20/04/2024 lúc 16:25 (GMT+7)
Breaking News

Mường Khương: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Xây dựng huyện Mường Khương trở thành địa phương phát triển Nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được Đảng bộ huyện Mường Khương khóa XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) quyết liệt triển khai thực hiện.

Xây dựng huyện Mường Khương trở thành địa phương phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được Đảng bộ huyện Mường Khương khóa XXIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) quyết liệt triển khai thực hiện.

Mường Khương vốn là một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, trước đây chưa từng được tiếp cận với nguồn đầu tư kinh tế nào do địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại không thuận tiện. Năm 2021, do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các sản phẩm chủ lực của huyện không thể xuất khẩu; nhiều thiên tai, mưa lũ xảy ra cộng với những khó khăn của huyện vùng cao biên giới đã tác động không nhỏ đến tiến độ xây dựng và phát triển nông thôn mới của huyện Mường Khương. Vì vậy, huyện đang quyết tâm và nỗ lực không ngừng, tập trung chỉ đạo, đưa ra những giải pháp thực hiện, phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Một góc huyện Mường Khương nhìn từ trên cao - Nguồn ảnh: Sưu tầm

Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới được chính quyền huyện Mường Khương đặc biệt chú trọng đó là tổ chức chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với hạ tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là đối với địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục tổ chức quy hoạch sản xuất, nâng cao giá trị canh tác trên mỗi đơn vị diện tích; sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến, liên kết, tiêu thụ và tạo thương hiệu cho từng sản phẩm trên thị trường; chú trọng vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các khâu chế biến thực phẩm; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng các cây trồng chủ lực; thực hiện công tác triển khai mở rộng diện tích trồng chè, trồng rừng năm 2021; tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng tránh dịch bệnh, giữ vệ sinh chuồng trại cho đàn gia súc, gia cầm.

Theo Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Mường Khương có 4 ngành hàng chính: Cây chè với tổng diện tích 3.476 ha (chè kinh doanh 2.326,2 ha, chè kiến thiết cơ bản 1.149,8 ha); sản lượng dự kiến đạt 22.000 tấn, đến nay đã thu hoạch được 19.020 tấn, giá trị đạt 139,84 tỷ đồng. Trên địa bàn hiện có 6 nhà máy và Công ty Cổ phần Chè Phong Hải tham gia tiêu thụ, với sản lượng khoảng 38.000 tấn chè búp tươi/năm. Sắp tới, huyện Mường Khương sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng vùng chè nguyên liệu, tiếp tục trồng mới 1.924 ha trong giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó 600 ha chè Shan tuyết giống mới tại các xã Dìn Chin, Tả Gia Khâu), nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 5.400 ha; giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới 1.800 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 7.200 ha. Khi các nhà máy thực phẩm hoạt động thì phần lớn người dân lao động tại huyện Mường Khương sẽ có thêm công việc, nâng cao chất lượng đời sống, giảm tải gánh nặng việc làm, an sinh xã hội cho chính quyền địa phương.

Đối với cây dứa, có diện tích trồng là 1.195,2 ha, sản lượng thu hoạch trong niên vụ 2021 - 2022 ước tính rơi vào khoảng 15.000 tấn; hiện một phần sản lượng dứa đã được Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu thu mua, chế biến với công suất 50 tấn quả/ngày (tương đương 1.500 tấn quả/tháng). Cây chuối có 1.327,7 ha (diện tích cho thu hoạch tế là 1.121 ha); sản lượng ước tính đạt 28.000 tấn/năm, hiện đã thu được hơn 24.000 tấn, do Hợp tác xã Châu Thịnh Phong liên kết tiêu thụ, xuất khẩu. Ngoài ra, huyện Mường Khương còn có một vài sản phẩm như quýt (khoảng 815 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 356 ha), sản lượng dự kiến trên 3.000 tấn; lúa Séng cù (500 ha/năm), sản lượng đạt 2.500 tấn/năm; cây ớt (28 ha), sản lượng 140 tấn,... 

Phân xưởng đóng hộp của Nhà máy chế biến rau quả Mường Khương - Nguồn ảnh: baolaocai.vn

Nhờ vào những chỉ đạo quyết liệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm tới hơn 65% (trước năm 2015), đến giai đoạn 2015 - 2020, huyện Mường Khương đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm bình quân khoảng 9%, trở thành một trong những địa phương có tốc độ giảm nghèo cao nhất của tỉnh Lào Cai. Phấn đấu đến năm 2025 vượt qua diện nghèo và đến năm 2030 trở thành địa phương khá của tỉnh./.