28/03/2024 lúc 23:00 (GMT+7)
Breaking News

Một lễ khai giảng đơn sơ mà tràn đầy tình yêu thương ở Quảng Nam

VNHN - Lễ khai giảng tại điểm trường Tăk Pổ (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) với 34 khuôn mặt ngây thơ, háo hức, tay cầm cờ đỏ sao vàng, theo cô giáo chạy trên ngọn đồi đẹp như trong tranh.

VNHN - Lễ khai giảng tại điểm trường Tăk Pổ (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) với 34 khuôn mặt ngây thơ, háo hức, tay cầm cờ đỏ sao vàng, theo cô giáo chạy trên ngọn đồi đẹp như trong tranh.

Bộ ảnh về ngày khai giảng ở điểm trường vùng cao được cô Trà Thị Thu – giáo viên đứng lớp tại điểm trường Tăk Pổ chụp lại vào sáng ngày 5/9. Ngay khi vừa tung lên, bộ ảnh đã gây chú ý với cộng đồng mạng. Sáng 5/9, một lễ khai giảng đơn sơ mà không kém phần ấm cúng được tổ chức trên một điểm trường vùng cao của huyện xa nhất tỉnh Quảng Nam. Điểm trường nơi diễn ra lễ khai giảng là Tắk Pổ - cách trung tâm huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam 10km nhưng không có đường xe máy lên.

Những học sinh tại điểm trường Tắk Pổ 

Các cô giáo lên dạy học phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ vượt núi từ trung tâm xã về điểm trường. Trà Thị Thu - giáo viên cắm điểm trường này cho biết, Tắk Pổ là một trong nhiều điểm trường của Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập. Tại đây có tất cả 34 học sinh con em đồng bào Ca Dong sống bám vào hông các khối núi trên dãy Ngọc Linh, thuộc huyện Nam Trà My.

Học sinh về dự lễ khai giảng

Hai cô giáo trẻ đều chưa lập gia đình đã đi bộ hàng giờ để cõng những lá cờ, những hồ keo lên điểm trường nằm bao quanh rừng núi để cắt tỉa, dọn dẹp, chỉnh trang chuẩn bị cho học sinh mình một buổi lễ khai giảng thật tươm tất, ấm cúng, đơn sơ mà không kém đủ đầy.

Cô giáo trẻ đọc thư chúc mừng khai giảng của Chủ tịch nước tại điểm trường Tắk Pổ trong ngày khai giảng

34 học sinh này được học trong một dãy phòng tạm, thưng bằng gỗ, mái lợp tôn. Thời tiết nơi điểm trường này lạnh mát quanh năm, mùa đông và mỗi sáng sớm thường lạnh cóng, sương bao phủ tới giữa trưa mới lộ ra điểm trường. "Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây" - những câu thơ đã đi vào ký ức của bao thế hệ học trò tưởng chừng như ngủ yên trong tâm trí nhưng chính các thầy cô giáo ở Nam Trà My - những ai đã từng đến điểm trường này dạy học đều "trải lòng" lên Facebook những lời đầy xúc cảm như vậy. Buổi lễ khai giảng đó còn tạo ấn tượng đặc biệt và thương đến cay mắt khi những đứa học trò ngồi dưới bục sân khấu, có em không có dép mang, có em có lẽ áo quần từ lâu đã không được thay mới.

Địu em đến trường

Các em ngồi dưới nền đất của một ngôi trường bao quanh mây mù, ẩm ướt, đưa ánh mắt ngây thơ của mình hướng lên hai cô giáo trẻ. Cô Trà Thị Thu cho biết cũng như ở các trường miền xuôi, sáng nay (5-9), đúng 7h30 34 học sinh tại điểm trường Tắk Pổ đã tập trung đông đủ. Những khuôn mặt lấm lem, hồn nhiên được một số người làng phân công dẫn tới để dự lễ khai giảng. Bục làm lễ khai giảng được kê tạm bằng một chiếc bàn nhỏ, có phủ tấm vải cũ, trên bàn là ảnh của Bác Hồ, không có hoa tươi. Một lá cờ mới cũng được giáo viên dắt trong túi cõng theo để treo vào lễ khai giảng khi lên trường mấy ngày trước đó.

Các em học sinh Ca Dong được các cô giáo chụp hình làm kỷ niệm về lễ khai giảng

Trên bục lễ, hai cô giáo bận hai tà áo dài tinh tươm đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới, hướng dẫn học sinh hát quốc ca, làm các nghi thức khởi đầu năm học mới. Ở bàn kế bên, "đại biểu" lãnh đạo là một người đàn ông Ca Dong - là trưởng nóc Tắk Pổ. "Em về huyện Nam Trà My dạy học 5 năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên em được phân lên phụ trách điểm trường Tắk Pổ. Lễ khai giảng sáng nay 5-9 cũng là cái lễ đầu tiên mà em đón học sinh nơi đây. Thấy các em mà thương lắm, em và một cô giáo phụ trách mầm non đứng ra tổ chức lễ, đạm bạc, nghèo nàn mà rất ấm cúng. Sau lễ thì cô trò dẫn nhau ra bãi cỏ nắm tay nhau chụp hình làm kỷ niệm" - cô giáo trẻ Trà Thị Thu nói.

Dù điều kiện khó khăn nhưng lúc nào cô trò cũng vui 

Trong những ký ức đẹp đẽ nhất của những năm đến trường, lễ khai giảng có lẽ là khoảnh khắc đặc biệt mà từ ngày xưa, không một ai đã từng đến trường, từng dự lễ khai giảng không thuộc lòng những câu thơ vốn đã đi vào ký ức đẹp nhất tuổi học trò: "Hôm nay em đến trường/Mẹ dắt tay từng bước/... Trường của em be bé/Nằm lặng giữa rừng cây". Trong những ký ức đó, cô giáo luôn là hình ảnh thân thương đặc biệt. Nhưng mọi thứ đã cuốn đi và đẩy ngày khai trường của con trẻ chúng ta đi quá xa, đôi khi thấy không còn giống một lễ riêng của lứa tuổi học trò nữa.

"Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây". 

Đủ thứ mệt mỏi, xa lạ, rườm rà, rối rắm và đầy hình thức trong ngày lễ khai trường khiến con trẻ không còn háo hức. Vậy nên rất dễ hiểu khi những hình ảnh ở Tắk Pổ đã "chạm tới" trái tim người xem. Một cô giáo trẻ trong tà áo dài xúng xính dắt lũ học trò nghèo ra sân trường. Những cái đầu khét cháy, những ánh mắt thơ ngây ngước nhìn cô giáo hiền. Nghèo nàn mà thân thương làm sao.

"Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay"

Những hình ảnh ở Tắk Pổ càng thân thương hơn bởi những gì dễ thấy nhất từ điểm trường ấy là sự đơn sơ, tạm bợ, nghèo đến cũ nát. Tắk Pổ đối lập với cảnh khai trường đủ đầy trong cùng một thời điểm ở các thành phố lớn trên cả nước. Nhưng điều mà những cô giáo trẻ, những người lớn đã làm được là cho các em học sinh nghèo một buổi lễ ấm cúng, dẫu đơn sơ mà không có sự thiếu thốn, không ồn ào mà vẫn đủ đầy tình cảm.

Nụ cười chứa đựng những ước mơ và hi vọng của các em

Những nụ cười tươi rói của hai cô giáo trẻ, sự hiện diện một cách rất thật của ông trưởng nóc (thôn trưởng) và cái nắm tay dẫn học sinh vào lớp đã nói lên quá nhiều cảm xúc. Rồi đây, sau khi những hình ảnh về Tắk Pổ được lan tỏa mạnh mẽ, hẳn là sẽ có những chuyến tình nguyện ngược lên núi để thăm hai cô giáo, thăm những học sinh nơi đó. Có thể ngôi trường mới sẽ được thay thế điểm học tạm bợ. Những đứa trẻ lem luốc sẽ có quần áo mới. 

Nhưng nếu không có những sự chia sẻ đó, có lẽ học sinh ở đó dù thiếu ăn thiếu mặc, thiếu những bộ quần áo để tới trường nhưng cái mà các em luôn đủ đầy là sự thương yêu một cách thật lòng, hi sinh của những cô giáo trẻ đang từng ngày bám làng với các em. Cảm ơn hai cô giáo trẻ, các cô đã gieo những hình ảnh tươi tốt về đời sống, về ngành giáo dục trong thời khắc quan trọng của ngày đầu năm đưa con trẻ đến trường.