29/03/2024 lúc 02:18 (GMT+7)
Breaking News

Nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghiệp 4.0

VNHN - Trong bài viết Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới việc thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

VNHN - Trong bài viết Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới việc thúc đẩy phát triển ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

Ðây là một trong các giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.

Thời gian vừa qua, cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống con người trên toàn thế giới và tác động không nhỏ tới Việt Nam. Nhờ công nghệ số, chúng ta đã có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Nền tảng số đã thúc đẩy các ngành kinh doanh cải tiến mô hình, tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới, giúp kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Do vậy, Ðảng ta xác định tập trung phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ Chính phủ đến xã hội, doanh nghiệp để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Tuy nhiên, việc phát triển đang gặp những rào cản, nhất là trong xây dựng Chính phủ điện tử. Ðó là thể chế thiếu các nền tảng pháp lý quan trọng như việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; định danh, xác thực điện tử; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân. Hạ tầng công nghệ, khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam chưa phù hợp với tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Chưa có các hệ thống nền tảng dùng chung gồm nền tảng hạ tầng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, hệ thống xác thực tập trung, cổng dịch vụ công quốc gia. Vấn đề nguồn nhân lực, việc tổ chức triển khai chưa phát huy vai trò người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo thực hiện. Thói quen sử dụng văn bản giấy tờ của cán bộ, công chức cũng như việc chưa sẵn sàng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến của người dân.

Ðể phá bỏ rào cản, chúng ta phải triển khai đồng thời cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, minh bạch thông tin, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bên cạnh đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp, mới tạo ra yếu tố quyết định thành công. Ngoài ra cần phải có chiến lược quản lý để thay đổi thói quen làm việc từ giấy tờ truyền thống sang môi trường điện tử. Do vậy, cần thiết phải triển khai song song việc đào tạo, tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống...

Ðây là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để chúng ta có thể "đi tắt đón đầu", là con đường để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, chúng ta cần thấm nhuần sâu sắc những chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, kịp thời nắm bắt thời cơ, nhanh chóng khắc phục hạn chế, vướng mắc, thúc đẩy nhanh sự phát triển của kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số.

NGUYỄN THỊ BÌNH

Giảng viên Trường đại học Mỏ - Ðịa chất, Hà Nội