29/03/2024 lúc 19:45 (GMT+7)
Breaking News

Nắm bắt cơ hội cho lao động Việt Nam trong thời kỳ mới

Trong giai đoạn hiện nay, cả thế giới là một thị trường lao động rộng lớn, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại nhiều quốc gia và ngược lại. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với lao động nước ta, bởi tỷ lệ lao động trong nước qua đào tạo hiện đạt thấp; số lượng lao động trong độ tuổi giảm dần do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh... Thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành hữu quan cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm hóa giải các thách thức, chủ động nắm bắt các cơ hội.

Trong giai đoạn hiện nay, cả thế giới là một thị trường lao động rộng lớn, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại nhiều quốc gia và ngược lại. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với lao động nước ta, bởi tỷ lệ lao động trong nước qua đào tạo hiện đạt thấp; số lượng lao động trong độ tuổi giảm dần do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh... Thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành hữu quan cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm hóa giải các thách thức, chủ động nắm bắt các cơ hội.

Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, cả nước đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm: để xây dựng thị trường lao động đủ sức cạnh tranh, Cục đã phối hợp với các đơn vị xây dựng hai đề án. Theo đó, đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” được thiết kế đa tầng, đa lĩnh vực, rõ thông tin, dữ liệu cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; còn đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” gồm nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng năng động, hiện đại, tăng sức cạnh tranh; tăng cường kết nối cung - cầu về lao động…

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề hằng năm được các địa phương lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nghề. Trong khi đó, các nhà trường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, bảo đảm đa số người học chắc chắn có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Tại Hà Nội, quý I-2021, thành phố giải quyết việc làm cho hơn 40.000 người. Từ nay đến cuối năm, toàn thành phố phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 220.000 lượt người, tạo việc làm mới cho ít nhất 160.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71,5% (hiện là 70,25%)…Về phía chủ sử dụng lao động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động đang làm việc, đồng thời phối hợp với các trường nghề đào tạo lực lượng lao động dự phòng. Đối với người học, khi chủ động trang bị kiến thức nghề nghiệp, họ dễ dàng tiếp cận với cơ hội việc làm. 

Thông qua nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tin tưởng, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm cả nước tiếp tục tạo ra hơn 1 triệu vị trí việc làm mới cho người lao động; số lao động được đào tạo nghề trong giai đoạn này là hơn 19 triệu lượt người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 70% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025.