28/03/2024 lúc 21:23 (GMT+7)
Breaking News

Mới có 26% đô thị ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung

VNHN-Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị đã từng bước đi vào nề nếp.

VNHN-Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị đã từng bước đi vào nề nếp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp lần thứ 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ​

Sáng 19-4, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” đã trình bày dự thảo Báo cáo giám sát tại phiên họp thư 33 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đoàn giám sát nhận định, trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, việc ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy khơi thông nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển các khu đô thị.

Đặc biệt, chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. “Các đô thị phát triển nhanh, mạnh mẽ; diện mạo đô thị thay đổi tích cực rõ rệt, ngày càng hiện đại, hình thành một không gian sống tốt hơn cho người dân; cơ sở hạ tầng cơ bản được đảm bảo, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội phát triển sôi động”, người đứng đầu Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát cũng cho thấy hệ thống pháp luật hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; có nội dung chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; công tác quản lý đất đai tại đô thị còn có biểu hiện buông lỏng; việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện cũng gây nên một số hệ lụy cho môi trường sống như đô thị quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, diện tích cây xanh, công viên giảm…

Số lượng đô thị phát triển nhanh nhưng phân bổ chưa đồng đều, trong khi chất lượng đô thị giữa các địa phương, vùng, miền và trong từng đô thị cũng còn chênh lệch nhau. Việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung của các tỉnh, thành phố còn chậm, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý quy hoạch trên đia bàn (hiện mới có 26% đô thị trên cả nước đã ban hành Quy chế).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bình luận: “Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật, hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn”.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật liên quan. Trong trường hợp chưa sửa kịp thời Luật Đất đai và pháp luật liên quan thì cần ban hành Nghị quyết thí điểm xử lý một số vấn đề cấp bách phát sinh trong quản lý, sử dụng đất đai; và giao Chính phủ khẩn trương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình QH Khóa XIV tại Kỳ họp thứ 8.

Về phía Chính phủ, cần khẩn trương tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời, đẩy nhanh việc ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch năm 2017; nghị định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); bảo đảm kinh phí cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị.

Sau khi cho ý kiến vào Báo cáo giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 33. Phiên họp thứ 34 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 8-5 tới và kéo dài trong 3 ngày làm việc.

“Thời gian từ nay đến kỳ họp thứ 7 của Quốc hội không nhiều, do đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương rà soát các nội dung trình Quốc hội, đảm bảo chất lượng và tiến độ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.