26/04/2024 lúc 03:50 (GMT+7)
Breaking News

Nam Định: Hàng loạt cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ hoạt động 'chui'?

VNHN - Với sự gia tăng nhanh số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ những năm gần đây, tại Tp Nam Định, tỉnh Nam Định đã “nở rộ” nhiều cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ hoạt động khi chưa đủ điều kiện.

VNHN - Với sự gia tăng nhanh số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ những năm gần đây, tại Tp Nam Định, tỉnh Nam Định đã “nở rộ” nhiều cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ hoạt động khi chưa đủ điều kiện.

Nhu cầu hỗ trợ, can thiệp cho trẻ tự kỷ ngày càng tăng. Nhanh chóng nắm bắt nhu cầu bức thiết của các bậc phụ huynh, không ít cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ đã ra đời. Không khó để tìm ra những địa điểm nhận dạy trẻ tự kỷ được giới thiệu qua mạng với đủ hình thức: Dạy trẻ tại nhà, dạy tại nhà giáo viên, tại Trường Mầm non,... thậm chí có cả nơi dạy trẻ tự kỷ được giới thiệu là … của Công ty tư nhân.

Căn cứ theo đơn thư phản ánh của phụ huynh, phóng viên Việt Nam Hội nhập đã có những ghi nhận thực tế, hàng loạt cơ sở dạy trẻ tự kỷ tại phường Hạ Long, Trần Quang Khải, Nguyễn Du,… (TP Nam Định) hoạt động khi không đủ điều kiện: Giáo viên chưa có chuyên môn giáo dục trẻ tự kỷ, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, các cơ sở chủ yếu hoạt động theo hình thức thành lập Công ty TNHH,...

Nhiều cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ ngang nhiên hoạt động, liệu chính quyền có biết?

Vì lợi nhuận, những cơ sở này dễ dàng “dán nhãn” trẻ tự kỷ cho các trẻ có dấu hiệu chậm nói, thích chơi một mình,… Các phương pháp hỗ trợ, can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ không phù hợp với đối tượng, nhu cầu, mức độ phát triển không những không giúp được trẻ tiến bộ mà còn làm cho mức độ trầm trọng hơn.

Nhiều trẻ có dấu hiệu tự kỷ vào những cơ sở này một thời gian, những chương trình can thiệp không phù hợp rồi phải chuyển đi chỗ khác vì không có sự chuyển biến.

Bức xúc vì từng phải đưa con đi qua nhiều cơ sở, chị H.T.H (huyện Ý Yên – Nam Định) chia sẻ, chị và nhiều phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ khác gần như không có phương hướng, phải tự mò mẫm tìm kiếm các cơ sở giáo dục chuyên biệt cho con. Thực tế đã có nhiều phụ huynh tìm đến những cơ sở không có chuyên môn khiến vừa mất tiền, vừa tốn thời gian mà con không hề chuyển biến.

“Chúng tôi làm sao biết được cơ sở nào có phép, cơ sở nào không phép, khi con chúng tôi mắc tự kỷ, ai chỉ ở đâu hay là chúng tôi tới đó. Hãy giúp chúng tôi, hãy kiểm tra kỹ từng cơ sở và thẳng tay dẹp bỏ những cơ sở không phép… Đừng để chúng tôi đơn độc!” - chị H.T.H mong muốn. 

Với những trẻ tự kỷ thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em nông thôn, cha mẹ đành phải để con ở nhà; trẻ không được tiếp nhận can thiệp sớm; thậm chí các em còn bị chối bỏ (tước mất quyền học) ở những trường hòa nhập, hay yêu cầu cần được can thiệp chuyên biệt, kịp thời. Do đó, trẻ sẽ khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng.

Mong muốn của các phụ huynh liệu có thành sự thật với những cơ sở can thiệp như thế này?

Quản lý chuyên môn, nhân sự, các điều kiện chăm sóc và giáo dục để đảm bảo rằng hoạt động giáo dục cho trẻ tự kỷ phải giúp trẻ phát triển trong tình hình hiện nay là rất khó khăn. Nếu như các phương pháp hỗ trợ, can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ không phù hợp với đối tượng, nhu cầu, mức độ phát triển thì không những không giúp được trẻ tự kỷ tiến bộ mà còn làm cho mức độ trầm trọng hơn.

Thông tin từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định cho biết, đến thời điểm 19/12/2018, Sở chưa nhận được đề nghị của các cơ quan liên quan trong việc phối hợp thẩm định thành lập cơ sở/trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập/dạy trẻ tự kỷ của tổ chức/cá nhân nào trên địa bàn tỉnh.

Hàng loạt các cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ khi chưa đủ điều kiện ngang nhiên hoạt động giữa lòng thành phố Nam Định, liệu các cơ quan chức năng có biết?

Việt Nam Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.