24/04/2024 lúc 05:56 (GMT+7)
Breaking News

Một số điểm mới về hệ thống chính trị trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, dân chủ, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực là yêu cầu quan trọng trong quá trình đổi mới ở nước ta. Toàn Đảng tiến hành đại hội các cấp tiến tới Đại hội XIII trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, dân chủ, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực là yêu cầu quan trọng trong quá trình đổi mới ở nước ta. Toàn Đảng tiến hành đại hội các cấp tiến tới Đại hội XIII trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Dự thảo Văn kiện trình Đại hội đã xác định nhiều điểm đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đó là: đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền; đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong bối cảnh mới.

1. Yêu cầu về xây dựng hệ thống chính trị trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Để chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII (tháng 10-2018), Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập các tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện; tại Hội nghị Trung ương 10 (5-2019) Trung ương đã cho ý kiến vào dự thảo đề cương các văn kiện và dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Hội nghị Trung ương 11, tháng 10-2019). Tiếp đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gửi đại hội đảng bộ các cấp để góp ý kiến. Trên cơ sở tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp, của đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân, Dự thảo được hoàn thiện, trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương xem xét hoàn chỉnh trình Đại hội XIII của Đảng.

Đánh giá về những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức và vận hành của hệ thống chính trị, Dự thảo văn kiện đã chỉ rõ:

(i) Phương thức tổ chức và hoạt động của Đảng. Việc “thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm; thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảngchuyển biến chưa đều; chưa chú trọng công tác phòng ngừa; công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa chú trọng đầy đủ đến vấn đề chính trị hiện nay; công tác dân vận có nơi, có lúc còn hạn chế;việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là những địa bàn phức tạp chưa kịp thời, sâu sát; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phíở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức; phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trọng tâm là đối với Nhà nước còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao”(1).

(ii) Tổ chức và hoạt động của Nhà nước: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có một số mặt chưa rõ nên còn lúng túng; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ; cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước; tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế…”(2).

(iii) Tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội “chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều”(3).

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân nhận thức “chưa sâu sắc, thiếu thống nhất”, năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện “vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục”; sự “hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên”;triển khai đổi mới tổ chức bộ máy một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa đều, chưa thật đồng bộ. Từ những hạn chế và nguyên nhân trên cho thấy yêu cầu đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị là hết sức cần thiết, có thể xem là một trong những khâu đột phá trong quá trình đổi mới ở nước ta giai đoạn hiện nay, điều này được khẳng định qua chủ đề của Đại hội: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dạy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

2. Một số điểm mới về xây dựng hệ thống chính trị trong Dự thảo

- Về công tác xây dựng Đảng. Dự thảo Văn kiện khẳng định cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảngbằng việc tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị.

Dự thảo nhấn mạnh mối quan hệ giữa nhân dân đối với Đảng. Dự thảo đã quy định cụ thể Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Dự thảo khẳng định, “mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân”(4). Phát huy tính chủ động, vai tròvàsự tham gia của nhân dân trong xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.Hoàn thiện, thể chế hóacơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ",thực hiện nguyên tắc:"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"là yếu tố quan trọng trong thực hiện mối quan hệ gắn bó giữa dân với Đảng. Dự thảo cũng đặt ra tiêu chí: “lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên”(5), đây là vấn đề mới khi xác định tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Xây dựng Đảng về đạo đứclà một điểm mới trong Dự thảo. Dự thảo khẳng định cần phải tăng cường và nâng cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trong đó cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu, rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ đảng viên. Đối với đảng viên là lãnh đạo thì cầnthực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương, khẳng địnhvai trò tiên phong, gương mẫucủa đảng viên. Từ yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức, Dự thảo đặt ra vấn đề “nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Xây dựngcác chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng. Tăng cường đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức. Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng lan toả trong Đảng và ngoài xã hội”(6).

Nhằm thực hiện các mục tiêu, trong lĩnh vực xây dựng, đổi mới hệ thống chính tri, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm (so với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị có 2 điểm mới) đó là bổ sung yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Dự thảo khẳng định, “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩaViệt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả Dự thảo đặt ra yêu cầu: “Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”.

Nhằm xây dựng môi trường thể chế pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, tạo động lực cho sự phát triển trong bối cảnh mới, Dự thảo khẳng định phải thiết lập được hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Trong cải cách, xây dựng nền hành chính, Dự thảo đặt vấn đề cần “xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”; xây dựng Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; đẩy mạnhphân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngànhvàvới chính quyền địa phương, đảm bảo quản lý nhà nước thống nhất, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp

Về cải cách tư pháp, Dự thảo đặt yêu cầu xây dựng và thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn mới theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đángcủa tổ chức, cá nhân.

 - Về tổ chức, hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Dự thảo khẳng định cần tăng cường hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện chính sách, giám sát người đứng đầu và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Dự thảo đặt ra yêu cầu, “đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể nhân dân, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyềnvà lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Phát huy sức mạnh nhân dân trong thế trận lòng dânxây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(7).

  Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Dự thảo đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, trong có tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước phápquyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộclà nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

__________________

 (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) ĐCSVN: Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/cong-bo-du-thao-cac-van-kien-dai-hoi-xiii-cua-dang-de-lay-y-kien-nhan-dan-566046.html.

TS Trần Mai Hùng

 Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Phạm Thị Thúy Hồng

Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh