20/04/2024 lúc 01:41 (GMT+7)
Breaking News

Nắm bắt thời cơ nâng vị thế gạo Việt

VNHN - Sau đợt hạn mặn kỷ lục tác động tiêu cực đến vựa lúa miền Tây, tín hiệu tích cực từ thị trường lúa gạo toàn cầu thời hậu Covid-19 đang tạo vị thế mới cho Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.

VNHN - Sau đợt hạn mặn kỷ lục tác động tiêu cực đến vựa lúa miền Tây, tín hiệu tích cực từ thị trường lúa gạo toàn cầu thời hậu Covid-19 đang tạo vị thế mới cho Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.

Với những cơ hội đang mở ra, xuất khẩu gạo Việt Nam rất có lợi thế để vượt qua Thái Lan, soán ngôi đầu thế giới trong năm nay. Song chặng đường đua từ nay đến cuối năm vẫn còn rất dài, vì thế các doanh nghiệp (DN) cần nỗ lực và thận trọng.

Nguồn cung lúa gạo dồi dào

Trái hẳn với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác gặp khó khăn về đầu ra cũng như giá bán giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập, do có sự chủ động nên lúa đang là một trong những cây trồng ít chịu tác động. Minh chứng cụ thể là trong vụ đông xuân và hè thu, nông dân các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL liên tiếp trúng mùa, được giá. Vừa thu hoạch xong 1ha lúa, ông Phan Thiện Khanh ở xã Vị Thanh (Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết: “Trước đó dù còn một tháng mới thu hoạch nhưng thương lái đã tìm đến tận ruộng để đặt cọc tiền. Thu hoạch xong thì họ mua lúa tươi tại ruộng với giá 5.500 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg so với năm trước. Giá lúa hiện tại đã vượt so với vụ lúa đông xuân vừa qua 100-300 đồng/kg (tùy giống). Chưa khi nào nông dân phấn khởi như hai vụ mùa năm nay”.

Không riêng Hậu Giang, mà nông dân nhiều địa phương trong vùng cũng phấn khởi bởi giá lúa đang ở mức cao nhất của vụ lúa hè thu trong nhiều năm gần đây. Cùng với giá tăng thì năng suất lúa hiện tại cũng cao hơn so với cùng kỳ từ 150-250kg/công tầm lớn (1.296m2), đạt từ 800-900kg/công tầm lớn.

Tổng hợp từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, đến đầu tháng 6, toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được hơn 1,2 triệu héc-ta lúa hè thu (kế hoạch 1,53 triệu héc-ta). Hiện tại, nông dân đã thu hoạch hơn 55.000ha, ước năng suất bình quân đạt gần 6,1 tấn/ha. Trước đó, vụ lúa đông xuân cả nước thu hoạch khoảng 20,2 triệu tấn, riêng khu vực ĐBSCL đạt sản lượng gần 10,8 triệu tấn. Như vậy, tổng sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt gần 2,9 triệu tấn và 1,41 tỷ USD, tăng 5,1% về khối lượng và 18,9% về giá trị so với cùng kỳ. Với đà xuất khẩu và lượng lúa gạo trên, các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, lượng gạo dồi dào và sẵn sàng đưa gạo ra thị trường theo yêu cầu của Chính phủ. Còn các thương nhân cũng cam kết tuân thủ về duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu 5% số lượng gạo mà thương nhân xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu Chính phủ yêu cầu.

Nhiều cơ hội mới cho gạo Việt

Mặc dù có sự tác động từ nhiều yếu tố, tuy nhiên, xuất khẩu gạo vẫn là điểm sáng. Đặc biệt, sau khi lệnh ngưng xuất khẩu gạo được tháo gỡ, giá gạo xuất khẩu cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4-2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Võ Quốc Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Phước Đạt (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là DN kinh doanh gạo xuất khẩu, cho biết: “Đến nay, lượng gạo vụ đông xuân đã bán xong, giá gạo xuất khẩu đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Chúng tôi vừa xuất khẩu một lượng lớn gạo thơm với giá từ 480 đến 640 USD/tấn”.

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi, giá bán cao hơn so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong tháng 5 đạt 542 USD/tấn, tăng 36 USD/tấn so với tháng 1 và tăng 32 USD/tấn so với cùng kỳ 2019”.

Với mức giá cạnh tranh, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa có hiệu lực đã mang đến nhiều cơ hội lớn về xuất khẩu gạo cho Việt Nam. Lý giải cho điều này, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: "Hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU đang bị áp thuế rất cao, tới 45%. Trong khi đó, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào EU nên gạo Việt không thể cạnh tranh. EVFTA có hiệu lực có thể không khiến kim ngạch xuất khẩu gạo tăng đột biến, song đây sẽ là cơ hội rất lớn để đa dạng hóa thị trường cho gạo xuất khẩu và giúp gạo Việt có thêm lợi thế cạnh tranh với gạo các nước khác".

Cùng với EVFTA, một số thuận lợi khác cũng đến với gạo Việt khi Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc hai văn bản thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO (Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam), về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan. Theo đó, từ ngày 1-1-2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo. Lượng hạn ngạch phân bổ cho Việt Nam bao gồm các loại gạo mà Việt Nam có thể trồng và xuất khẩu.

Cần sự chuẩn bị kỹ cho cuộc chạy đua

Mặc dù đang nắm nhiều lợi thế, song để đạt ngôi vị quán quân về xuất khẩu gạo thì sự cạnh tranh không hề nhỏ. GS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ) phân tích: "Trung bình mỗi năm, Thái Lan xuất khoảng 10 triệu tấn gạo, năm nay mất mùa có thể giảm xuống còn 7-8 triệu tấn, nhưng sản lượng gạo cũng hơn chúng ta. Đồng thời, Thái Lan đang có nhiều khách hàng hơn Việt Nam; hệ thống sản xuất lúa gạo cũng rất bài bản, trong khi nông dân Việt Nam vẫn mạnh ai nấy trồng. Muốn chiếm lĩnh thị trường, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách sản xuất. Nông dân phải liên kết với nhau trong một hợp tác xã. Hợp tác xã liên kết với DN và DN cũng phải xông xáo chào hàng ra thị trường, cho người tiêu dùng thế giới thấy gạo Việt Nam ngon không thua gạo Thái".

Đồng quan điểm trên, Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua ("cha đẻ" của giống lúa ST25, sản phẩm gạo được vinh danh ngon nhất thế giới) cho rằng, bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng và quảng bá hình ảnh, ngành gạo cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu. “Sau bài học từ cơn sốt gạo ngon nhất thế giới ST25 cho thấy, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường. Hiệu ứng từ gạo ST25 đã khiến loại gạo ST24 của nhiều DN xuất khẩu được quan tâm, tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo giá thành được đẩy lên rất cao, từ 22.000 đồng/kg lên 34.000-35.000 đồng/kg. Vì thế, chúng ta cần nghiên cứu đầu tư giống mới, cũng như sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao, thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp”, kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ.

Riêng với thị trường EU, theo các chuyên gia thì cơ hội là có, song tiêu chuẩn đặt ra rất cao. Do vậy, muốn giữ vững vị trí trên thị trường lúa gạo thế giới, cần có chiến lược dài hạn về an ninh lương thực. Trong đó, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của vùng ĐBSCL; cần có chương trình đầu tư thích hợp cho vùng lúa lớn nhất nước; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong vấn đề phòng, chống biến đổi khí hậu; đổi mới công nghệ chế biến; tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách tổ chức kinh doanh lúa gạo theo chuỗi giá trị, đồng thời phải kiểm soát được tiêu chuẩn chất lượng gạo từ sản xuất, chế biến đến các kênh phân phối bằng pháp luật và chất lượng quản lý. Với cơ hội và lợi thế sẵn có, nếu có sự đầu tư kỹ thì tin rằng đây sẽ là điều kiện thuận lợi để gạo Việt tiến xa hơn./.