20/04/2024 lúc 15:34 (GMT+7)
Breaking News

Nam Đàn (Nghệ An) - Huyện đi đầu trong triển khai thực hiện chương trình OCOP

VNHN - Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2018 - 2020 và OCOP Nghệ An vừa được phê duyệt với nguồn vốn ngân sách 120 tỷ đồng, sẽ là cơ hội để nhiều sản phẩm đặc sản của Nghệ An được chắp cánh trong thời gian tới nếu có cách làm và bước đi thích hợp. Với huyện Nam Đàn (Nghệ An) cũng vậy, đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ

VNHN - Nam Đàn là một trong những huyện đi đầu của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP). Ngay khi Chương trình được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt, kết hợp với triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2025, huyện Nam Đàn đã phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng và xây dựng Đề án mỗi xã một sản phẩm (Đề án OCOP huyện Nam Đàn giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030). Đề án đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số: 5931/QĐ-UBND ngày 24/10/2019.

Tương Sa Nam là 1 trong 8 sản phẩm phát triển thành hàng hóa theo chuỗi giá trị

Theo đó, trọng tâm của OCOP huyện Nam Đàn là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn huyện Nam Đàn theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế OCOP tại cộng đồng thực hiện. Các sản phẩm tạo ra từ Chương trình có sự khác biệt, mang đặc thù gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của Nam Đàn nhằm thu hút và phục vụ du lịch trên địa bàn cũng như để chiếm ưu thế khi đi ra thị trường phân phối trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 cũng như triển khai thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu.

Để thực hiện chương trình, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; Cộng đồng dân cư (bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm trên địa bàn nông thôn) tự tổ chức triển khai thực hiện.

Mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2025 là:  Phát triển sản xuất kinh doanh ít nhất từ 10 - 15 sản phẩm truyền thống đặc sắc tại các cộng đồng trong huyện; Xác định, lựa chọn hoàn thiện/nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ít nhất từ 10 - 15 sản phẩm truyền thống có tiềm năng và khả năng thu hút, phục vụ du lịch; Hình thành từ 3 - 5 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng và tái cơ cấu các tổ chức đã có để phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thống (là các công ty cổ phần, công ty TNHH, HTX, Tổ hợp tác,...); Phấn đấu có từ 5 - 10 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; và hình thành được ít nhất 02 trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch. Đến năm 2030:  Có 30 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030. Trong đó tối thiểu 50% số sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; đồng thời phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 20 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030.

Miến gạo Quy Chính đang dần dần có chỗ đứng trong thị trường

Thực tế trên địa bàn huyện Nam Đàn có 57 sản phẩm tiềm năng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP, trong đó tập trung chủ yếu vào nhóm thực phẩm (30 sản phẩm), tiếp đến là nhóm dịch vụ du lịch nông thôn (13 sản phẩm), nhóm thảo dược (10 sản phẩm), nhóm đồ uống (03 sản phẩm), nhóm đồ lưu niệm, nội thất, trang trí (01 sản phẩm).Trong số này, nhiều sản phẩm gắn với đặc trưng, thế mạnh của huyện Nam Đàn như: sản phẩm tương Sa Nam, quả hồng Nam Anh, gạo Làng sen, miến gạo Quy Chính, giò me Nam Nghĩa... Một số sản phẩm tiềm năng OCOP có quy mô lớn trên địa bàn toàn huyện hoặc một số xã trong huyện như chanh (tổng diện tích 565 ha, tập trung tại các xã Nam Kim, Khánh Sơn, Nam Lộc, Nam Tân); lạc (tổng diện tích 1.365,4 ha, sản lượng đạt 3.545 tấn/năm, tập trung tại một số xã như Nam Cường, Nam Thanh, Nam Lộc, Khánh Sơn), hồng ( 174,8 ha, tập trung tại xã Nam Anh)...

Tuy vậy, trong số các sản phẩm tiềm năng OCOP của huyện, chỉ có các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi là có nguồn gốc nguyên liệu được sản xuất ngay trên địa bàn huyện như chanh, lạc, hồng, gạo,... Còn lại các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp như giò me Nam Nghĩa, tương Sa Nam, gạo lứt, miến gạo Quy Chính, tinh bột sắn dây, tinh bột nghệ... nguyên liệu được thu thập một phần tại các huyện, tỉnh khác. Điều đó cho thấy hiện nay chưa gắn phát triển sản xuất với các sản phẩm chế biến chủ lực của huyện (miến gạo Quy Chính, tương Sa Nam, giò me Nam Nghĩa,...). Do đó, cần có chính sách quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm chủ lực, tạo sự liên kết cao trong sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập cho cả hộ chế biến và người sản xuất trên địa bàn. Có hai hình thức tham gia của cộng đồng trong phát triển các sản phẩm OCOP. Thứ nhất là trực tiếp tạo ra sản phẩm OCOP (tham gia vào quá trình sản xuất, quản lý và điều hành) và cộng đồng làm chủ thể của sản phẩm OCOP. Thứ hai là tham gia gián tiếp vào quá trình tạo ra sản phẩm OCOP (lao động, cung cấp nguyên vật liệu chính cho các hộ đăng ký sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, Cty TNHH 1 TV, Hợp tác xã...) và cộng đồng không phải là chủ thể của OCOP.

Quả Hồng xã Nam Anh

Trong thời gian qua, huyện Nam Đàn đã thu hút được rất nhiều các tác nhân tham gia phát triển sản xuất kinh doanh đặc biệt là tầng lớp trí thức, có trình độ học vấn cao như HTX chanh Nam Kim, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, Cty TNHH 1 TV Nam Sơn,... Mặc dù vậy, đa số các hộ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, HTX và Tổ hợp tác trình độ vẫn còn hạn chế, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu năm,...đây là một thách thức lớn trong việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, quảng bá giới thiệu và bán sản phẩm. Huyện sẽ có giải pháp cụ thể và đồng bộ trong việc nâng cao nguồn nhân lực đặc biệt là các chủ thể OCOP trên địa bàn. Hiện trên địa bàn huyện Nam Đàn có 04 loại hình chủ thể tham gia sản xuất kinh doanh các sản phẩm tiềm năng OCOP gồm hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất, THT/HTX và các doanh nghiệp. Nhưng lại chủ yếu là các hộ sản xuất chưa có đăng ký sản xuất kinh doanh. Mà theo quy định về chủ thể OCOP, các nhóm hộ sản xuất cần được chuyển đổi sang hộ/doanh nghiệp sản xuất có đăng ký kinh doanh hoặc các hình thức liên kết sản xuất khác như THT, HTX, Công ty cổ phần,... để đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP. Đây cũng là vấn để Nam Đàn phải xúc tiến hoàn thiện.

Một vườn chanh ở xã Khánh Sơn

Huyện Nam Đàn đã xác định rõ nội dung triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2025 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, sẽ tiến hành 03 nội dung: Hoàn thiện hệ thống tổ chức Chương trình (trong đó bước khởi đầu quan trọng là đăng ký ý tưởng sản phẩm. Tuy nhiên, khi chọn sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, hạn chế lớn nhất lại là vấn đề tay nghề, việc nắm bắt kỹ thuật, công nghệ, mẫu mã sản phẩm mới của lao động nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường); Khởi động Chương trìnhTriển khai chương trình thường niên (được thực hiện theo chu trình OCOP tỉnh Nghệ An gồm 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, HTX và SMEs)...

Không phải là không có những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Song, với quyết tâm và sự  đồng thuận, với sự chuẩn bị chu đáo của huyện, chúng ta tin rằng Nam Đàn sẽ thành công trong Chương trình ý nghĩa này.