật, gồm:

a) Nội dung chương trình, tài liệu về giáo dục cá nhân đối với người khuyết tật thuộc các dạng tật;

b) Nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng về giáo dục người khuyết tật thuộc các dạng tật;

c) Tài liệu tư vấn về việc lựa chọn các phương thức giáo dục phù hợp với dạng và mức độ tật của người khuyết tật.