20/04/2024 lúc 18:55 (GMT+7)
Breaking News

Môn Toán Chương trình GDPT mới: Tăng ứng dụng, gắn thực tiễn

VNHN - Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Toán là môn học bắt buộc từ lớp 1 - 12. Nội dung GD Toán học được phân chia theo hai giai đoạn: GD cơ bản và GD định hướng nghề nghiệp. Chương trình môn Toán trong cả hai giai đoạn có cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số, Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

VNHN - Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Toán là môn học bắt buộc từ lớp 1 - 12. Nội dung GD Toán học được phân chia theo hai giai đoạn: GD cơ bản và GD định hướng nghề nghiệp. Chương trình môn Toán trong cả hai giai đoạn có cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số, Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình GDPT mới - cho biết: Chương trình môn Toán quán triệt các quy định cơ bản được nêu trong chương trình tổng thể; kế thừa và phát huy ưu điểm của chương trình hiện hành trước đó, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, tiếp cận những thành tựu của khoa học GD, có tính đến điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam.

Ảnh minh họa

Tăng tính ứng dụng, gắn kết với thực tiễn

Theo GS Đỗ Đức Thái, chương trình môn Toán bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại thể hiện ở việc phản ánh những nội dung nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, đáp ứng nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như hứng thú, sở thích của người học, phù hợp với cách tiếp cận của thế giới ngày nay. Chương trình quán triệt tinh thần “toán học cho mọi người”, ai cũng học được Toán nhưng mỗi người có thể học Toán theo cách phù hợp với sở thích và năng lực cá nhân.

Chương trình môn Toán chú trọng tính ứng dụng, gắn kết với thực tiễn hay các môn học, hoạt động GD khác, đặc biệt với các môn học nhằm thực hiện GD STEM, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu (như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, GD tài chính...).

Điều này còn được thể hiện qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm trong GD toán học với nhiều hình thức như: Thực hiện những đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là về ứng dụng Toán học trong thực tiễn; tổ chức trò chơi học Toán, câu lạc bộ Toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán... tạo cơ hội giúp HS vận dụng kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn một cách sáng tạo.

Chương trình môn Toán cũng bảo đảm tính thống nhất, sự phát triển liên tục (từ lớp 1 - 12), bao gồm hai nhánh liên kết chặt chẽ với nhau, một nhánh mô tả sự phát triển của các mạch nội dung kiến thức cốt lõi và một nhánh mô tả sự phát triển của năng lực, phẩm chất của HS. Đồng thời, chương trình môn Toán chú ý tiếp nối với chương trình giáo dục mầm non và tạo nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Bảo đảm tính tích hợp và phân hoá, chương trình môn Toán thực hiện tích hợp nội môn xoay quanh ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất; thực hiện tích hợp liên môn thông qua các nội dung, chủ đề liên quan hoặc các kiến thức toán học được khai thác, sử dụng trong các môn học khác như Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Tin học, Công nghệ, Lịch sử, Nghệ thuật,...; thực hiện tích hợp nội môn và liên môn thông qua các hoạt động thực hành và trải nghiệm trong giáo dục toán học.

Đồng thời, chương trình môn Toán bảo đảm yêu cầu phân hoá. Đối với tất cả các cấp học, môn Toán quán triệt tinh thần dạy học theo hướng cá thể hoá người học trên cơ sở bảo đảm đa số HS (trên tất cả các vùng miền của cả nước) đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình; đồng thời chú ý tới các đối tượng chuyên biệt (HS giỏi, HS khuyết tật, HS có hoàn cảnh khó khăn,…). Đối với cấp THPT, môn Toán có hệ thống chuyên đề học tập chuyên sâu và các nội dung học tập giúp HS nâng cao kiến thức, kĩ năng thực hành, vận dụng giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn.

Về tính “mở” của chương trình, GS Đỗ Đức Thái cho biết, chương trình môn Toán bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung GD Toán học cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung GD Toán học và triển khai kế hoạch GD phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương, của cơ sở GD.

“Chương trình môn Toán chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của HS, nội dung, phương pháp và việc đánh giá kết quả GD, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình. Chương trình bảo đảm tính ổn định và khả năng phát triển trong quá trình thực hiện cho phù hợp với tiến bộ khoa học - công nghệ và yêu cầu của thực tế” - GS Đỗ Đức Thái chia sẻ.

Trả lời câu hỏi: Chương trình môn Toán đóng góp như thế nào trong việc hình thành, phát triển các phẩm chất và các năng lực cốt lõi cho HS? GS Đỗ Đức Thái cho biết: Chương trình môn Toán góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất và năng lực chung được quy định trong chương trình GDPT tổng thể thông qua các cơ hội phối hợp hoạt động GD Toán học với các hoạt động trải nghiệm, cũng như tích hợp, phát triển các năng lực chung trong chương trình môn Toán.

Cụ thể: Hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu với những biểu hiện cụ thể như tính kỷ luật, kiên trì, chủ động, linh hoạt, độc lập; hứng thú và niềm tin trong học tập.

Hình thành và phát triển năng lực tự chủ và tự học thông qua quá trình học các khái niệm, kiến thức và kỹ năng toán học cũng như khi thực hành, luyện tập hoặc tự lực giải toán, giải quyết các vấn đề có ý nghĩa Toán học;

Hình thành và phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác thông qua việc nghe hiểu, đọc hiểu, ghi chép, diễn tả được các thông tin Toán học cần thiết trong văn bản Toán học; thông qua sử dụng hiệu quả ngôn ngữ Toán học kết hợp với ngôn ngữ thông thường để trao đổi, trình bày được các nội dung, ý tưởng, giải pháp Toán học trong sự tương tác với người khác; đồng thời thể hiện sự tự tin, tôn trọng người đối thoại khi mô tả, giải thích các nội dung, ý tưởng toán học; hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo thông qua việc giúp HS nhận biết được tình huống có vấn đề; chia sẻ sự am hiểu vấn đề với người khác;

Biết đề xuất, lựa chọn được cách thức, quy trình giải quyết vấn đề và biết trình bày giải pháp cho vấn đề; biết đánh giá giải pháp đã thực hiện và khái quát hoá cho vấn đề tương tự.

Đồng thời, chương trình môn Toán góp phần hình thành và phát triển năng lực tính toán, năng lực ngôn ngữ và các năng lực chuyên môn khác trên cơ sở trang bị học vấn phổ thông cơ bản, khả năng thực hành vận dụng để giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tế cuộc sống, cũng như rèn luyện khả năng thích ứng, tham gia tích cực vào thực tiễn đời sống xã hội hiện đại.

Chương trình môn Toán còn góp phần phát triển năng lực tin học thông qua việc sử dụng các phương tiện, công cụ công nghệ thông tin và truyền thông như công cụ hỗ trợ trong học tập và tự học; tạo dựng môi trường học tập trải nghiệm sáng tạo. Trong quá trình học tập, HS được làm quen với lịch sử Toán học, với tiểu sử của các nhà Toán học và thông qua việc nhận biết vẻ đẹp của Toán học trong thế giới tự nhiên, năng lực thẩm mỹ của HS cũng từng bước hình thành và phát triển./.

Chương trình môn Toán bố trí thời lượng 105 tiết (với lớp 1, lớp 10, lớp 11, lớp 12); 140 tiết (với lớp 6, 7, 8, 9, 10); 175 tiết (với lớp 2, 3, 4, 5). Riêng ở cấp THPT, mỗi lớp có thêm 35 tiết/năm cho các chuyên đề học tập tự chọn.

Phân bổ thời lượng cho các mạch kiến thức ở từng lớp như sau:

Số và Đại số: Ở các lớp đầu cấp tiểu học chiếm khoảng 70%, ở lớp 5 khoảng 50% thời lượng chương trình. Ở THCS từ 40% - 50%; ở THPT khoảng 40% thời lượng chương trình.

Hình học và Đo lường: Ở các lớp đầu cấp tiểu học chiếm khoảng 20%, ở lớp 5 khoảng 40% thời lượng chương trình. Ở THCS và THPT khoảng 30% thời lượng chương trình.

Thống kê và xác suất: Ở cấp tiểu học chiếm từ 3% - 5% thời lượng chương trình. Ở THCS, THPT khoảng 14% thời lượng chương trình.

Thực hành và Hoạt động trải nghiệm: Ở cấp tiểu học chiếm khoảng 5% thời lượng chương trình. Ở THCS, THPT khoảng 7% thời lượng chương trình. 

Theo Giaoducthoidai.vn