28/03/2024 lúc 20:12 (GMT+7)
Breaking News

Một sáng kiến đáng chờ mong

VNHN - Gần đây tôi được nghe nói về một sáng kiến của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhằm thu hút các nhà khoa học và kỹ sư đẳng cấp quốc tế tham gia cùng cộng đồng khoa học để nâng cao trình độ khoa học công nghệ nơi đây.

VNHN - Gần đây tôi được nghe nói về một sáng kiến của Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh nhằm thu hút các nhà khoa học và kỹ sư đẳng cấp quốc tế tham gia cùng cộng đồng khoa học để nâng cao trình độ khoa học công nghệ nơi đây. 

Điều này tất nhiên đáng hoan nghênh, mọi nỗ lực nhằm đảo ngược xu thế chảy máu chất xám vốn chưa từng giảm bớt trong vòng ba thập kỷ qua đều cần được khuyến khích và ủng hộ. Sự chuyển dịch cần thiết này từng diễn ra ở Trung Quốc từ lâu, và chúng ta vô cùng mong nó cũng diễn ra ở Việt Nam.

Ảnh minh họa - Internet 

Do không được biết chi tiết nội dung bản đề xuất nên tôi không thể đưa ra đánh giá; tôi chỉ có thể bày tỏ những suy nghĩ thẳng thắn về các điều kiện cần thiết để một sáng kiến như vậy đạt được thành công.

Một điều quan trọng, theo tôi, là sự cần thiết có ai đó thực sự được giao trách nhiệm đứng đầu. Nhiều dự án ở Việt Nam thất bại đơn giản vì chẳng ai là người đứng đầu thực sự, ví dụ điển hình nhất là với chương trình phát triển năng lượng hạt nhân; và còn nhiều ví dụ khác: tôi chỉ nêu lại trường hợp tôi được biết rõ, là chương trình Vũ trụ, lẽ ra sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn nếu có ai đó thực sự dẫn dắt để có được sự phối hợp mạch lạc, nhịp nhàng giữa các đơn vị cùng các dự án. Tất nhiên người đứng đầu cần có đủ năng lực, nhưng điều quan trọng hơn nữa là phẩm chất liêm chính và sự đảm bảo rằng người đó sẽ không đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia. Điều tệ nhất là giao những chương trình, dự án như vậy vào tay các ủy ban bởi sẽ chỉ mang lại sự vô trách nhiệm, làm hại lợi ích chung, và tạo cơ hội cho những cá nhân tìm cách giành lấy miếng bánh về phần mình.

Việc lựa chọn các nhà khoa học tham gia dự án phải hoàn toàn không thỏa hiệp và không chấp nhận sai sót. Ở một đất nước như Việt Nam nơi trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và khó khăn, việc lựa chọn người phù hợp tốt nhất nên dựa trên tiếng nói chuyên môn của một hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học quốc tế, trong đó những người được mời phải dựa trên cơ sở năng lực và phẩm chất liêm chính. Đáng tiếc là môi trường hoạt động khoa học ở Việt Nam chưa khuyến khích cách làm như vậy. Khi tham gia và hình thành Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đề nghị đầu tiên của chúng tôi là được có một hội đồng nhỏ các nhà khoa học quốc tế, gặp gỡ định kỳ một lần hằng năm để đánh giá chất lượng công việc và góp ý nhằm tối ưu hóa định hướng phát triển. Đề nghị đó bị từ chối. Thật đáng tiếc bởi một nhà quản lý tốt nên hoan nghênh một hội đồng tư vấn như vậy hỗ trợ mình làm tốt hơn nhiệm vụ được giao. Chỉ những nhà quản lý tồi mới sợ bị phơi bày yếu kém và mất đi cương vị, mà tất nhiên những trường hợp như vậy là vô cùng hiếm hoi.

Tôi biết có nhiều báo cáo được viết bởi các ủy ban tư vấn quốc tế về thực trạng ở Việt Nam, không phải do phía trong nước thúc đẩy, mà do các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Liên Hợp Quốc. Các báo cáo đó thường có nhiều thông tin hữu ích và đất nước sẽ hưởng nhiều lợi ích nếu thực hiện theo các khuyến nghị của họ, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng bị bỏ qua. Sau hai mươi năm sống ở Việt Nam, tôi vẫn không hiểu được nghịch lý này: trong khi người Việt thường đánh giá cao (thậm chí quá cao) các nước đã phát triển và khuyến khích con em mình xuất ngoại tới những đất nước này, nhưng họ lại chẳng muốn lắng nghe những lời khuyên của các chuyên gia đến từ chính những đất nước ấy.

Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp những nhà khoa học Việt kiều được đối đãi không phù hợp, khi chúng ta dành sự coi trọng quá cao hoặc quá thấp đối với trình độ chuyên môn và kỹ năng của họ. Pierre Darriulat

Việc chọn người [tư vấn] là vô cùng quan trọng, tiếp theo không kém phần quan trọng là chọn các chương trình, dự án. Những người được mời tư vấn cần có năng lực chuyên môn tốt, nhưng họ cũng cần am hiểu hiện tình Việt Nam: đâu là các nhu cầu và mục tiêu ưu tiên, đâu là ưu điểm và nhược điểm trong đội ngũ nhân lực. Hiển nhiên những ngành khoa học và công nghệ phục vụ tốt nhất nhu cầu của quốc gia phải được ưu tiên, nhưng chúng ta cần nhìn xa hơn để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai phía trước, cụ thể là dành một nguồn lực nhất định cho nghiên cứu cơ bản. Một lần nữa, ở đây tốt nhất nên thành lập một hội đồng tư vấn vấn quốc tế.

Vấn đề là trong thế hệ các nhà khoa học kỳ cựu trong nước không có đủ các chuyên gia giỏi, điều ấy không có gì đáng xấu hổ bởi đó là hệ quả tất yếu của lịch sử trước đây, khi đất nước còn đói nghèo thì tri thức không được quan tâm phát triển đúng mức. Chúng ta có trách nhiệm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đạt tới trình độ chuyên môn và sự chuyên nghiệp mà thế hệ cha anh không có cơ hội được hưởng. Chỉ như vậy chúng ta mới có thể hi vọng Việt Nam chuyển mình từ một nền kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và đầu tư nước ngoài để trở thành một nền kinh tế tri thức.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trọng dụng các nhà khoa học Việt kiều trở về xây dựng đất nước một cách khách quan tối đa. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp họ được đối đãi không phù hợp, khi chúng ta dành sự coi trọng quá cao hoặc quá thấp đối với trình độ chuyên môn và kỹ năng của họ.

Từ những thông tin hạn chế được biết, tôi khó có thể nói gì thêm; nhưng tôi hi vọng rằng những sáng kiến tương tự sẽ nảy nở ở cả những nơi khác, đặc biệt như ở Hà Nội, và chúng sẽ tạo cơ hội để thay đổi phong cách quản lý khoa học và công nghệ, theo những nguyên tắc cơ bản và thông thường mà tôi vừa vắn tắt đề cập.